Theo đánh giá của giới chuyên gia, sự phát triển của các nền tảng kỹ thuật số không chỉ tạo cơ hội mà còn là hướng đi hiệu quả để gia tăng giá trị sản xuất cho nông sản Việt.
Sản phẩm tốt để lên sàn thương mại điện tử
Theo số liệu được công bố trên Cổng thông tin điện tử 1034 của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến cuối tháng 2/2022, đã có hơn 5,25 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được tạo tài khoản trên Postmart.vn và Voso.vn; hơn 70,7 nghìn sản phẩm được đưa lên hai sàn này, với tổng số hơn 83,3 nghìn giao dịch. Tuy nhiên, trong số đó, nhiều tài khoản của hộ sản xuất nông nghiệp sau khi thiết lập vẫn chưa thực sự hoạt động như kỳ vọng. Xuất phát từ thực tế này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 350 phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT).
Mục tiêu đặt ra 100% sản phẩm OCOP đáp ứng tiêu chí 3 sao của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được đưa lên sàn Postmart.vn và Voso.vn; 100% hộ sản xuất lên sàn TMĐT được đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên các sàn TMĐT; Tối thiểu 50% số hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn TMĐT được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng kinh doanh trên nền tảng sàn TMĐT…Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp như: Số hóa 100% dữ liệu thông tin hộ sản xuất nông nghiệp phục vụ giao dịch, kinh doanh trên sàn TMĐT; Tổ chức giao dịch trên sàn TMĐT, kích hoạt tài khoản trên sàn TMĐT và tài khoản thanh toán trực tuyến cho hộ sản xuất nông nghiệp…
Theo kế hoạch dự kiến đến ngày 30/9/2022, 100% tỉnh/thành phố đều có các sản phẩm tiêu biểu, đầy đủ điều kiện chuẩn hóa dữ liệu sản phẩm, có các câu chuyện xoay quanh sản phẩm (liên quan đến văn hóa, lịch sử, tính năng sản phẩm…) để đưa lên sàn TMĐT; 100% sản phẩm nông nghiệp trên sàn có đủ thông tin nguồn gốc sản phẩm.
Trước đó, nhằm đẩy nhanh quá trình hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai thỏa thuận hợp tác và kế hoạch phối hợp năm 2022 giữa hai đơn vị.
Năm 2022, Hội Nông dân Việt Nam và Vietnam Post đặt mục tiêu rà soát, hỗ trợ 7,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp cập nhật thông tin lên sàn TMĐT Postmart.vn. Các hộ này sẽ được miễn toàn bộ các loại chi phí lên sàn, đồng thời được hỗ trợ đăng ký các công cụ thanh toán điện tử kèm theo các chính sách đào tạo, tập huấn, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Lối mở cho hộ sản xuất nông nghiệp
Vải thiều Bắc Giang là điển hình của câu chuyện thành công khi đưa hàng nông sản lên sàn. Việc vải thiều lên sàn đã mở ra hướng đi mới trong việc tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân, đồng thời cũng thay đổi thói quen tiêu thụ vải của bà con nông dân và thương lái.
Nếu như mọi năm, việc quản lý của các nhà vườn chủ yếu ghi chép và dựa trên sổ sách, thì năm nay, vải được quản lý bằng bằng mã vạch và tem truy xuất nguồn gốc vì được bán trên các sàn TMĐT.
Cũng nhờ đa dạng các kênh bán hàng, trong đó có kênh online, tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ hết 215.000 tấn vải thiều (tăng 50.000 tấn so với kế hoạch, trong đó xuất khẩu 89.300 tấn, còn lại tiêu thụ nội địa) và thu về 6.821 tỉ đồng.
Cùng với vải thiều Bắc Giang, hàng nghìn tấn nông sản, đặc sản trái cây được tổ chức tiêu thụ trên sàn TMĐT như: xoài, mận Sơn La; lê thơm Tai Nung - Lào Cai; vải thiều Hải Dương, Bắc Giang; nhãn lồng Hưng Yên; na Chi Lăng - Lạng Sơn; bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh)... góp phần làm vơi bớt khó khăn của người nông dân các địa phương trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Đánh giá về những ưu thế để đưa hàng nông sản lên sàn TMĐT tại hội thảo “TMĐT mở đường cho doanh nghiệp trong bình thường mới” ông Trịnh Khắc Toàn - Giám đốc Khu vực phía Bắc, Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, quan trọng nhất là chúng ta cần nhân sự chuyên trách, thứ hai là mặt hàng nông sản nếu muốn hướng tới người tiêu dùng nước ngoài thì cần phải xây dựng thương hiệu mới, bằng ngôn ngữ tiếng Anh chẳng hạn. Thứ ba là quy định của thị trường nếu muốn bán ở Mỹ thì phải có những quy định liên quan FDA...
Cũng theo ông Toàn, nếu xuất khẩu truyền thống sẽ đi từ nhà sản xuất đến nhà xuất khẩu, rồi đến nhà nhập khẩu, tiếp theo sẽ là nhà phân phối, sau đó mới đến nhà bán lẻ trước khi đến tay người tiêu dùng thì TMĐT xuyên biên giới rút ngắn quãng đường, đi từ chủ thương hiệu hay nhà sản xuất qua nền tảng thương mại điện tử như Amazon và tới người tiêu dùng.
“Nhiều khi rào cản lớn nhất nằm ở trong đầu chúng ta, nếu không bắt tay vào làm thì sẽ rất khó. Theo tôi nên bắt tay vào luôn, mỗi khó khăn sẽ là cách xây dựng năng lực cạnh tranh”- ông Toàn nhấn mạnh.
Đánh giá về ưu thế sàn TMĐT đem lại, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định, qua sàn TMĐT, hộ sản xuất nông nghiệp có cơ hội tiếp cận với người tiêu dùng cả trong và ngoài nước, mở rộng kênh tiêu thụ, phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài. Do đó, thời gian tới, Sở Công thương Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Ngoại vụ, Sở NN&PTNT, các địa phương của thành phố để thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 294/KH-UBND, qua đó tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản Thủ đô.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, quy mô thương mại điện tử hiện đạt giá trị 21 tỷ USD và dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng lên 57 tỷ USD. Báo cáo cũng ghi nhận có đến 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới kể từ khi đại dịch bùng phát. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy người dân đã dần quen với các hoạt động mua sắm trên internet.