Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Gỡ “điểm nghẽn” giao thông

Lê Anh Đức 17/04/2025 06:10

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý dứt điểm các tồn tại, bất cập của hệ thống đèn tín hiệu, biển báo giao thông để bảo đảm thuận tiện cho người và phương tiện tham gia giao thông theo đúng quy định của pháp luật, hoàn thành trong tháng 4/2025. Theo thống kê, trên toàn quốc hiện vẫn còn hàng nghìn biển báo bất hợp lý gây bức xúc cho người tham gia giao thông, cản trở việc phát triển kinh tế - xã hội.

Theo báo cáo của Cục Đường bộ Việt Nam, kết quả rà soát từ các địa phương cho thấy, toàn mạng lưới đường bộ có hơn 5.200 cụm nút đèn tín hiệu giao thông, trong đó có 586 cụm đèn bất cập, đã xử lý xong gần 140 cụm, còn 447 cụm đang tiếp tục khắc phục. Về hệ thống biển báo hiệu đường bộ, cả nước có gần 7.000 biển báo bất cập trên toàn bộ mạng lưới, đã xử lý xong hơn 4.386 biển, còn gần 2.600 biển báo chưa được xử lý.

Liên quan đến vấn đề bất cập của các cụm đèn tín hiệu và biển báo giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam giải thích: Do chịu tác động của các yếu tố thời tiết, hệ thống cấp điện bị hư hỏng... dẫn đến tín hiệu xanh, đỏ hoạt động chập chờn, không ổn định hoặc không hoạt động. Cùng với đó là việc các đơn vị thi công đã lắp đặt cột đèn tín hiệu tại vị trí không hợp lý, bị che khuất khiến người tham gia giao thông khó quan sát tín hiệu đèn. Liên quan đến sự bất cập của các biển báo giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam lý giải là do có sự thay đổi quy chuẩn Việt Nam về báo hiệu giao thông đường bộ (Quy chuẩn QCVN41:2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025), do đó các biển báo lắp theo quy chuẩn cũ bị “lỗi thời”. Bên cạnh đó, một số biển báo lắp đặt tại các vị trí không hợp lý, thấp quá trong khi lưu lượng phương tiện đông khiến các tài xế khó quan sát khi lưu thông.

Dĩ nhiên, cách biện giải về sự bất hợp lý của hàng nghìn cụm đèn tín hiệu cũng như biển báo giao thông mà Cục Đường bộ Việt Nam đưa ra là hoàn toàn đúng, cả về khách quan lẫn chủ quan. Song, dư luận xã hội vẫn đặt ra một câu hỏi lớn: Nguyên nhân khách quan do thời tiết, thay đổi quy chuẩn Việt Nam về báo hiệu giao thông đường bộ có thể không lường trước được dẫn tới hư hỏng, lỗi thời... Song, việc đặt cột đèn tín hiệu, lắp biển báo giao thông sai vị trí gây lãng phí lớn thì ai, cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm?

Theo lẽ thường, trước khi quyết định lắp đặt cột đèn tín hiệu, biển báo giao thông, các cơ quan quản lý nhà nước phải có bước khảo sát, tính toán kỹ lưỡng để bố trí một cách hợp lý, đảm bảo thông suốt giao thông, tránh gây ùn tắc, thậm chí xảy ra tai nạn giao thông. Vậy thì cớ gì mà có tới hàng trăm cụm đèn tín hiệu, hàng nghìn biển báo giao thông lại được lắp đặt ở sai vị trí, không phù hợp, để rồi phải bỏ công rà soát, sửa chữa, thay thế?

Cũng khó trách vì sao không ít tài xế tỏ ra bức xúc với các cụm đèn tín hiệu, biển báo giao thông bất hợp lý. Nhiều người có ý nghĩ cực đoan còn cho rằng, cơ quan chức năng cố tình lắp đặt cụm đèn tín hiệu, biển báo giao thông sai là để “lừa” người và phương tiện tham gia giao thông. Số người này cho rằng, chính những cụm đèn tín hiệu, biển báo giao thông bất hợp lý này khiến họ đôi khi bị phạt “oan” vì không thể tránh được lỗi vi phạm.

Đơn cử, theo quy định thì đèn tín hiệu giao thông vàng báo hiệu chuẩn bị đèn đỏ nên tất cả các phương tiện cần có sự chủ động để dừng lại. Khổ nỗi ở nhiều nút giao thông đèn tín hiệu không có màu vàng mà bất ngờ chuyển từ xanh sang đỏ khiến không ít tài xế phạm lỗi vượt đèn đỏ. Trong trường hợp không có tín hiệu đèn vàng thì cần có đồng hồ đếm ngược để người tham gia giao thông có thể chủ động thời gian khi lưu thông qua các nút giao, tránh xung đột giao thông dẫn tới ùn tắc, thậm chí gây tai nạn giao thông...

Ai cũng biết mục đích của các cụm đèn tín hiệu và biển báo giao thông là để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tránh gây ùn tắc và tai nạn giao thông. Nếu như các cụm đèn tín hiệu, biển báo giao thông lắp đặt bất hợp lý, không chỉ gây bức xúc cho người tham gia giao thông, mà còn dẫn tới những hậu quả không thể lường trước được như: Xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng gây thiêt hại về người và tài sản, ùn tắc ảnh hưởng việc lưu thông hàng hóa, cấp cứu bệnh nhân, xấu mỹ quan đường phố, tiêu tốn xăng dầu, ô nhiễm không khí...

Đáng tiếc, thực tế hiện nay trên toàn quốc vẫn còn tới hàng nghìn đèn tín hiệu, biển báo giao thông bất cập chưa được xử lý. Đây chính là những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ của ngành giao thông. Vì thế, việc các cơ quan chức năng cần vào cuộc, giải quyết gọn trong tháng 4 là hết sức cần thiết. Chỉ khi lắp đặt đèn tín hiệu và biển báo giao thông hợp lý mới có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Vậy nên “chỉ đường” cần phải đúng!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ “điểm nghẽn” giao thông