Gỡ khó cho nông sản

Quốc Định 25/09/2015 08:30

Cùng một sản phẩm nhưng hàng nông sản của Việt Nam luôn bị đối tác trả giá thấp đã trở thành câu chuyện quá quen với nhà sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu. Thực tế này phần nào được gỡ khó tại Hội thảo “Phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Việt Nam” do Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP HCM) tổ chức ngày 24/9 tại TP HCM 

Gỡ khó cho nông sản

Phát triển các sản phẩm sạch nâng cao uy tín cho nông nghiệp Việt.

Bà Vũ Kim Hạnh – Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao mở đầu bài phát biểu của mình bằng những thông tin thực tế: Hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu luôn bị trả giá thấp hơn các nước. Xuất khẩu tiểu ngạch thì bấp bênh. Nạn thừa ứ dưa, chuối, hành tím, thanh long… từng diễn ra. Trong khi trên thị trường nội địa, tràn lan nông sản, trái cây Trung Quốc.

Ngay tại Đà Lạt và thủ phủ trái cây ĐBSCL, nông sản nội cũng bị lẫn lướt bởi hàng ngoại. Thực tế là gạo, cá tra không tiêu thụ được nhiều trên thị trường nội địa.

PGS.TS Hồ Thanh Phong – Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó chúng ta thiếu công nghệ cao trong sản xuất và sau thu hoạch. Việt Nam cũng không có chuỗi cung ứng nông sản chuyên nghiệp cũng như những công ty lớn chuyên về phân phối nông sản.

Trong khi phần lớn lượng nông sản được người nông dân thu hoạch và bán trực tiếp cho thương lái, nông sản được đóng gói sơ sài và được vận chuyển và vận chuyển đến nơi bày bán nên sản phẩm nhanh chóng bị giảm chất lượng, bị hao hụt lớn, giá trị còn lại thấp.

Qua góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Hiểu – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai góp ý, để nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như hiệu quả trong nông nghiệp của Việt Nam cần phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu nhằm tạo ra những giống chất lượng, đồng thời xây xựng các sản phẩm này thành những sản phẩm khác biệt, mang thương hiệu riêng của Việt Nam, lúc đó chúng ta mới hy vọng có được giá trị gia tăng tốt.

Một vấn đề nữa được ông Hiểu hết sức lo lắng là nạn sử dụng thuốc bảo vệ tràn lan, hoặc sử dụng không đúng chỉ dẫn của người dân và các nhà sản xuất cũng đang ảnh hưởng lớn đến uy tín, giá trị sản phẩm của chúng ta. Do vậy ngoài việc tuyên truyền để nâng cao ý thức, đạo đức của nhà sản xuất, cần phải có những chế tài đủ mạnh để điều chỉnh tình trạng này.

Theo Phó Giáo sư Võ Thị Thanh Lộc, vấn nạn được mùa mất giá còn do một nguyên nhân là công tác dự báo cung cầu thị trường chưa tốt. Do vậy cần thực hiện tốt công tác dự báo vĩ mô, sau đó mới tiến hành quy hoạch sản xuất thì mới hiệu quả. Ngoài ra, cần tránh sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc bằng cách tiến hành mở rộng thị trường theo hướng đa phương để chủ động theo hướng bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ khó cho nông sản