Ngày 20/12, tại Hà Nội, Viện Ngôn ngữ học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh ngôn ngữ học thế giới và khu vực” công bố những nghiên cứu của các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Hội thảo nhận được gần 190 báo cáo của các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế. Hội thảo là diễn đàn khoa học để các nhà ngôn ngữ học Việt Nam và các nhà ngôn ngữ học thế giới quan tâm đến Việt Nam tập hợp và thảo luận những khuynh hướng ngôn ngữ học hiện đại; Trình bày và đánh giá kết quả nghiên cứu ngôn ngữ ở Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời xác định những nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng cho chặng đường sắp tới.
Hội thảo đã chia ra 5 tiểu ban thảo luận gồm Ngôn ngữ học lí thuyết; Ngôn ngữ - Văn hoá; Ngôn ngữ học xã hội và liên ngành; Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, phương ngữ và lịch sử tiếng Việt; Ngôn ngữ học ứng dụng.
Ngôn ngữ - lĩnh vực đang phát triển nhanh
Các đại biểu thống nhất cho rằng hiện nay ngôn ngữ học được xem là một lĩnh vực phát triển nhanh, trên phạm vi toàn thế giới cũng như ở từng quốc gia. Quan niệm cho rằng ngôn ngữ học là một khoa học trừu tương, câu chữ cao siêu, chỉ xét ngôn ngữ trong tính hệ thống và các quan hệ nội tại của nó không còn đúng nữa, mà ngôn ngữ học đã khẳng định mình là một khoa học khả dụng.
Không những vậy, hiện nay ngôn ngữ học mở rộng ranh giới, bao quát mọi phạm vi đời sống xã hội, từ những vấn đề cổ xưa như các biện pháp tu từ đến những vấn đề hiện nay của khoa học trí tuệ nhân tạo, đến khoa học hình sự và bệnh học ngôn ngữ.
Bên cạnh đó, nhiều nhà nghiên cứu cũng nhìn nhận ngôn ngữ học thế giới, ngôn ngữ học khu vực và ngôn ngữ học Việt Nam cũng được “vẽ lại bản đồ” theo xu hướng như vậy, đặc biệt có sự ra đời và phát triển nhanh chóng của những hướng nghiên cứu liên ngành, mà ngôn ngữ học máy tính, ngôn ngữ học văn hoá hay ngôn ngữ học nhân học, ngôn ngữ học tri nhận… là những ví dụ tiêu biểu.
Trong bối cảnh đó, trên nền tảng vững chắc được xây dựng qua hơn nửa thế kỷ nghiên cứu, các nhà ngôn ngữ học Việt Nam đã nhanh chóng hòa nhập với các trào lưu, các lí thuyết hiện đại của thế giới và đã có những thành tựu rất đáng được ghi nhận, cả về lí thuyết lẫn thực tiễn.
Các đại biểu cũng đã thảo luận làm rõ những khái niệm cũng hướng phát triển của ngôn ngữ học Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung trong thời gian tới. Đơn cử như vấn đề tiếp tục vận dụng các lí thuyết mới của ngôn ngữ học hiện đại để tiếp tục phát hiện những đặc điểm của tiếng Việt, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cho rằng: Tiến hành so sánh đối chiếu tiếng Việt với các ngôn ngữ khác để phát hiện những nét tương đồng và khác biệt đã cho thấy được những đặc điểm trong cách tư duy và văn hóa của người Việt.
Ví dụ như việc xem xét lại một số vấn đề về ngữ pháp, cần thiết thì thay đổi tên gọi. Chẳng hạn, tên gọi “loại từ” đã đem đến cách hiểu không chuẩn xác, vì thế cần tính đến khả năng thay thế bằng thuật ngữ danh từ đơn vị hoặc thuật ngữ danh từ đơn vị đo lường để tránh được sự ngộ nhận về chức năng “phân loại” do thuật ngữ “loại từ” gây nên.
