Chính trị

Giữ ổn định 3,56 triệu ha đất trồng lúa

A.Minh 05/01/2024 06:41

Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

anh-bai-tren-ben-phai.jpg
Nông dân Quảng Yên (Quảng Ninh) thu hoạch vụ mùa. Nguồn: BQN.

Theo đó, Việt Nam giữ ổn định diện tích 3,56 triệu ha đất trồng lúa, trong đó đất chuyên trồng lúa nước 3 triệu ha, sản lượng trên 35 triệu tấn thóc, làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, chế biến, dự trữ và xuất khẩu. Lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm 85 - 90%, lúa sử dụng cho chế biến chiếm 10 - 15%.

Trong thời gian qua có ý kiến đề xuất Việt Nam nên giảm diện tích đất trồng lúa. Trong đó có ý kiến cho rằng cần mở rộng khái niệm "an ninh lương thực" không chỉ là gạo mà còn là các sản phẩm khác. Cũng có ý kiến cho rằng sản xuất lúa hiệu quả thấp, chỉ bằng 1/10 so với thủy sản. Trong khi vừa bấp bênh về hiệu quả và người làm lúa luôn nghèo, tác động môi trường lớn do sử dụng thuốc, phân bón, chiếm không gian các ngành kinh tế khác, chi phí đầu tư công trình cứng như cống, thủy lợi tương đối lớn. Từ đó, đề xuất giảm diện tích lúa đến năm 2030 ở Đồng bằng sông Cửu Long xuống 1,3 đến 1,4 triệu ha, thay vì 1,67 triệu ha như quy hoạch đề ra. Với cả nước, ý kiến đề xuất cho rằng chỉ giữ ổn định diện tích trồng lúa cả nước ở mức 3,2 triệu ha. Với 300.000 ha, Nhà nước cho phép người dân chuyển đổi các loại cây trồng linh hoạt.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (khi đó là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường), đến năm 2030, Việt Nam duy trì diện tích đất trồng lúa và lúa kết hợp với cây lương thực khác hơn 3,5 triệu ha. Giữ ổn định diện tích đất lúa không chỉ đảm bảo vấn đề an ninh lương thực mà chính là giữ hệ tài nguyên, giá trị đất đai, thổ nhưỡng đặc biệt, hàng triệu năm mới tạo ra được. Khi đã thay đổi tính chất đất này, sẽ không lấy lại được. Nếu khai thác hết quỹ đất lúa thì sẽ không còn không gian đất cho nhu cầu phát triển của thế hệ mai sau.

Tháng 8/2023, sau phiên chất vấn tại phiên họp 25 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), vấn đề đảm bảo diện tích 3,5 triệu ha đất trồng lúa đến năm 2030 theo Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia giai đoạn 2011-2020 đã được Quốc hội phê duyệt được Bộ NNPTNT phối hợp Bộ TNMT thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Trong kết luận sau phiên chất vấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp giữ 3,5 triệu ha đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đối với đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất khu công nghiệp.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết nửa đầu tháng 12/2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 7,9 triệu tấn gạo, trị giá hơn 4,5 tỷ USD, tăng 11% về lượng và 29% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Năm 2023, xuất khẩu gạo có thể lên tới 8,2 triệu tấn với kim ngạch đạt gần 4,8 tỷ USD, mức cao nhất từ năm 1989 (năm Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo) tới nay.

Tỷ trọng giống lúa chất lượng cao của Việt Nam tăng từ 50% năm 2015 lên 74% năm 2020 và hiện đạt 85%. Khối lượng gạo xuất khẩu được giữ ở mức 6 triệu tấn, có xu hướng tăng trưởng qua các năm, giá trị xuất khẩu liên tục đạt trên 3 tỷ USD/năm.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho hay, năm 2023, trong bối cảnh an ninh lương thực bất ổn, Ấn Độ, Nga thắt chặt xuất khẩu, Việt Nam nổi lên là quốc gia xuất khẩu với sản lượng lớn, nhiều chủng loại gạo chất lượng cao, ổn định cho nhiều phân khúc thị trường, từ châu Á tới châu Âu.

Dự báo năm 2024, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi do thế giới thiếu hụt 5 triệu tấn gạo và Ấn Độ có khả năng duy trì hạn chế xuất khẩu gạo sang năm tới. Trong khi đó, một số quốc gia nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như Indonesia, Philippines đều có nhu cầu tăng lượng nhập khẩu gạo… VFA cho rằng, xuất khẩu gạo năm 2024 dự tính mang về 5,3 tỷ USD, tăng gần 13% so với 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ ổn định 3,56 triệu ha đất trồng lúa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO