Là ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và là nghệ nhân của làng nghề mây giang đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội, ông Nguyễn Văn Trung đã có nhiều đóng góp cho các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương và đặc biệt đã mở ra hướng đi mới cho nghề truyền thống của quê hương, mang sản phẩm mây tre đan của Việt Nam vươn ra thế giới.
Ông Nguyễn Văn Trung trình diễn nghệ thuật mây tre đan tại triển lãm làng nghề.
Bên ấm trà xanh, ông Trung kể về những ngày đánh vật với số phận kém may mắn, sau một cơn sốt “thập tử nhất sinh” cậu bé Trung được bác sĩ thăm khám và kết luận là mắc bệnh co cơ, lao xương nên phải nằm liệt giường.
“Mất hơn ba năm điều trị ở Bệnh viện Việt Đức và nhiều bệnh viện khác, nhưng bệnh tật vẫn không thuyên giảm. Bất lực, gia đình đành ngậm ngùi đưa tôi về nhà tiếp tục điều trị, chăm sóc với hy vọng “còn nước còn tát”. Sau 4 tháng điều trị ở nhà, bệnh của tôi có dấu hiệu tiến triển. Rồi hạnh phúc đã mỉm cười, khi đôi chân của tôi bắt đầu cử động được, nhưng chân phải tôi bị ngắn hơn chân trái 15cm. Bố mẹ ôm tôi vào lòng trong niềm vui vỡ òa. Cũng từ đó, cuộc sống của tôi bắt đầu thay đổi,tôi tập bò, tập đi như một đứa trẻ. Khi đã tự đi được, tôi bắt đầu học nghề mây tre đan của gia đình”, ông Trung kể.
Với đôi tay tài hoa, sự tâm huyết với nghề truyền thống của quê hương, chàng trai khuyết tật Nguyễn Văn Trung đã được xã viên hợp tác xã Mây giang đan Phú Vinh bầu làm Đội trưởng đội kỹ thuật. Cũng trong năm đó, sản phẩm mây tre đan của đội sản xuất do Nguyễn Văn Trung làm đội trưởng đã giành giải nhất “Cuộc thi tay nghề giỏi ở làng Phú Vinh”. Đây cũng chính là động lực quan trọng để giúp Nguyễn Văn Trung tiếp tục “giữ lửa” trong tình thế làng nghề đang “tiến thoái lưỡng nan”.
Trước những thách thức mới của cơ chế thị trường và suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường tiêu thụ sản phẩm mây tre đan ngày càng thu hẹp, ông Trung luôn trăn trở làm sao để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của quê hương.
Từ 25 người ban đầu trong Đội kỹ thuật của HTX Mây giang đan Phú Vinh, ông Nguyễn Văn Trung đã thành lập Tổ hợp mây giang đan Phú Vinh. Đến năm 2005, ông thành lập Công ty TNHH mỹ nghệ Hoa Sơn, đầu tư nghiên cứu cải tiến mẫu mã sản phẩm, tập trung sản xuất những mặt hàng thiết yếu, những sản phẩm mỹ nghệ trang trí tinh xảo, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, đưa máy móc vào sản xuất để giảm ngày công lao động, giúp làng nghề đứng vững trước sự cạnh tranh gay gắt của thị trường.
Hiện nay, sản phẩm mây giang đan của Công ty không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn chiếm lĩnh được những thị trường khó tính như EU và một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc… Mỗi năm, Công ty cho ra khoảng 20 loại mẫu khác nhau, thu nhập khoảng trên 3 tỷ mỗi năm.
Mặc dù là giám đốc, song ông vẫn luôn tự rèn luyện và nâng cao kỹ năng tay nghề. Với hơn 40 năm trong nghề, ngoài những sản phẩm đồ gia dụng, ông đã làm ra khoảng 300 bức chân dung các vị lãnh tụ nổi tiếng trong và ngoài nước, trong đó có hơn 200 bức khắc họa chân dung Bác Hồ với nhiều sắc thái riêng trên chất liệu mây giang đan.
Ông là người duy nhất thể hiện sống động hình ảnh vị lãnh tụ trên chất liệu mây giang đan. Các tác phẩm của ông đã góp phần vinh danh, quảng bá thương hiệu làng nghề mây giang đan truyền thống Phú Vinh trong nước và quốc tế.
Đến nay, ông Trung còn thành lập ra Trung tâm dạy nghề tư thục mây giang đan Phú Vinh nhằm đào tạo ra những người thợ có tay nghề cao để gìn giữ và phát triển làng nghề. Từ khi thành lập năm 2007 đến nay, Trung tâm đã đào tạo miễn phí cho gần 5000 lao động ở Hà Nội và các tỉnh, thành bạn, trong đó có hơn 1000 người khuyết tật thành nghề, tạo công ăn việc làm, cho thu nhập ổn định.
Song song với hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Trung luôn gương mẫu tham gia đi đầu trong các hoạt động của địa phương. Bản thân ông luôn chấp hành và thực hiện nghiêm túc các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực đóng góp ủng hộ cho quỹ ‘’Vì người nghèo’’, quỹ ‘’Đền ơn đáp nghĩa’’ của địa phương.
Bằng tài năng và những cống hiến, đóng góp cho xã hội, năm 2005, ông được Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu nghệ nhân làng nghề. Nhiều nằm liền ông được Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện và Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tặng Bằng khen; 5 lần ông được tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu của Thủ đô. Năm 2016, ông vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vì đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của quê hương.