Giữ gìn vùng đệm di sản

Bắc Phong 13/11/2023 07:00

Dự án khu đô thị 10B (phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) quây núi đá thành hòn non bộ, đổ đất xuống vùng đệm Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đã có xử lý bước đầu, tuy nhiên vẫn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Xây dựng chủ trì vụ việc, báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 25/11.

Được biết, phần nằm trong vùng đệm Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long của dự án có diện tích 3,88ha (chiếm 12,19% tổng diện tích). Theo TS Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, dự án khu đô thị 10B của Công ty TNHH Đỗ Gia Capital khi lấn biển, đổ đất đá xuống vùng đệm vịnh Hạ Long có dấu hiệu vi phạm Di sản thiên nhiên thế giới và Luật Bảo vệ môi trường 2020. Việc đổ đất trực tiếp xuống biển, tạo đường thi công rồi biến núi tự nhiên thành “hòn non bộ” sẽ tác động đến môi trường vùng nước vịnh Hạ Long.

Thời gian qua, vùng đệm vịnh Hạ Long có tốc độ đô thị hóa “đáng kinh ngạc”. Trong đó có thể kể đến khu du lịch và giải trí Tuần Châu (quy mô ban đầu khoảng 300ha, sau nhiều lần được điều chỉnh quy hoạch đã mở rộng lên tới hơn 1.000ha). Cách đó không xa là dự án khu đô thị Hùng Thắng (phường Hùng Thắng, TP Hạ Long) có quy mô 248ha, được chia làm 3 bán đảo. Nếu tính từ quốc lộ 18 trở ra phía biển, tới nay tại Quảng Ninh có hơn 40 dự án, diện tích lên tới hàng nghìn ha.

Trong cuộc họp về xây dựng đề án "Điều chỉnh ranh giới vùng đệm di sản vịnh Hạ Long" của UBND tỉnh Quảng Ninh giữa tháng 5/2023, địa phương này xác định thời điểm lập hồ sơ di sản vịnh Hạ Long trình UNESCO cách đây đã gần 30 năm, phần ranh giới vùng đệm được thực hiện theo khuyến nghị kéo dài từ 4-5km tính từ ranh giới vùng lõi trở ra. Do đó, hầu hết các phường tại TP Hạ Long đều đang nằm trong vùng đệm di sản vịnh Hạ Long. Theo thời gian, nhiều ý kiến cho rằng ranh giới ấy không còn phù hợp, hay nói cách khác cần được nới rộng hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Khoan bàn đến chuyện đúng sai, ở đây là vấn đề ứng xử với Di sản thiên nhiên thế giới và vùng đệm của nó thế nào.

Cũng cần nhắc lại, vịnh Hạ Long đã từng được các nhà khoa học trong nước, nhà quản lý và thậm chí UNESCO cảnh báo nhiều lần. Năm 2006, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã phải gửi một báo cáo giải trình tới UNESCO về tác động của nhà máy xi măng Cẩm Phả liên quan tới cảnh quan môi trường di sản thế giới này, khi mà nó nằm ở vùng đệm của di sản.

Năm 2012, kỷ niệm 15 năm vịnh Hạ Long trở thành Di sản thiên nhiên thế giới, một hội thảo lớn được tổ chức. Tại hội thảo, nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng hệ thống rừng ngập mặn vốn là hàng rào bảo vệ cho Hạ Long ở ven bờ đứng trước nguy cơ bị hủy hoại, các rạn san hô cũng suy kiệt dần.

Năm 2013, vịnh Hạ Long đã phải trải qua cuộc kiểm tra thực địa của chuyên gia Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Cơ quan chuyên môn chuyên rà soát di sản UNESCO này đã đưa 7 khuyến nghị về tình trạng bảo tồn cho vịnh Hạ Long. Lúc đó, vịnh Hạ Long đã bị đưa vào “danh sách đen" của UNESCO.

Sang năm sau (năm 2014), Hội nghị về bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam được tổ chức ở Hà Nội. Thông tin từ hội nghị cho thấy vịnh Hạ Long lúc đó đã rất cố gắng để thoát khỏi "danh sách đen".

Gần đây nhất, tháng 9 vừa qua, ở Saudi Arabia, tại kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản thế giới (WHC), Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã đưa ra khuyến nghị nhấn mạnh các mối đe dọa đối với tính toàn vẹn của cả phần đất liền và phần biển của khu vực vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà. IUCN cũng lên tiếng cảnh báo về hoạt động của con người khiến hệ sinh thái bị thu hẹp, đặc biệt là tại vùng đệm di sản.

Những khuyến nghị đó cho thấy không chỉ vùng lõi di sản mà cả vùng đệm di sản cũng phải được bảo tồn một cách tốt nhất. Theo đó, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền địa phương nơi có di sản, cùng vai trò quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Không thể nói những dự án quy mô lớn, đã triển khai thời gian dài trong vùng đệm di sản mà chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng không biết. Giới hạn nhận thức hay do “làm ngơ”? chưa nói đến việc bắt tay với doanh nghiệp để trục lợi.

Từ một dự án trong vùng đệm Di sản vịnh Hạ Long mới đây, rất cần có cuộc tổng rà soát tất cả các di sản trên cả nước. Nếu vùng lõi của di sản được bảo vệ thì vùng đệm của di sản cũng không thể tùy tiện muốn làm gì thì làm. Việc xâm lấn vùng đệm của di sản là không thể chấp nhận, vì thế phải làm rõ ai phải chịu trách nhiệm để xử lý một cách triệt để, ngăn chặn không để tái diễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ gìn vùng đệm di sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO