Gỡ khó cho doanh nghiệp

Bảo Thư 08/07/2023 07:25

Sau một thời gian tạm lắng, tới nay nhiều doanh nghiệp lại tiếp tục phản ánh gặp khó khăn từ những quy chuẩn mới về phòng cháy, chữa cháy khiến nhiều công trình, dự án bị ngưng trệ. Về việc này, ngày 5/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 220 nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác này.

Vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) được doanh nghiệp (DN) nêu lên rất nhiều, tập trung vào một số vấn đề liên quan tới lĩnh vực sản xuất công nghiệp, các nhà cao tầng, nhà đa năng, khu chung cư, công ty xăng dầu, các cơ sở kinh doanh karaoke... Với việc thẩm duyệt, nghiệm thu đối với các dự án thay đổi quy mô xây dựng so với hồ sơ ban đầu; công tác thẩm duyệt cải tạo lại thiết kế đối với các công trình đã được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC; phân hạng, phân cấp DN theo ngành nghề và đặc thù sản xuất, kinh doanh để áp dụng Luật PCCC cho phù hợp; việc thẩm duyệt về PCCC đối với các cơ sở không có giấy chứng nhận đầu tư và việc áp dụng quy định về PCCC đối với các cơ sở kinh doanh karaoke đã được cấp phép hoạt động trước đây.

Một số địa phương cũng đã tổ chức thảo luận về vấn đề này. Ghi nhận phản ánh của DN, tuy nhiên Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ công an các tỉnh đều đề nghị chủ đầu tư cung cấp chi tiết hồ sơ thiết kế về PCCC của công trình; các cơ sở kinh doanh phải có ý thức và tuân thủ các quy định PCCC.

Còn nhớ tại phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, ngày 1/6, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị cần khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc về PCCC để DN và người dân ổn định sản xuất, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Như Ý (đoàn Đồng Nai) cho biết, các DN phản ánh nhiều quy định mới trong PCCC của Việt Nam còn vượt cả nước phát triển. Nhiều quy chuẩn, quy định mới ban hành không phân được quy mô dự án, tính chất công trình, quy định yêu cầu sử dụng, vật liệu chống cháy như sơn, vữa chống cháy chưa được cấp phép trên thị trường Việt Nam. Chính vì không nghiệm thu được công trình mới nên sẽ có hàng nghìn DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải đóng cửa. Bà Ý dẫn số liệu của Vụ Khoa học công nghệ môi trường (Bộ Xây dựng) cho thấy, quy chuẩn 06 có hiệu lực từ 16/1/2023, tính đến tháng 4/2023 thì chưa có công trình nào đưa vào hoạt động kể từ khi quy chuẩn đó có hiệu lực.

Trước đó, ngày 21/4, Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) tổ chức hội nghị phổ biến Công văn số 1678 ban hành ngày 11/4/2023 của Công an TPHCM về việc triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực PCCC.

Ông Huỳnh Ngọc Quan - Phó trưởng phòng PCCC và Cứu nạn cứu hộ Công an TPHCM (PC07) cũng thừa nhận, hiện nay do có quá nhiều các văn bản về PCCC dẫn đến tình trạng các công ty tư vấn thiết kế khó cập nhật được chính xác. Ngay bản thân những người làm công tác PCCC cũng cảm thấy khó khăn vì sự thay đổi liên tục trong các quy định này. Tại TPHCM có 117.000 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC. Trong đó các cơ sở được phân cấp theo quy mô để tiện cho việc quản lý. “Cơ sở hoạt động tại thời điểm nào thì áp dụng văn bản quy chuẩn tại thời điểm đó, áp dụng quy chuẩn mới thì DN không thể đáp ứng được. Tuy nhiên, nếu quy chuẩn mới có điều gì hơp lý hơn thì có thể áp dụng” - ông Quan nói và cho biết thêm, tại TPHCM, các cơ sở bị đình chỉ hoạt động chủ yếu là các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực karaoke, vũ trường, quán bar... nơi đông dân cư. Còn với những cơ sở sản xuất, khu công nghiệp thì không áp dụng việc đình chỉ hoạt động vì sẽ gây ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất, làm đình trệ hoạt động của DN.

Như vậy có thể thấy, các quy định mới về PCCC bộc lộ nhiều bất cập khiến DN và ngay chính lực lượng PCCC cũng khó áp dụng. Trong thực tế cơ quan chức năng “linh động” là chính. Điều đó cho thấy quy định về PCCC làm khó DN cần sớm được sửa đổi, cần có thông tư hướng dẫn thống nhất để tránh việc tùy tiện xảy ra. Loại bỏ “cơ chế xin - cho”.

Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, có 113.600 DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 2,9%. Tuy nhiên, đáng chú ý có đến 100.000 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 19,7%. Như vậy có thể thấy tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư gặp nhiều khó khăn, các DN rất cần được tiếp sức, tạo điều kiện để hồi phục, phát triển sản xuất. Trong sự tiếp sức đó, có việc cần nhanh chóng tháo gỡ những quy định về PCCC khiến nhiều công trình, dự án bị ngưng trệ. Đó cũng chính là việc thực hiện chủ trương của Chính phủ là đồng hành cùng DN để vượt qua khó khăn, xây dựng nền kinh tế tự chủ, tự cường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ khó cho doanh nghiệp