Hay như vấn đề nghiên cứu lịch sử tiếng Việt, PGS.TS Nguyễn Hữu Hoành cho rằng cần làm rõ hơn các vấn đề về cội nguồn, cơ tầng và sự tiếp xúc ngôn ngữ của tiếng Việt, thông qua bằng chứng dấu vết từ vựng Proto Nam Á và Proto Vietic trong các phương ngữ địa lí, trong các cứ liệu các ngôn ngữ dân tộc thiểu số có họ hàng hay quan hệ tiếp xúc với tiếng Việt (như cơ tầng Chăm trong tiếng Việt) cũng như bằng chứng từ các thư tịch cổ, gồm thư tịch Hán Nôm và chữ Quốc ngữ những thế kỉ trước.
Cùng với đó, vấn đề bảo tồn và phát huy vai trò, bản sắc của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số, góp phần phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế. Ở đó, bên cạnh những nghiên cứu cơ bản, có tính cấu trúc về hệ thống ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, cần thêm những nghiên cứu theo hướng ngôn ngữ học xã hội - tộc, thông qua việc nghiên cứu ngôn ngữ như một trong những tiêu chí xác định tộc người, nghiên cứu cảnh huống và vị thế đã và đang thay đổi của một số ngôn ngữ dân tộc thiểu số do vấn đề di dân…
Hướng tới biên soạn cuốn cú pháp tiếng Việt mới
Trước những góp ý của các đại biểu, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Nguyễn Văn Hiệp cho rằng, cần đánh giá lại vấn đề giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt gắn với chuẩn hóa tiếng Việt trong tình hình, bối cảnh xã hội mới, do sự phát triển của công nghệ thông tin và các phương tiện nghe nhìn hiện đại, hướng đến xây dựng và ban hành Luật Ngôn ngữ ở Việt Nam.
Các vấn đề của ngôn ngữ học ứng dụng, nằm trong xu hướng đưa kiến thức ngôn ngữ học phục vụ xã hội, với những tiến bộ về xử lí ngôn ngữ hiện nay trong thời đại công nghệ 4.0 như dịch tự động, trí tuệ nhân tạo, ngôn ngữ học lâm sàng, ngôn ngữ học hình pháp, vấn đề dạy tiếng Việt cho người nước ngoài (cần thêm giải pháp, trong bối cảnh toàn cầu hoá), vấn đề dạy tiếng dân tộc thiểu số cho người dân tộc thiểu số để góp phần bảo tồn ngôn ngữ, văn hoá các dân tộc thiểu số và phát triển bền vững đất… Câu hỏi đặt ra là ngôn ngữ học Việt Nam sẽ có những điều chỉnh, bổ sung gì để được đánh giá là một nền ngôn ngữ học khả dụng?...
“Trong thời gian tới cần xác lập cơ sở lí thuyết cho việc biên soạn một cuốn cú pháp tiếng Việt mới, hướng đến biên soạn một cuốn Ngữ pháp tiếng Việt có tầm tham chiếu quốc gia, tiếp nối cuốn Ngữ pháp tiếng Việt được xuất bản năm 1983”, GS Nguyễn Văn Hiệp nói.
Hiện nay ngôn ngữ học mở rộng ranh giới, bao quát mọi phạm vi đời sống xã hội, từ những vấn đề cổ xưa như các biện pháp tu từ đến những vấn đề hiện nay của khoa học trí tuệ nhân tạo, đến khoa học hình sự và bệnh học ngôn ngữ. Trên nền tảng vững chắc được xây dựng qua hơn nửa thế kỷ nghiên cứu, các nhà ngôn ngữ học Việt Nam đã nhanh chóng hòa nhập với các trào lưu, các lí thuyết hiện đại của thế giới và đã có những thành tựu rất đáng được ghi nhận, cả về lí thuyết lẫn thực tiễn. Tuy nhiên, trước những tiến bộ về xử lí ngôn ngữ trong thời đại công nghệ 4.0, như dịch tự động, trí tuệ nhân tạo, ngôn ngữ học lâm sàng, ngôn ngữ học hình pháp, vấn đề dạy tiếng Việt cho người nước ngoài… thì vẫn còn đó thách thức đối với ngành ngôn ngữ