Chiều 12/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì Hội nghị "Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế" trong tình hình hiện nay.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết nền kinh tế nước ta đang tiếp tục phục hồi, nhưng trong quý IV/2022 và năm 2023 tăng trưởng kinh tế khả năng sẽ khó khăn hơn. Do đó các bộ, cơ quan quản lý ngành cần chủ động, linh hoạt trong hành động.
Theo báo cáo của Bộ KHĐT, dù nền kinh tế có mức phục hồi và tăng trưởng ổn định trong 8 tháng năm 2022 nhưng rủi ro, thách thức tới tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô là rất lớn. đó là áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất, rủi ro về chuỗi cung ứng; nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống suy yếu; khả năng cạnh tranh, bảo vệ và giữ ổn định thị trường trong nước; điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta; diễn biến bất thường thiên tai, dịch bệnh, bão lũ…
Quan điểm trong điều hành
Cũng theo Bộ trưởng Bộ KHĐT, thời gian tới, quan điểm điều hành là yêu cầu thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023); chủ động ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh, đồng thời tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp căn cơ trong trung và dài hạn để phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển 5 năm đề ra; bảo đảm hài hòa, gắn kết chặt chẽ giữa việc thực hiện các giải pháp để vừa phục hồi, vừa tăng trưởng, vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Tiếp đó, cần chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn, khai thác các động lực tăng trưởng mới; tăng trưởng kinh tế vừa trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, vừa là điều kiện để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong điều hành kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính cần chủ động theo dõi diễn biến, tình hình trong nước, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với nhau và với các cơ quan liên quan để có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, phù hợp với bối cảnh, tình hình, điều kiện nguồn lực của nền kinh tế.
Đồng thời, cần có các chính sách hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho doanh nghiệp, người dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp, đồng thời bảo đảm dư địa chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế sau năm 2023.
Ngoài ra, cần thực hiện đồng bộ, toàn diện các chính sách về tài khóa, tiền tệ, thương mại, sản xuất, điều hành giá, chính sách về đầu tư, huy động nguồn lực, về giải ngân vốn đầu tư công.
Những mục tiêu
Người đứng đầu ngành KHĐT nhấn mạnh, mục tiêu của nước ta từ nay đến cuối năm là hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu trong Nghị quyết số 32/2021/QH15 của Quốc hội với mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 vượt 7,5%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát năm 2022 tăng dưới 4%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng để phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5 năm (6,5-7%/năm), không làm suy yếu các động lực tăng trưởng, tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi số…; phát triển xuất nhập khẩu, hướng đến cán cân thương mại hài hòa, bền vững.
Đồng thời tích cực các biện pháp phục hồi nhanh sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí, chiếm lĩnh thị trường; bảo đảm nhu cầu huy động vốn, lao động…tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng nhất là trong các ngành, lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn của nền kinh tế.
Phấn đấu giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước hằng năm đạt 95%-100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó vốn ngân sách địa phương đạt 100%; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng quốc gia, trọng điểm, cụ thể hóa đột phá chiến lược về cơ sở hạ tầng.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới, bao gồm cả các giải pháp cần triển khai ngay trong ngắn hạn và các giải pháp mang tính lâu dài, căn cơ trong trung và dài hạn cần chuẩn bị thực hiện ngay nhằm nâng cao năng lực và tính tự chủ của nền kinh tế, đạt được các mục tiêu đặt ra, phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế của nền kinh tế.