Thời gian qua, Hội Người mù thành phố Đà Nẵng và các cấp chính quyền, đoàn thể trên địa bàn thành phố có nhiều hoạt động chăm lo đời sống người mù, góp phần giúp cho cuộc sống những người khiếm thị từng bước được cải thiện.
Anh Phùng Văn Tuấn - hội viên người mù phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) là người giỏi đánh đàn nhưng không có tiền mua nhạc cụ, anh đã được Hội Người mù thành phố phối hợp chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí mua đàn ghi ta điện theo nguyện vọng. Từ đó, anh Tuấn thường xuyên đánh đàn phục vụ tại các nhà hàng, tiệc cưới, chăm chỉ hoạt động trong nhóm nhạc tư nhân, không chỉ thoát nghèo mà tạo được cuộc sống ổn định với thu nhập khá.
Chị Đinh Thị Ni Na - người mù ở phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), được Hội Người mù các cấp phối hợp chính quyền địa phương vận động hỗ trợ kinh phí mở cơ sở mua bán chổi đốt năm 2019. Nhờ khéo léo, khách hàng đến với chị Na ngày càng nhiều. Năm 2020, hộ chị Na đã thoát nghèo và cuộc sống ngày càng khá hơn.
Không chỉ riêng anh Tuấn, chị Na, hàng trăm người mù đã được các cấp hội người mù phối hợp chính quyền, đoàn thể địa phương hỗ trợ phương tiện sinh kế theo nguyện vọng, qua đó, nhiều người đã vượt khó thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Thời gian qua, Hội Người mù thành phố Đà Nẵng nỗ lực vận động các nguồn tài trợ, tổ chức dạy chữ Braille, tác nghiệp vi tính, làm các nghề thủ công, hỗ trợ hội viên xây dựng, sửa chữa nhà, đồng thời tạo điều kiện cho hội viên tham gia các lớp đào tạo nghề massage do Trung ương Hội Người mù Việt Nam tổ chức. Đến nay, toàn Hội có 7 cơ sở massage với 100% nhân viên thành thạo chuyên môn và có chứng chỉ hành nghề.
Từ các cơ sở của hội, có 13 hội viên thành lập cơ sở riêng, giúp hơn 60 người đồng cảnh ngộ có việc làm và thu nhập ổn định. Riêng Trung tâm Hướng nghiệp sản xuất, kinh doanh mây tre, văn phòng phẩm tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động khiếm thị. Chủ tịch Hội Người mù thành phố Đà Nẵng Võ Văn Ngọ cho biết: “Các cơ sở sản xuất, dịch vụ của hội giải quyết việc làm cho 111 lao động, trong đó có 86 người mù và các dạng khuyết tật khác với mức lương từ 1,6 - 3,4 triệu đồng/người/tháng”.
Đặc biệt, năm 2020, Hội Người mù thành phố tổ chức 5 lớp hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh với gần 100 hội viên tham gia. Tại các lớp học này, người mù được hướng dẫn đọc màn hình TalkBack, nghe, gọi, nhắn tin, sử dụng Google để truy cập thông tin, cài đặt và gỡ ứng dụng... Sau khi học, mỗi học viên được tặng một điện thoại di động do Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển công nghệ cho người mù (Thành phố Hồ Chí Minh) tài trợ.
Chị Nguyễn Thị Hằng, giáo viên Trung tâm Hỗ trợ Phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng cho biết: “Từ khi được hỗ trợ điện thoại thông minh, tôi có nhiều thuận lợi trong công tác và sinh hoạt. Qua khai thác các chức năng dành cho người mù trong điện thoại thông minh, tôi tích cực vận dụng kiến thức trên internet vào công tác giảng dạy”.
Vào những thời điểm Covid-19 gây nhiều khó khăn, toàn hội tăng cường các hoạt động chăm lo đời sống hội viên nhằm giúp đội ngũ người khiếm thị vững tâm vượt qua đại dịch. Trong dịp đón Tết hàng năm, các cấp hội vận động tặng quà cho 100% hội viên. Gần đây nhất, Hội Người mù thành phố Đà Nẵng vận động Ngân hàng TMCP Quân đội và Quan Âm Tu viện Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) hỗ trợ các hội viên khó khăn 400 triệu đồng.
“Trong thời điểm Covid-19 bùng phát năm 2021, các cấp hội đã vận động 1.332 suất quà hỗ trợ tất cả hội viên trên địa bàn thành phố. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục chương trình vận động hỗ trợ điện thoại thông minh cho người mù có hoàn cảnh khó khăn”- ông Võ Văn Ngọ nói.