Môi trường giáo dục không chỉ dạy chữ, dạy kiến thức mà còn dạy cho các em về nhân cách, đạo đức của con người. Giáo viên cần hành xử chuẩn mực để nêu gương cho học trò.
Những hành vi không nên có
Vừa qua, một cô giáo tiểu học ở Ninh Bình đã tạm đình chỉ công tác để làm rõ sự việc phụ huynh phản ánh việc cô giáo này có những lời lẽ xúc phạm và hành vi không chuẩn mực với học sinh. Trước đó, phụ huynh trong lớp đã có trao đổi với cô giáo về việc thường xuyên quát mắng học sinh ở lớp nhưng cô vẫn tiếp tục có những lời nói xúc phạm, gây áp lực ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý học sinh khiến phụ huynh phải làm đơn thư phản ánh.
Tại Trường THPT Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội), một học sinh lớp 10 có hành vi thân mật như trêu đùa, ôm vai, vuốt tóc cô giáo trên bàn giáo viên trước sự chứng kiến của nhiều học sinh trong lớp đã bị ghi lại và tung lên mạng. Nhiều ý kiến bày tỏ không đồng tình với những hành vi thể hiện sự lệch lạc, thiếu chuẩn mực trong môi trường học đường của cả cô và trò dù xuất phát từ bất cứ nguyên nhân gì.
Cũng liên quan đến đạo đức nhà giáo, vụ việc cô giáo ở TPHCM đề xuất phụ huynh ủng hộ tiền mua laptop mới gây phản ứng trong dư luận không chỉ vì hành vi gắn mác “xã hội hóa giáo dục” sai lệch mà còn bởi những phát ngôn, hành xử của cô sau sự việc.
Cô tuyên bố không nhận tiền hỗ trợ laptop nữa vì có phụ huynh trong lớp không đồng ý nhưng lại thông báo sẽ không soạn đề cương ôn tập cho học sinh. Phụ huynh cũng phản ánh sau đó cô giáo cho học sinh xem Youtube ở hầu hết các bộ môn, mở lời giải trên tivi cho học sinh chép lại. Nếu học sinh nào không chép kịp sẽ phải bỏ. Với môn Toán, cô giáo cho chép câu hỏi trên tivi và sách rồi tự làm theo; cũng có lúc cô mở Powerpoint lên cho học sinh chép lời giải chứ không giảng bài...
Hàng loạt hành vi được lý giải là vì cô giáo giận dỗi phụ huynh không mua laptop cho cô nhưng dù vậy, dạy học, soạn bài, giảng giải cho học sinh là trách nhiệm của giáo viên khi lên lớp, không thể vì bất cứ lý do gì lại không hoàn thành.
Đối chiếu với Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT, những hành vi phản giáo dục này của giáo viên này đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề giáo.
Dư luận đều bày tỏ quan điểm cần có biện pháp xử lý nghiệm để không gây ảnh hưởng xấu đến sự hình thành nhân cách của trẻ. Trong đó, đình chỉ côngg tác của giáo viên chỉ là giải pháp trước mắt cho vấn đề này. Điều quan trọng là cần tìm rõ nguyên nhân để có các giải pháp căn cơ, phòng ngừa, ngăn chặn những sự việc tương tự xảy ra.
Cách nào cải thiện?
PGS.TS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) nhìn nhận, trong bối cảnh xã hội và các mục tiêu giáo dục hiện nay có sự thay đổi, cánh cửa trường học khác trước kia thì phải thay đổi văn hóa trường học theo hướng xây dưng mô hình trường học hạnh phúc. Giáo viên cần chuẩn bị tâm lý, kỹ năng để những sự việc bạo lực cả về thể chất, tinh thần với học sinh không xảy ra. Nếu giáo viên vẫn giữ mô típ cũ, coi việc phải làm thế học sinh mới ngoan hơn thì đó là sai lầm, đã đến lúc cần thay đổi phương thức giáo dục mới.
Chia sẻ quan điểm này, một phụ huynh cho rằng trong vụ việc nam sinh có hành vi trêu đùa quá trớn với giáo viên ngay trong lớp học, người đáng trách đầu tiên là giáo viên. Tuy nhiên, sự việc cũng cho thấy cô giáo này còn non kinh nghiệm, thiếu kỹ năng ứng xử nên đã không ngăn chặn ngay từ khi bắt đầu xảy ra hành vi lệch lạc, dẫn đến những phản ứng bức xúc sau đó.
PGS.TS Nguyễn Chí Thành (Trường ĐH Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cần quan tâm đến sức khỏe tinh thần của giáo viên. Sức khỏe tinh thần tốt là điều kiện tiên quyết giúp giáo viên truyền cảm hứng và lan tỏa năng lượng tích cực đến học trò. Trong thời gian tới cần có những quy định về hỗ trợ tư vấn tâm lý cho giáo viên, được đưa vào văn bản hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, cần tăng cường kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ thầy cô không chỉ khi đứng trên bục giảng mà ngay khi còn ở giảng đường đại học là việc cần thiết để ngăn ngừa, hạn chế những hành vi thiếu chuẩn mực có thể xảy ra.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2024-2025 của ngành giáo dục đó là tập trung các giải pháp xây dựng văn hóa học đường. Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đang rà soát, sửa đổi bộ quy tắc trong trường học để phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu đổi mới giáo dục. Từ phía các trường phổ thông cần tăng cường phối hợp với phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm để nắm bắt tâm lý học sinh, giúp các em có kỹ năng xử lý tình huống.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh cần đề cao tính gương mẫu của người thầy, coi trọng việc phát triển nhân cách, đạo đức, phẩm chất tinh thần của người học. Đặc biệt, vai trò mẫu mực của nhà giáo chính là cốt lõi của văn hóa học đường. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Muốn có văn hóa học đường, có trường học hạnh phúc thì phải có những người thầy chuẩn mực để dẫn dắt học sinh. Đương nhiên một trường học có văn hóa thì không thể có bạo lực”.
"Tôi thấy rất đau xót, ngày trước chúng tôi được học nghiệp vụ sư phạm, tâm lý trẻ em, được dạy rất nhiều kỹ năng, kể cả thầy cô giáo không nên mặc quần áo quá sặc sỡ khi lên lớp vì có thể gây ảnh hưởng đến sự chú ý của học sinh. Có ý kiến lý giải việc cô giáo huy động quyên góp, lạm thu trong nhà trường có thể do chế độ lương, đãi ngộ thấp... Nhưng thực ra từ trước đến nay thầy cô giáo có thể hoàn cảnh kinh tế không giàu có song tấm lòng, đạo đức rất giàu có", Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải nói, đồng thời kỳ vọng vấn đề liên quan đào tạo, bồi dưỡng cho nhà giáo được thể hiện sâu sắc, cụ thể hơn; tập trung những điểm đột phá, đặc thù của luật để đảm bảo thầy cô giáo là chuẩn mực về đạo đức, hành vi cho người học...