Giữ ổn định cho thị trường lao động

Lê Bảo - Minh Sang 20/12/2022 06:40

Nhiều lao động mất việc làm đồng nghĩa với việc số lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần gia tăng. Việc này sẽ để lại hệ lụy rất lớn nếu không kịp thời có những giải pháp tháo gỡ. Các bộ, ngành đang ráo riết đưa ra những giải pháp hỗ trợ cho người lao động. Trong đó, theo bà Trần Thị Thanh Hà - Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đào tạo và giới thiệu việc làm là nhu cầu cấp bách.

Cần thêm giải pháp hỗ trợ người lao động. Ảnh: Quang Vinh.

Nếu như cuối tháng 11/2022 tình trạng doanh nghiệp (DN) thiếu việc làm, cắt giảm nguồn nhân lực chỉ xảy ra ở các tỉnh phía Nam thì bước sang tháng 12 “làn sóng” mất việc làm đã lan rộng khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Mất việc làmtrên diện rộng

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tại các DN đã thành lập công đoàn cơ sở, từ tháng 9/2022 cho đến hết ngày 10/12/2022 đã có 1.242 DN (tại 44 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 482.120 người lao động. Trong đó, giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương là 433.908 người, chiếm 90% tổng số người bị ảnh hưởng; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 6.570 người, chiếm 1,36%; chấm dứt hợp đồng lao động với 41.642 người, chiếm 8,64% tổng số người bị ảnh hưởng.

Số lao động bị ảnh hưởng trên phần lớn ở các DN FDI (chiếm 75% tổng số lao động bị ảnh hưởng), tập trung trong 3 ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ (chiếm 77% tổng số lao động bị ảnh hưởng); chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Dữ liệu từ Navigos Group (đơn vị sở hữu VietnamWorks và Navigos Search) cũng chỉ rõ, nhu cầu tuyển dụng của thị trường trong 3 tháng cuối năm giảm mạnh ở một loạt ngành nghề. "Nhu cầu tuyển dụng lao động trong 9 tháng đầu năm thực tế đã trở lại so với mức trước khi có dịch Covid-19, nhưng 3 tháng cuối năm lại giảm trung bình 15-18%" - đại diện Navigos Group đánh giá.

Dựa trên số liệu thống kê về xu hướng nhu cầu tuyển dụng của 4 năm gần nhất (2019-2022), đơn vị này cho biết, một số ngành sụt giảm mạnh về nhu cầu tuyển dụng nhân sự bao gồm: Dệt may/da giày (giảm 44%); Nhà hàng - Khách sạn (giảm 49%); Hàng không - Du lịch (giảm 51%); Hàng hải (giảm 43%); Bất động sản (bắt đầu giảm 29% vào tháng 11)...

"Do ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu và các khó khăn vừa xảy ra với các DN trong nước, nhu cầu tuyển dụng giảm là điều dễ hiểu" - Navigos nhận xét và cho rằng, tình trạng này có thể kéo dài sang 2023.

Da giày là một trong số các ngành đang gặp khó khăn phải cắt giảm lao động.

Khó đảm bảo lưới an sinh

Theo ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, bên cạnh hỗ trợ DN và người lao động, cần phải tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, dự báo sớm, kịp thời các vấn đề kinh tế đối ngoại và thông tin kịp thời cho DN để có định hướng sản xuất phù hợp.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, cú sốc của thị trường lao động lần này sẽ để lại hệ lụy nghiêm trọng và lâu dài hơn. Và nếu không có giải pháp căn cơ tháo gỡ kịp thời, lưới an sinh sau hàng chục năm xây dựng sẽ có nguy cơ đứt gãy.

Phó Chủ tịch Công đoàn Các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết, thời điểm này các năm trước, người lao động thường phải tăng ca để đảm bảo các đơn hàng nhưng hiện không có việc để làm thêm. Vì thế, thu nhập của người lao động sụt giảm. Dệt may là một trong số các ngành đang gặp khó khăn, nhiều DN phải chấm dứt hợp đồng lao động, giảm giờ làm. Đến nay, rất ít DN có đơn hàng đến hết tháng 3 của năm 2023. Một số đơn vị đang phải giãn ca, đồng thời phải “căng mình” để giữ công nhân.

