Giữ cho quê nhà bình dị mà huyền ảo

Nguyễn Quang Hưng 19/06/2021 00:00

Bao nhiêu điều gợi mở, gợi nghĩ ở quê nhà bình dị mà đầy ẩn chứa, đầy những bí mật cho mỗi đứa trẻ.

B. Thân mến!

Cảm kích là khi đọc chuyện cũ của ai đó, ngày xưa của mình cứ lần lượt hiện ra, rõ nét, sống động, không phải như vừa hôm qua đây thôi đâu, mà như mình vẫn đang ở trong câu chuyện ấy. Nếu là việc xảy ra hồi bé, thì mình đây, cũng vẫn đang như thằng bé con đeo thanh gỗ có dây buộc hai đầu làm thành khẩu súng, mà chạy suốt nhà trên nhà dưới quê ngoại, luồn lách sau bụi chuối, cây rơm. Nếu là chuyện hồi thanh niên, thì có khi thấy mình vẫn đang đứng giữa nga ba phố đồi Sóc Sơn lộng gió, một lúc nữa có khi mưa ập xuống bất ngờ trên một vùng rộng lớn, rồi mà nghĩ những ý xa xôi, về cuộc sống quá xa và dài, quá nhiều điều mà mình sẽ phải biết, sẽ phải đi, để rồi làm được việc gì đáng kể chăng.

B. ạ, tôi đang đọc những đoạn văn của tác giả Trịnh Văn Sỹ kể chuyện làng ông những năm 60, 70, 80 thế kỷ trước, hồi ông từ là một đứa trẻ dần lớn lên thanh niên. Những chuyện mà hôm nay trẻ em thế hệ wifi, thế hệ 4G, 5G, thế hệ Facebook và YouTube đã có thể coi là chuyện xưa, hơn nữa, là chuyện cổ. Thật thế, khi mà đã có quá nhiều hình ảnh, lối sống đã lưu tồn hàng trăm năm, giờ biến mất trong đời sống công nghệ này.

Con đường Đa Sĩ tôi vẫn đi qua để về làng Tả Thanh Oai quê ngoại, vài năm lại thấy đã nhiều thay đổi, từ những ngôi nhà cao ven đường, các cửa hàng, khu chợ. Cả đến bộ mặt ngôi làng cũ cũng đã mới lên với cổng làng xây mới, cổng đình mới, thủy đình giữa hồ nước cũ cũng đã được trùng tu xây mới. Quê tôi cũng vậy, con đường đầu làng đã chật lắm rồi với nhà chen hai bên mà lẽ ra chỉ có một dãy nhà bên này nhìn qua đường ra sông. Người đông, đất chật - chuyện mà năm xưa thật khó ngờ có thể xảy ra ở làng, người ta lấn dần, ở dần, chặt đi những dãy tre xanh ngát ven sông. Những bờ bãi sông hẹp um tùm cây dại dần lấp đi để mọc lên nhà cửa, quán hàng.

Tôi có thấy thằng bé thị xã về chạy chơi ngày nắng chang chang trên đường rơm phơi, ngã lăn lóc những ụ rơm đánh đống bên vệ đường, lạ lẫm nhìn người ta gánh lúa về, những xe cải tiến chất đầy lúa mấy người cùng hò nhau kéo, đẩy, mồ hôi nhòa khuôn mặt đỏ bừng đã che đi nhiều sau những lớp khăn trùm kín cả đầu để tránh nắng, thấm nước. Nhìn các dì tôi chuẩn bị quang gánh ra đồng gặt lúa, ban đầu còn thấy buồn cười nữa. Các dì quấn khăn che kín miệng, lấp lửng ở dưới mũi, có khi chờm qua cả mũi, chiếc nón sờn che xụp xuống thì chỉ còn thấy mỗi đôi mắt. Áo sơ mi, áo bộ đội cũ dày hoặc áo bảo hộ xanh công nhân cài khuy xuống hết cổ tay, có khi đeo thêm đôi găng tay, các dì quấn xà cạp đến mắt cá chân, chỉ còn đôi chân đi đất cháy nắng chuyển da nâu quánh. Tôi nhớ sau những lần ra đồng, ngồi trên bờ cỏ nhìn mọi người gặt hoặc cấy, thỉnh thoảng lại có người dừng lại nhấc bàn chân lên gỡ ra một con đỉa.

Cũng như khi nghe mọi người ở nhà quê kể chuyện - câu chuyện mà chưa chắc đã tận mắt thấy, chỉ qua tai nhau thôi - là có con chó già nó đội nón, khoác áo, chống gậy đi trong sân. Nghe rồi thỉnh thoảng tôi cứ nhìn mấy con chó nhà ông bà ngoại xem chúng có vẻ như thế không, và thường trực một cảnh giác khi thấy bọn này rất đáng ngờ. Có lúc tôi tự đinh ninh rằng mấy chú chó này vẫn còn “trẻ” lắm, còn lâu mới già! Hoặc khi nghe nói mèo già hóa cáo, hay bắt gà, thì tôi cũng cố gắng nhìn con mèo của nhà xem tai nó có dài nhọn ra và đuôi có bông lên không.

Một đứa trẻ yếu bóng vía thì nhát nhưng về mặt nào đó thì cũng hay tưởng tượng. Nên khi nhìn các dì quấn xà cạp và giắt những chiếc liềm vào sợi dây buộc quanh bụng, tôi nhớ đến những tập truyện tranh kể nhà Trần đánh quân Nguyên Mông hoặc quân tốt đen tốt đỏ trong bộ tam cúc, đều vẽ những người quấn xà cạp. Vậy là một trận chiến có thể sắp diễn ra! Tất nhiên dù còn bé thì vẫn biết rõ đấy chỉ là mình đang nghĩ, nhưng vẫn có những cuốn hút mơ hồ khó hiểu khi liên tưởng xa đi một chút, cứ như nó sẽ là những chuyện có thực khác, sắp đến. Mà sắp, thì với trẻ con, là đã như nhìn thấy đến nơi rồi! Về với quê hương, nhìn những đầu hồi nhà, chiếc cổng cũ với những mảng vữa hình hoa lá, lang thang đường làng một bên sông Nhuệ, một bên những đầu ngõ, đường gạch đỏ phai hồng nhô ra, những ngôi nhà cũ loáng thoáng sau lùm cây đầu nhà, thỉnh thoảng một mái chùa cong, cổng chùa đóng kín đầy tò mò, xa xa theo dòng nước nhỏ như con suối có cây cầu vồng lên, rồi hết nhà, là những dải lúa đồng ngả theo đi bát ngát, hàng phi lao xa xa lúc nào cũng nghiêng theo gió mà khi đi qua đồng tìm được đến gần, gió vi vút những tán lá kim trên thân cây khô khan, những hốc cây, những gốc rễ uốn hình cổ quái, nhìn lên là những bóng lớn lừng lững của mây trắng chậm đi qua trời xanh… Không gian lan xa từ trong ra ngoài, từ hẹp sang rộng lớn đến quá mức ấy khiến tôi nghĩ mình đang đi lại trong một câu chuyện cổ tích. Có thể là về Sọ Dừa, chàng Cóc đã đọc, một ông vua nào đó đang đi đánh giặc, rồi tiên, rồi quỷ… Có thể là một chuyện nào đó mà mình chưa biết chăng, ở quê ngoại mình đây này, và có khi mình sắp được biết!

B. thân!

Bao nhiêu điều gợi mở, gợi nghĩ ở quê nhà bình dị mà đầy ẩn chứa, đầy những bí mật cho mỗi đứa trẻ. Và không chỉ thế, cho mỗi người đến tìm, cho cả những người từ làng quê ra đi còn có thể tìm lại như những chỉ dấu để ngày sau nhận mặt xóm làng. Những gì đã mất đi, đã sắp trôi hết, đang rạn vỡ, lung lay, có thể giữ được những gì trong một dòng cuốn không thể cưỡng lại được của nhịp sống mới gấp gáp, gồ ghề, có những khi bóng lạnh và sắc nhọn! Giữ gì mềm mại, quấn bện, thân thương và phóng khoáng từ quê hương, được tạo nên qua “kho dữ liệu nhà quê” đã được quy tụ, được hệ thống, được giải đáp với lớp người mới. Giữ những điều vẫn tiếp tục được thực hành, những giá trị vẫn được sống động trong thưa gửi, hỏi chào, lễ lạt, cỗ bàn, thân thuộc và nâng đỡ trong làng quê chòm xóm… hôm nay. Kể cả những gì đã ở sâu vào hoài niệm lớp người cao niên, trung niên thì vẫn có thể lưu giữ mà chắp ghép, mà tái hiện trong khung cảnh mới. Những việc này có thể còn nhiều cơ hội khi lớp người giữ nếp cổ truyền chưa qua đi hết, và lớp sau vươn lên vẫn còn những nặng lòng với xa xưa, lớp mới sẽ có những háo hức của tìm kiếm, khám phá những cuộc đời ông cha, những chặng đường quê quán và lấy đó tích lũy cho tương lai của mình. Có điều, nhận ra nhanh, và nhanh giữ lấy. Khi nhận ra, khi hiểu rồi thì đừng nhãng đi việc phải tìm cách lưu lại và lý giải vì sao năm xưa đã có biết bao vẻ đẹp từng sống động. Và nay, có thể được nữa không, một cách phù hợp, không làm bận bịu, nặng nề thêm đời sống mới vốn đã tất bật, nhưng vấn có thể như những lấp lánh, để tôn quý, để soi chiếu, để ngày mai còn hiểu ngày mai hơn.

B. ạ, những tò mò hoang vắng và huyền ảo cứ kéo tôi đi mãi trên đường quê hương. Nhòa vào giấc ngủ đêm mát dưới mái ngôi nhà cổ, lúc lên giường mắt vẫn náo nức mở, đòi cả nhà không tắt đèn dầu để còn nhìn được con mèo bộ lông xám tro leo trên cây cột tròn thẳng đứng, đuổi bắt chuột trên các xà nhà.

Chào B. nhé! Hẹn sẽ sớm gặp nhau!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ cho quê nhà bình dị mà huyền ảo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO