Thời gian qua, hơn 250 ngàn hộ dân Hà Nội đã phải chịu ảnh hưởng khi dùng nguồn nước sông Đà nhiễm bẩn, khốn khổ với cảnh thiếu nước sạch. Thiệt hại về vật chất, tinh thần, nhất là về sức khoẻ khó có thể đo đếm. Nguyên nhân trực tiếp chỉ từ một xe dầu thải khoảng 10m3 đổ từ phía thượng nguồn. Đây thực sự là vấn đề đáng báo động, bài học đắt giá cho ý thức của con người trong lĩnh vực môi trường, bài học về quản lý, bảo vệ môi trường.
Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam tiến hành xử lý ô nhiễm .
Có lẽ khi thực hiện hành vi đổ 10 thùng chứa dầu thải xuống đường, sát suối Trầm (xóm Quyết Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hoà Bình), Nguyễn Chương Đại (SN 1994, quê Thuận Thành, Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (SN 1986, quê Văn Quan, Lạng Sơn) chưa thể hiểu hết hậu quả của hành vi mình làm. Hay như Lý Đình Vũ (SN 1982, ở Thuận Thành, Bắc Ninh), kẻ thuê Đại, Thám đi đổ cũng đều chỉ nghĩ đến khoản tiền công mấy triệu đồng. Và ngay kẻ hay đơn vị đứng sau thuê Vũ cùng đồng phạm đi đổ dầu thải có thể cũng chỉ nghĩ đến mấy chục triệu không phải bỏ ra để xử lý chỗ dầu thải bẩn, độc hại nói trên.
Từ những hậu quả rất lớn với một hành vi tưởng như nhỏ xảy ra, đã là một sự cảnh tỉnh với mọi cá nhân, các cơ quan có trách nhiệm. Bởi lâu nay, nhiều hành vi cố tình, vô tình làm ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí…đã có quá nhiều. Dầu thải, thuốc sâu, chất thải nhựa, chất thải rắn, phế thải độc hại… được không ít người vô tư thải ra môi trường. Người ta cũng không nghĩ đến những hậu quả của hành vi của mình sẽ gây ra. Một người thả xuống đường một cái túi giấy bóng ở mãi Lào Cai, hay Tuyên Quang tưởng như vô hại. Thế nhưng cái túi bay ra suối, trôi ra sông, trôi ra biển, tác hại của nó còn ảnh hưởng đến hàng chục, hàng trăm năm sau… Việc thiếu ý thức trách nhiệm từ người dân cho đến các cơ quan quản lý, quy định pháp luật bị khinh nhờn, môi trường bị huỷ hoại từng ngày. Khi mỗi sự vụ xảy ra, các cơ quan liên quan lại nháo nhào chống đỡ. Vấn đề làm sao phải giải quyết, ngăn chặn triệt để, tận gốc?
Pháp luật về môi trường và pháp luật liên quan đã quy định rõ về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc bảo vệ môi trường. Mọi hành vi xả thải, gây ô nhiễm môi trường đều đã có các quy định xử lý về hành chính, hay hình sự. Như với nguồn nước, Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định trách nhiệm của địa phương tỉnh phải công khai thông tin các nguồn thải vào lưu vực sông; chỉ đạo, tổ chức các hoạt động phòng ngừa và kiểm soát các nguồn thải vào lưu vực sông; tổ chức đánh giá sức chịu tải của sông; ban hành hạn ngạch xả nước thải vào sông; công bố thông tin những đoạn sông không còn khả năng tiếp nhận chất thải; tổ chức đánh giá thiệt hại do ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường lưu vực sông; chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông. Chuyện về vụ việc nêu trên, ngay như Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà không chỉ chịu trách nhiệm về giao dịch với người dân mà còn phải chịu trách nhiệm về việc báo cáo, ngăn chặn nguồn nước nhiễm bẩn nguy hại. Cũng như Công ty gạch, gốm sứ Thanh Hà (Phú Thọ) cần phải có trách nhiệm với nguồn chất thải của mình, phải biết nguồn chất thải nguy hại của mình sẽ được xử lý ra sao…
Pháp luật hình sự cũng quy định cụ thể về các tội trong đó có các tội phạm về môi trường và các chế tài xử lý. Như với hành vi đổ dầu thải của các đối tượng nói trên, Công an huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hoà Bình đã khởi tố vụ án với tội “gây ô nhiễm môi trường” theo Khoản 2, Điều 235 BLHS 2015 có khung hình phạt: phạt tiền từ 1-3 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 3-7 năm tù.
Quy định đã rõ, tuy nhiên còn đó là vấn đề thực hiện. Luật Bảo vệ môi trường đã có hàng chục năm nay, nhưng việc tuân theo, thực hiện vẫn là vấn đề nan giải. Có rất ít các vụ xử phạt cũng như các vụ án về môi trường. Trong khi đó, hậu quả của việc vi phạm pháp luật về môi trường đã và đang để lại nhiều hệ lụy, tác động trực tiếp ngay cả chính người vi phạm. Dư luận cho rằng nhiều quy định xử lý, chế tài về xử phạt môi trường còn chung chung, chưa đủ sức răn đe, cần phải có sự đánh giá, sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Sống có trách nhiệm với xã hội, với môi trường xung quanh, tuân theo pháp luật là nghĩa vụ của mọi cá nhân, đơn vị, nhất là các doanh nghiệp. Ý thức con người là rất quan trọng. Pháp luật có xử lý trước hết cũng là để nâng cao ý thức. Từ những vụ việc như vụ đổ dầu thải, ô nhiễm nguồn nước sông Đà, hy vọng mọi cá nhân, đơn vị cảnh tỉnh, có ý thức tuân thủ pháp luật về môi trường; bảo vệ, quản lý, giữ gìn môi trường cũng là giữ gìn cuộc sống của chính mình.