Trong bối cảnh đó, rất cần giải pháp hỗ trợ người lao động. Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, trước làn sóng mất việc làm, các cấp công đoàn đã nhanh chóng vào cuộc và triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm bớt khó khăn cho người lao động. Song để ổn định thị trường, sẵn sàng cho giai đoạn tái phục hồi trong năm 2023, ông Hiểu cho rằng, cần nhiều giải pháp đồng bộ, vừa hỗ trợ trong ngắn hạn giúp người lao động vượt khó, ở lại thị trường hoặc sớm trở lại thị trường, vừa hỗ trợ trong dài hạn nhằm tăng cường khả năng chống chịu cho người lao động trước khủng hoảng, biến động của thị trường. Trước mắt, cần tăng cường cung cấp thông tin về thị trường lao động, triển khai các phương thức giúp người lao động dễ tiếp cận thông tin tuyển dụng tại các nguồn tuyển dụng uy tín, các DN đang cần tuyển việc làm.

Về lâu dài cần có chính sách thu hút đầu tư và tiền lương thỏa đáng giúp người lao động sau một thời gian làm việc phải có tích lũy ở mức cần thiết để khi gặp khó khăn, họ vẫn có tiền duy trì cuộc sống. Bên cạnh đó phải mở rộng chính sách về bảo hiểm xã hội nhằm hỗ trợ người lao động trong lúc khó khăn.

Còn theo bà Trần Thị Lan Anh - Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cần điều chỉnh các chính sách thị trường lao động phù hợp hơn với thực tiễn, đảm bảo thị trường lao động an ninh, linh hoạt và hiệu quả hơn; ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thị trường lao động, tạo điều kiện thuận lợi kết nối và điều tiết lao động ở những nơi cắt giảm lao động và nơi có nhu cầu tuyển dụng hợp lý.

Ở góc độ DN, bà Vi Thị Hồng Minh - Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động VCCI cho rằng, Nhà nước cần tạo cầu nối, minh bạch thông tin, có chính sách tạo liên kết giữa các DN trong thị trường lao động, giúp những DN có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động có thể tiếp cận được nguồn lao động từ những DN có nhu cầu cắt giảm lao động do bị tác động bởi việc sụt giảm đơn hàng trong giai đoạn này.

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh:

Đảm bảo sự thông suốt của thị trường lao động

Để có các giải pháp để phát triển thị trường lao động bền vững, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ để trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội. Theo đó phục hồi và ổn định thị trường lao động với hàng loạt giải pháp như: chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách phát triển thị trường lao động với các thị trường khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó có cung - cầu lao động; khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực.

Bên cạnh đó tổ chức đào tạo, cung ứng kịp thời nhân lực cho các DN, đặc biệt là DN có vốn đầu tư nước ngoài; thiết lập mạng lưới thông tin của những người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về để thu hút vào làm việc cho các DN FDI tại Việt Nam. Việc đầu tư phát triển hệ thống kết nối cung - cầu lao động, công tác dự báo cung - cầu lao động và hệ thống thông tin thị trường lao động với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động hiện đại, đồng bộ, có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội cũng sẽ được triển khai...

Bà Trần Thị Thanh Hà - Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:

Đào tạo và giới thiệu việc làm nhu cầu cấp bách

Hiện nay các bộ, ngành đang ráo riết đưa ra những giải pháp hỗ trợ cho người lao động. Về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chúng tôi đã có những kiến nghị Chính phủ gia hạn các chính sách để hỗ trợ cho người sử dụng lao động và người lao động như một gói hỗ trợ của Nghị quyết 68 về hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid -19. Thứ hai, chúng tôi cũng kiến nghị giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho DN. Cùng với đó, có thể áp dụng một số giải pháp khác như tạm ngừng đóng quỹ hưu trí tử tuất, hỗ trợ trong công tác đào tạo bồi dưỡng và nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, hỗ trợ DN vay để trả lương trong thời gian người lao động phải ngừng việc, hoặc cho vay để DN phục hồi sản xuất…

Về phía người lao động, nên hỗ trợ cho người lao động thuộc nhóm đối tượng đang phải tạm hoãn, ngừng việc hoặc phải chấm dứt hợp đồng lao động. Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ thuê nhà cho người lao động, hỗ trợ lao động bị giảm giờ làm… Có một vấn đề cần phải quan tâm hiện nay là trong số lao động mất việc, nhiều người đã quay trở lại tìm việc làm ở các DN khác nhưng cũng có không ít lao động đã ngoài 35, 40 tuổi họ không muốn đi làm trở lại. Đây là nhóm đối tượng cũngcần sớm giải quyết bài toán việc làm cho họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ ổn định cho thị trường lao động