Thống kê từ Tổng cục Hải quan trong 11 tháng của năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 652.150 tấn thịt và sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm, trị giá khoảng 1,3 tỷ USD; tăng 6,1% về lượng so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, ngày 12/1, thông tin từ “thủ phủ chăn nuôi” Đồng Nai cho biết hiện giá thịt heo giảm rất sâu cho dù Tết đã đến gần.
Riêng mặt hàng thịt lợn, tính đến hết tháng 10/2023, nước ta nhập khẩu khoảng 95.400 tấn, giá trị đạt 239,37 triệu USD; tăng 7% về lượng và tăng 26,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Xung quanh việc nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm, theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), lượng thịt nhập khẩu tăng cùng với tình trạng nhập lậu vẫn diễn ra là một trong những nguyên nhân khiến giá sản phẩm chăn nuôi nội địa ở nước ta bấp bênh và nằm ở mức thấp. Càng gần đến Tết, tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm, các sản phẩm thịt càng tăng.
Được biết, tới nay nước ta nhập thịt và các sản phẩm từ thịt được nhập khẩu từ 57 thị trường trên thế giới. Trong đó Ấn Độ, Mỹ, Nga, Brazil và Hàn Quốc là 5 thị trường lớn nhất. Vẫn biết khi thực hiện cam kết từ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, việc hàng hóa từ bên ngoài vào Việt Nam là tất nhiên. Tuy nhiên, nếu như lại nhập những loại hàng hóa ta có sẵn, dồi dào thì lại là vấn đề khác.
Thực tế cho thấy, bên cạnh mức tiêu thụ giảm thì việc nhập khẩu (trong đó có cả nhập lậu) đã khiến giá thịt gia súc, gia cầm trong nước giảm mạnh, khiến giá sản phẩm chăn nuôi nội địa bấp bênh và nằm ở mức thấp.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng sức tiêu thụ trên thị trường yếu, nguồn cung chăn nuôi nội địa tăng, nhập khẩu tăng và hàng lậu vẫn tràn vào dẫn tới cung vượt cầu, giá gà và lợn hơi “nằm đáy”.
Đáng chú ý, mới đây, báo cáo với đoàn khảo sát của Sở Công thương TPHCM về tình hình chuẩn bị, cung ứng hàng Tết, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết chưa khi nào doanh nghiệp đầu tư lớn để kích cầu như năm nay song cũng chưa bao giờ sức tiêu thụ thịt heo tụt dốc như năm nay. Ông Phan Văn Dũng - Phó Tổng Giám đốc Vissan cho biết, từ ngày 1/1 đến 9/2/2024 (tức là từ 20/11 đến 30 Tết Nguyên đán), công ty tổ chức 2 đợt khuyến mãi: đợt 1 giảm giá 10% - 20%; đợt 2 (từ ngày 1/2 đến 9/2) mức giảm giá lên đến 20% - 25%.
Tương tự, để kích thích người tiêu dùng mua thịt heo, Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood) cũng giảm giá 10%-30% cho các loại thịt heo, từ ngày 4 đến 22/1.
Cung vượt cầu khiến giá thịt heo liên tiếp đi xuống trong những tháng gần đây. Thời điểm tháng 5/2023, giá thịt heo 61.000 đồng/kg, sau đó giảm xuống bình quân gần 57.000 đồng/kg, vào tháng 10/2023 bình quân gần 57.000 đồng/kg, tương đương giảm gần 7%. Đến giữa tháng 12/2023, giá thịt heo giảm tiếp còn hơn 51.000 đồng/kg.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại bày tỏ lo ngại thịt heo sẽ "dội chợ" trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, ở thời điểm hiện tại, giá heo tại trại giảm 5.000 - 7.000 đồng/kg xuống dưới 50.000 đồng/kg, gà công nghiệp chỉ còn 20.000 đồng/kg nhưng tiêu thụ rất chậm.
Như vậy, nhiều dự báo cho rằng cả trang trại chăn nuôi, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lẫn doanh nghiệp kinh doanh thịt gia súc, gia cầm “khó vui” mùa Tết năm nay.
Đó là trong ngắn hạn, về dài hạn nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng cần một chiến lược dài hơi để ngành chăn nuôi ổn định, phát triển bền vững. Trước hết, phải chặn bằng được nguồn thịt gia súc, gia cầm và các phụ phẩm “tuồn” vào trong nước qua đường nhập lậu. Muốn thế thì phải kiểm soát chặt chẽ các khu vực biên giới; đồng thời cần cân nhắc kỹ lưỡng việc nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm khi mà trong nước đủ khả năng sản xuất, cung ứng. Mặt khác, rất cần tăng cường khâu chế biến, bảo quản để từ đó xuất khẩu.
Những năm qua, nhất là năm 2023, xuất khẩu trái cây của Việt Nam tăng rất mạnh. Vậy thì xuất khẩu sản phẩm thịt gia súc, gia cầm cũng có thể làm được. Nếu nỗ lực, thì không những chúng ta giữ vững “sân nhà” mà còn giành được thị phần bên ngoài. Từ đó, ngành chăn nuôi sẽ phát triển bền vững và người chăn nuôi cũng có được nhiều lợi nhuận, không còn phải lo giá gà và lợn hơi “nằm đáy” mặc dù đã vào mùa cao điểm tiêu thụ như hiện nay.