Sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, các em nhỏ thường nhận được những số tiền lì xì khá lớn. Việc quản lý, sử dụng số tiền này sao cho hợp lý, hiệu quả và tạo nên những giá trị lớn hơn cho tâm hồn, nhân cách của các bạn nhỏ cũng là vấn đề được các bậc phụ huynh quan tâm.
Nhiều cha mẹ đã chủ động đồng hành cùng con đầy tâm huyết với một lộ trình mưa dầm thấm lâu từ trước trong và sau Tết. Em Nguyễn Ngọc Hà Chi (15 tuổi, trú tại Hà Nội) cho biết: Tết năm trước em nhận được 4,5 triệu đồng tiền lì xì. Em đã sử dụng để mua đồ dùng học tập, nộp tiền học phí, mua quần áo và đến các bệnh viện để làm từ thiện. Tết năm nay Hà Chi vẫn sẽ sử dụng tiền lì xì như năm ngoái, và sẽ đóng góp thêm một phần nhỏ vào dự án Văn hóa đọc của Trí tuệ Việt Nam. “Theo con thì sự chia sẻ của con sẽ góp phần lan tỏa văn hóa đọc và chia sẻ được may mắn của mình tới những người có hoàn cảnh kém may mắn hơn con”, Hà Chi chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Toan (giáo viên ở Hải Dương) tâm sự: “Với tiền lì xì của con, tôi cũng định hướng cho con chi tiêu thật hữu ích. Tôi thấy việc con biết sử dụng tiền lì xì hợp lý và tích cực, học được cách chi tiêu cho con sau này trong tương lai". Còn theo chị Bùi Thị Thu Hà (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), trên tất cả khi mỗi dịp Tết đến Xuân về, món quà lớn nhất, giá trị nhất để lì xì, trao gửi tới bạn bè, người thân đó chính là lì xì yêu thương, là tấm lòng sẻ chia, góp phần bồi đắp nhân cách cho con trẻ. “Với yêu thương, chúng ta có thể lì xì 365 ngày trong năm, và lì xì cho bất kỳ ai ở xung quanh mình, dù là người quen hay người lạ. Và như vậy ngày nào cũng là ngày Tết - Tết ở trong tâm hồn mình, và nhịp sống của mình”, chị Hà nói.