Dù đã tồn tại trong suốt 1 năm qua, song tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế tại các bệnh viện vẫn chưa được giải quyết triệt để. Thậm chí, thời điểm này nhiều bệnh viện lớn cho biết, vật tư y tế tại bệnh viện gần như đã hết.
Nhiều cơ sở y tế cạn kiệt vật tư
Sáng 24/2, thông tin từ Bệnh viện Việt Đức cho biết, để đảm bảo hoạt động của bệnh viện, đặc biệt duy trì công tác khám, chữa bệnh cấp cứu, Ban lãnh đạo bệnh viện đề nghị các khoa lâm sàng hạn chế tối đa chỉ định cận lâm sàng không cấp cứu, hạn chế tối đa các ca mổ phiên bắt đầu từ 1/3 tới đây đến khi có thông báo tiếp theo, việc phẫu thuật sẽ ưu tiên cho việc mổ cấp cứu. Nguyên nhân được lãnh đạo bệnh viện cho biết, hiện một số hóa chất tồn kho phục vụ xét nghiệm cấp cứu đã sắp hết và việc đấu thầu mua sắm gặp vướng mắc chưa thể thực hiện được.
Theo chia sẻ của GS. TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, nhiều hóa chất, vật tư tại cơ sở y tế này đang cạn kiệt, có loại hóa chất chỉ đủ dùng trong 1 tuần.
“Trong năm 2022, sau đại dịch Covid -19, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện khám chữa bệnh, mổ xẻ, điều trị với hơn 79.000 ca. Thực tế, tại Bệnh viện, vật tư y tế để dành chăm sóc người bệnh gần như đã hết, các hóa chất xét nghiệm để phục vụ chẩn đoán, điều trị cho người bệnh cũng cạn dần. Vật tư dành cho phẫu thuật chỉ trong vòng một tháng nữa sẽ hết” – GS. TS Trần Bình Giang chia sẻ.
Đáng nói, vấn đề bất cập này không phải chỉ riêng của Bệnh viện Việt Đức, nhiều bệnh viện khác cũng đang gặp khó khăn trong việc bảo đảm cung ứng đủ các điều kiện phục vụ người bệnh.
GS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng cho hay: Ngay sau Tết Nguyên đán, số lượng bệnh nhân tăng đột biến. Ngày đầu đi làm sau Tết, số lượng bệnh nhân đến khám ngoại trú tại Bệnh viện Bạch Mai là 6.000 bệnh nhân. Chưa kể lượng bệnh nhân được chuyển lên từ các bệnh viện tuyến dưới. Sự gia tăng này khiến thiết bị để phục vụ khám chữa bệnh của Bệnh viện không đáp ứng đủ. Trong khi đó, để đầu tư, mua sắm những trang thiết bị này, chúng tôi không có nguồn ngân sách.
Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Bệnh viện tuyến Trung ương lớn nhất phía Nam, các bác sĩ của bệnh viện này cho biết, thường xuyên trong trạng thái thiếu trang thiết bị y tế, thiết bị hư hỏng, phải chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác gây rất nhiều khó khăn, phiền toái cho người bệnh.
Vướng cơ chế, chính sách
Lý giải về nguyên nhân của tình trạng này, các nhà quản lý bệnh viện cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là vướng mắc về cơ chế, chính sách. Đồng thời, các bệnh viện cũng đang gặp khó khăn rất lớn về tài chính để có thể mua được những trang thiết bị y tế cần thiết.
GS.TS Trần Bình Giang giải thích: Lấy ví dụ như hóa chất để thực hiện xét nghiệm, từ năm 2015 -2021, chúng ta đấu thầu công khai để mua hóa chất xét nghiệm, sau đó các công ty sẽ đặt máy sử dụng hóa chất đó. Kèm theo đó, các công ty sẽ lo những vấn đề như là bảo hành, bảo trì các hệ thống phần mềm đi kèm cho máy hoạt động, kiểm định để đảm bảo máy hoạt động chính xác. Đây là thông lệ quốc tế chứ không phải chỉ ở Việt Nam. Thế nhưng đến năm 2022 Bộ Y tế lại có công văn đề nghị dừng việc này. Có nghĩa là không để các công ty đặt máy xét nghiệm như nói ở trên vì việc đặt máy, mượn máy này không có trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật. Mặc dù sau đó Chính phủ đã có Nghị quyết 144 để tháo gỡ khó khăn này nhưng chưa triệt để.
Theo ông Giang, hiện nay chúng ta thiếu hóa chất, thiếu máy xét nghiệm nhưng phương án mua máy mới là bất khả thi...
Được biết, trước thực trạng đang diễn ra, Bộ Y tế đã tổ chức họp với một số bộ ngành và lãnh đạo một số bệnh viện trực thuộc bộ như: Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy... để tháo gỡ những khó khăn trong mua sắm vật tư, hóa chất cho thiết bị y tế thuộc diện máy đặt, máy mượn... Theo thông tin từ cuộc họp, sau khi trực tiếp nghe báo cáo và đề xuất từ giám đốc một số bệnh viện về các vấn đề nói trên, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết sẽ sớm báo cáo lên Chính phủ và đề xuất phương án xử lý.
Trong khi đó, ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay: “Về vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế ở các cơ sở y tế trên cả nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành có liên quan rà soát lại tất cả các văn bản liên quan để hoàn thiện thể chế trước mắt về nội dung này. Còn vấn đề trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đã dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 98 của Chính phủ và đang trình Chính phủ xem xét ban hành. Khi Nghị định sửa đổi Nghị định 98 được ban hành, tôi cho rằng sẽ giải quyết được căn cơ nội dung liên quan đến việc cung ứng trang thiết bị vật tư y tế”.