Gỡ nút thắt cho kinh tế trang trại

Khanh Lê 13/10/2022 07:01

Cả nước hiện có gần 19.000 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Để thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại trong thời gian tới đòi hỏi cần có “cú hích” về mặt chính sách, tạo khung khổ pháp lý đầy đủ và thuận lợi cũng như tháo gỡ các rào cản...

Đề xuất cơ chế hỗ trợ

Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay nước ta có khoảng 16 triệu hộ nông thôn và trên 1 triệu hộ thành thị hoạt động nông, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản, chủ yếu sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, phân tán, giá trị sản xuất thấp và có nhiều rủi ro. Cũng có không ít hộ nông dân tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại với quy mô đất đai lớn theo hướng sản xuất tập trung, áp dụng khoa học công nghệ và mang lại giá trị kinh tế cao, ít rủi ro hơn. Tuy nhiên, phần lớn trang trại phát triển còn mang tính tự phát, không có quy hoạch bài bản. Quy mô sản xuất (đất đai, lao động, vốn) nhìn chung còn nhỏ, sản phẩm chưa đa dạng, hiệu quả kinh tế chưa cao so với hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp. Chất lượng lao động còn thấp; quy trình kỹ thuật sản xuất của các trang trại chưa hiện đại. Đáng chú ý, hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại đã có nhưng còn tản mạn ở nhiều văn bản, chưa cụ thể cho đối tượng trang trại dẫn đến hạn chế trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ.

Chính vì vậy, để thúc đẩy kinh tế trang trại phát triển, Bộ NN&PTNT đang xây dựng dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại (gọi tắt là dự thảo), thay thế Nghị quyết số 03.

Theo đó, dự thảo đưa ra nhiều nội dung hỗ trợ như miễn giảm 50% tiền thuê đất của nhà nước, nếu tiếp tục có nhu cầu gia hạn thời gian thuê thì được ưu tiên không qua đấu giá. Nếu thuê đất của hộ gia đình, cá nhân để phát triển rừng sản xuất, trồng rừng gỗ lớn, lâm sản ngoài gỗ tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được nhà nước hỗ trợ kinh phí tương đương 30% tiền thuê đất cho 7 năm đầu tiên và giá thuê đất ổn định tối thiểu 7 năm. Ngoài ra còn được hỗ trợ: Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân nông dân được Nhà nước giao đất để sản xuất. Giảm 50% số thuế sử dụng đất nông nghiệp ghi thu hàng năm đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất nông nghiệp nhưng không quá hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân. Đáng chú ý, trang trại chăn nuôi còn được hỗ trợ 30% lãi suất vay tại ngân hàng thương mại trong thời gian 5 năm để xây mới, hoặc nâng cấp hệ thống chuồng chăn nuôi công nghiệp đối với lợn, gia cầm, gia súc ăn cỏ; mức hỗ trợ tối đa cho một trang trại không quá 200 triệu đồng/trang trại.

Tạo điều kiện để kinh tế trang trại phát triển

Theo đánh giá của các chuyên gia việc xây dựng cơ chế để thúc đẩy kinh tế trang trại phát triển là giải pháp cần thiết, nhất là đối với một đất nước nông nghiệp là chủ đạo như ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều quy định tại dự thảo đã vô tình tạo nên cơ chế “xin- cho” rất khó để các hộ sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại tiếp cận được.

Trong bản góp ý vừa gửi Bộ NN&PTNT, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dự thảo quy định các hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp phải lập, thẩm định và xin phê duyệt dự án kinh tế trang trại là không cần thiết. Đơn cử như ở điều 15.2.c của Dự thảo quy định theo hướng: Trong trường hợp có nhiều trang trại đề nghị hỗ trợ thì ưu tiên các trang trại sản xuất quy mô lớn có hiệu quả trong nhiều năm; sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng an toàn, hữu cơ; ứng dụng công nghệ cao; có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

Theo VCCI, đây đều là các chỉ tiêu chung chung, định tính và chắc chắn sẽ dẫn đến cơ chế “xin - cho”, thậm chí là nguy cơ tham nhũng tiêu cực trong quá trình áp dụng. Bên cạnh đó, dự thảo quy định các trường hợp các hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp phải lập, thẩm định và xin phê duyệt dự án kinh tế trang trại. Nếu đủ điều kiện và thành phần hồ sơ thì UBND cấp huyện sẽ ban hành quyết định phê duyệt dự án kinh tế trang trại, quy định này được góp ý là trái luật và không cần thiết. Tuy nhiên, theo VCCI trong các ngành nghề kinh tế trang trại, chỉ có chăn nuôi và kinh doanh thuỷ sản được quy định tại Luật Đầu tư.

Đáng chú ý, theo VCCI, mặc dù Nghị định có tên là chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại nông nghiệp, nhưng nội dung của Dự thảo không chỉ bao gồm chính sách ưu đãi, hỗ trợ kinh tế trang trại mà còn có cả các quy định quản lý nhà nước đối với kinh tế trang trại (tại Chương III).

Trong khi, Chương III lại bao gồm nhiều quy định đặt thêm các rào cản gia nhập thị trường, thủ tục hành chính, giấy phép “con”, nghĩa vụ báo cáo cho hoạt động kinh tế trang trại. Các quy định này dự báo sẽ làm tăng chi phí tuân thủ và rủi ro pháp lý, có thể cản trở việc phát triển kinh tế trang trại tại Việt Nam. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc có một chương về quản lý Nhà nước đối với kinh tế trang trại, đặc biệt là các vấn đề mang tính giấy phép, thủ tục, báo cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ nút thắt cho kinh tế trang trại