Thời gian qua, Ủy ban MTTQ TP HCM phối hợp với các tổ chức thành viên đã tích cực triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân, người lao động bằng các hình thức thực hiện đa dạng, sáng tạo…
Đa dạng về hình thức
Ông Lý Ngọc Thạch - Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ TP HCM cho biết, xác định công tác phổ biến giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ và các tổ chức thành viên, do đó các đơn vị triển khai nhiệm vụ đã chú trọng lựa chọn những hình thức phù hợp với từng đối tượng. Nội dung phổ biến về Hiến pháp hiện hành và các văn bản luật được người dân quan tâm như Luật MTTQ Việt Nam, Luật đất đai, Luật tiếp công dân, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật hình sự, Luật hôn nhân và gia đình…
Trong đó, nổi bật như tại Quận 1, MTTQ và Đoàn Thanh niên đã mở chuyên mục “Hỏi - Đáp” về pháp luật trên trang thông tin điện tử, bản tin nội bộ, tổ chức tư vấn pháp luật ở các địa bàn khu dân cư; hình thành các tổ tư vấn pháp luật với hình thức sân khấu hóa, xây dựng và phát các tờ bướm về các quy định của pháp luật… thu hút đông đảo người dân tham gia.
Ở nhiều quận, huyện, xã phường khác trên địa bàn TP HCM lại tuyên truyền bằng hình thức lồng ghép vào “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư” để phổ biến pháp luật. Trong khi đó, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Thành đoàn, Đài Truyền hình thành phố phối hợp thực hiện các chuyên mục tuyên truyền như “Nông dân với pháp luật”, “Phụ nữ với pháp luật”, “Công chức, viên chức, người lao động với pháp luật”…
Thống kê hơn 10 năm qua, công đoàn các cấp trên địa bàn TP HCM đã tổ chức được gần 50 nghìn cuộc tuyên truyền cho gần 2 triệu lượt công nhân lao động; có hơn 30 vạn lượt cán bộ Công đoàn được tận huấn về công tác tuyên truyền pháp luật. Trong đó, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn thành phố và các Tổ tư vấn pháp luật trên địa bàn thành phố đã tư vấn trực tiếp cho khoảng hơn 20 vạn lượt công nhân, viên chức và gần 40 vạn lượt tư vấn gián tiếp qua email, văn bản, điện thoại.
Ở cấp phường, xã, thị trấn, MTTQ và các đoàn thể tổ chức tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên, nhân dân thông qua các buổi sinh hoạt tổ dân phố, tổ nhân dân, với các nội dung như: Quy định về xử phạt hành chính, Luật nhà ở, Luật xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật phòng chống bạo hành gia đình. Nhờ vậy, đã góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật của các tâng lớp nhân dân, giúp họ hiểu rõ được quyền, trách nhiệm của công dân và thực hiện đúng các quy định pháp luật.
Nối lại “tình làng, nghĩa xóm”
Theo ông Lý Ngọc Thạch, để công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật thực sự hướng về cơ sở, đi vào chiều sâu, MTTQ và các cấp hội đã đổi mới phương thức tuyên truyền với nhiều hình thức, nhờ vậy mà thu hút được đông đảo nhân dân tham gia các buổi tuyên truyền.
Điển hình như các chương trình hội thi tìm hiểu pháp luật, sinh hoạt chuyên đề “Chia sẻ kinh nghiệm tư vấn pháp luật về khiếu nại, tố cáo”; tọa đàm chuyên đề “Nâng cao chất lượng hoạt động của hòa giải viên ở cơ sở”; hội thi “Tuyên truyền pháp luật giỏi”, hội thi “Hòa giải viên giỏi”; “Phiên tòa giả định lưu động”, mô hình “Cafe pháp luật”; sân khấu hóa, diễn tiểu phẩm, đố vui pháp luật,… với những hình thức tuyên truyền dễ hiểu, dễ nhớ nêu trên đã phát huy được hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến các tầng lớp, cán bộ nhân dân.
Ông Huỳnh Văn Hiếu - cán bộ hưu trí ở khu phố 5, phường 22, quận Bình Thạnh cho rằng, những hình thức tuyên truyền pháp luật của MTTQ và các tổ chức thành viên là rất cần thiết. Theo ông Hiếu, đa phần người dân không có điều kiện để dự học lớp pháp luật chính khóa ở các trường luật; Cách làm này này cũng phù hợp với thời gian rảnh của người lao động.
Còn bà Nguyễn Thị Hà - người dân trú phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức cho biết, nhờ được tư vấn pháp luật mà gia đình bà và người hàng xóm không còn căng thẳng. Bà Hà cho biết, trước đó nhiều năm, gia đình bà và hàng xóm thường xuyên tranh cãi về ranh giới đất đai, trong đó có vài lần hai bên đã xảy ra xô xát, nhưng được mọi người can ngăn.
Năm 2018, các tuyên truyền viên về phường mở hội nghị phổ biến pháp luật, tại đây bà Hà đã đưa ra tình huống vụ việc của gia đình nhờ tuyên truyền viên giải đáp. Được tuyên truyền viên giải thích, cả hai gia đình đều hiểu được đúng sai. Cuối buổi tuyên truyền, hai gia đình cùng thống nhất hẹn gặp tuyên truyền viên một buổi tư vấn riêng.
“Nhờ được hỗ trợ giải thích cụ thể hơn, gia đình hàng xóm đã chịu trả lại phần xây mà họ lấn chiếm cho gia đình tôi. Từ đó đến nay, hai bên gia đình có mối giao hòa như thuở ban đầu, hỗ trợ qua lại với nhau trong cuộc sống” - bà Hà phấn khởi nói.