Với quy mô khoảng 40 triệu lượt hành khách/năm, thế nhưng sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình, TP HCM) hiện chỉ có 1 cổng ra/vào duy nhất. Vì vậy, tình trạng ùn tắc quanh sân bay ngày càng phức tạp. Điều đáng nói là mặc dù có khoảng 10 dự án hạ tầng để giải quyết tình trạng trên nhưng nhiều năm qua, chưa dự án nào được khởi công.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vấn đề khó khăn nhất trong nhóm các dự án giải cứu khu vực sân bay là mặt bằng thi công. Hiện nay, đây là khu vực dân cư đông đúc và đất do Bộ Quốc phòng quản lý. Tuy nhiên, được sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Quốc phòng đang khẩn trương phối hợp cùng chính quyền TP HCM để bàn giao mặt bằng cũng như hoàn tất thủ tục để khởi công dự án.
Trong số gần 10 dự án thì hiện có 3 dự án đã cơ bản hoàn thành khâu thủ tục, chuẩn bị khởi công. Đầu tiên, và cũng là dự án quan trọng nhất của khu vực này là dự án đường Trần Quốc Hoàn nối đường Cộng Hòa dài hơn 4km với số vốn gần 5.000 tỷ đồng. Theo Sở Giao thông vận tải TP HCM, quy mô dự án này rộng từ 25 tới 48 m, có 6 làn xe.
Khác với một số dự án mở rộng, sửa chữa thì tuyến đường nối này hoàn toàn mới, gần như song song với đường Cộng Hòa nên sẽ giải quyết rất nhiều tình trạng ùn tắc hàng chục năm qua.
Cũng theo Sở Giao thông vận tải TP HCM, dự án này có 2 hầm chui nằm lần lượt ở điểm đầu và cuối tuyến đường và 1 cầu vượt ở khu vực giao cắt với nhà ga T3. Hiện dự án còn vướng 15,5 ha đất quốc phòng và dự kiến sẽ được bàn giao trước 11,89 ha để thi công.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, TP HCM sẽ cho khởi công, thi công nhiều hạng mục trước song song với quá trình bàn giao đất từ Bộ Quốc phòng bắt đầu từ tháng 11/2022. Những hạng mục sẽ được thi công trước là hầm chui ở giao lộ Phan Thúc Duyện và Trần Quốc Hoàn, cầu vượt nhà ga T3…
Song song với dự án trên, TP HCM cũng đẩy nhanh tiến độ của dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám. Đây là dự án đã được phê duyệt từ 7 năm trước với số vốn ban đầu là 255 tỉ đồng. Dự án có vai trò quan trọng là “cửa ngõ” của nhà ga T3, với quy mô rộng 22 m và dài gần 800 m. Tuy nhiên, hiện nay dự án đã bị đội vốn lên gần 40 tỷ đồng so với ban đầu vì nhiều lý do và đang gặp vướng mắc vì khoảng 30 hộ dân chịu ảnh hưởng của dự án chưa đồng ý bàn giao mặt bằng.
Thành phố dự kiến sẽ khởi công, bắt đầu thi công những khu vực có mặt bằng từ tháng 10/2022, đồng thời vận động những hộ dân bị ảnh hưởng chấp nhận đền bù, giải tỏa. Dự kiến, dự án này chỉ mất khoảng 6 tháng thi công là hoàn thành.
Cũng được quy hoạch nhưng chưa thể khởi công là dự án xây dựng nhà ga T3 với quy mô nguồn vốn lên tới 11.000 tỷ đồng. Đây là dự án quan trọng nhất trong nhóm dự án giảm áp lực cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Nhà ga này, khi hoàn thành có quy mô đáp ứng 20 triệu lượt hành khách/năm và kết nối trực tiếp với 2 dự án nêu trên (đường nối Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện và mở rộng Hoàng Hoa Thám).
Ngoài ra nhà ga T3 cũng gián tiếp kết nối với hàng loạt dự án khác đã được phê duyệt nhưng đang chờ thi công. Đó là các dự án mở rộng đường Thân Nhân Trung dài 720m, rộng 20m (4 làn xe) với tổng vốn gần 470 tỷ đồng.
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý, đoạn từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Cộng Hòa (quận Tân Bình và Tân Phú) dài 636m, rộng 30m, 6 làn xe. Tổng mức đầu tư 670 tỷ đồng gồm 109 tỷ đồng xây lắp, còn lại là đền bù giải tỏa. Ngoài ra là dự án nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Âu Cơ (quận Tân Bình và Tân Phú) dài 970m, rộng 60m. Cũng liên quan đến cụm dự án quanh sân bay còn có dự án mở rộng đường Tân Sơn đang chờ phê duyệt chủ trương đầu tư.
Có thể nói, giải quyết ùn tắc kẹt xe nói chung ở TP HCM và khu vực sân bay Tân Sơn Nhất nói riêng là việc làm cần thiết, cấp bách. Người dân kỳ vọng các dự án này sẽ sớm gỡ được các “rào cản” để về đích nhanh nhất trong thời gian tới.