Gỡ khó cho doanh nghiệp

Ngọc Quang 29/07/2023 07:00

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng rà soát điều kiện kinh doanh nhằm gỡ bỏ những quy định chồng chéo, mâu thuẫn thuộc 15 lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, ngành khiến doanh nghiệp lúng túng và phát sinh chi phí. Đây là việc cần thiết giúp doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn không chỉ trước mắt, mà còn lâu dài.

Theo ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dù đã đạt được một số kết quả nhưng mức độ rà soát và các phương án sửa đổi điều kiện kinh doanh về cơ bản còn rất ít hoặc mang tính hình thức, chưa thật sự có ý nghĩa và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN). Mặt khác, việc sửa đổi các văn bản pháp lý để hiện thực hóa phương án còn rất chậm. Đáng chú ý, thời gian gần đây, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh nói chung và cải cách điều kiện kinh doanh nói riêng có dấu hiệu chững lại, nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa đáp ứng yêu cầu như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng DN kỳ vọng.

“Tình trạng này nếu không sớm được khắc phục có thể làm xói mòn các kết quả cải cách và làm suy giảm niềm tin của DN” - ông Đông nói.

Nhận xét của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư được cộng đồng DN cho là thẳng thắn, từ đó hy vọng việc cải cách thủ tục hành chính sớm được thúc đẩy.

TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM) cho rằng, trong quá trình đăng ký kinh doanh, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục điều chỉnh các loại giấy phép con nhiều lần ngay cả khi không có thay đổi về nội dung ảnh hưởng đến phạm vi hoạt động đã được cấp phép. Kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu, những khó khăn bất cập từ quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy, kinh doanh xăng dầu, giấy phép môi trường, kinh doanh vận tải, an ninh trật tự... tiếp tục là rào cản đối với DN.

“Thực tế cho thấy, những rào cản trong môi trường kinh doanh không chỉ gây khó cho DN mà đang gây khó cho cả cơ quan quản lý, các cấp thực thi ở địa phương” - bà Thảo nhận định.

Tại Hội thảo với chủ đề “Tháo bỏ rào cản điều kiện kinh doanh: Lựa chọn cải cách cho phát triển DN” do CIEM tổ chức mới đây, bà Lý Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM cũng cho biết những bất cập trong thủ tục hành chính kéo dài khiến DN đang từng ngày phải chịu đựng nhiều khó khăn, tổn thất.

Ở góc nhìn khác, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng - Trưởng phòng Xây dựng pháp luật (Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) lưu ý cần thống nhất trong cách hiểu về điều kiện kinh doanh. Vì trong thực tiễn xây dựng chính sách pháp luật, cách hiểu về điều kiện kinh doanh của một số bộ soạn thảo chính sách còn khác nhau khiến cho việc xác định một điều kiện kinh doanh và cơ chế quản lý đôi khi chưa chính xác. Theo bà Hồng chất lượng cải cách môi trường kinh doanh sẽ được nâng cao nếu các bộ, ngành kiểm soát tốt việc ban hành điều kiện kinh doanh, ngành nghề kinh doanh và tăng cường tham vấn DN, minh bạch hơn trong hoạt động giải trình.

Từ cuối năm 2022 tới nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng rõ rệt. Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm dừng lại ở con số 3,72%, mức thấp nhất trong 10 năm qua; trong khi mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm 2023 từ 6-6,5%. Điều đó đặt ra nhiều thách thức.

Vì vậy, việc thúc đẩy tăng trưởng được đặt ra cáp bách. Cùng với việc rà soát, kiểm tra điều kiện kinh doanh nhằm gỡ bỏ những quy định chồng chéo, mâu thuẫn thì việc thúc đẩy tiến độ đầu tư giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh xuất khẩu và hỗ trợ vốn cho DN cũng là yêu cầu rất thực tế. Cả giới chuyên gia lẫn nhà quản lý đều thống nhất nhận định khó khăn của DN là có thật, rất cần những giải pháp đồng bộ, từ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục; hỗ trợ về vốn, lãi suất, bên cạnh các giải pháp thuế, phí…

Trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận khoảng 100 nghìn DN rút khỏi thị trường càng cho thấy cần sớm có giải pháp hỗ trợ. Tháo gỡ rào cản giúp DN phát triển, ổn định đời sống người dân. Nói như Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thì Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp chính sách tài khóa, kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ khó cho doanh nghiệp