Kinh tế

Gỡ nút thắt phát triển điện khí

H.Hương 19/12/2023 07:34

Theo Quy hoạch điện VIII đến năm 2030 nguồn nhiệt điện khí trong nước và khí hóa lỏng (LNG) sẽ đạt hơn 37.000 MW, tương ứng gần 25% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện của hệ thống điện quốc gia.

anhbaitren.jpg
Cơ cấu nguồn nhiệt điện khí trong nước (bao gồm LNG) đến năm 2030 sẽ đạt 37.330 MW, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện. Ảnh: BCT.

Riêng nhiệt điện khí hóa lỏng (LNG) khoảng 24.000MW, chiếm khoảng 15%. Việc phát triển nguồn điện này là cấp thiết để bù đắp thiếu điện, nhưng phải gỡ rất nhiều điểm nghẽn.

Cấp thiết bù đắp thiếu điện

Việc phát triển điện khí là tất yếu đối với Việt Nam, bởi đây là nguồn điện nền hỗ trợ quan trọng cho hệ thống điện khi các nguồn điện từ năng lượng tái tạo ngày càng gia tăng với tỷ trọng lớn. Trong khi đó, nguồn thuỷ điện đã khai thác tới hạn, và việc giảm phát thải ra môi trường ngày càng được đặt ra với yêu cầu cao hơn.

Chưa kể việc đưa LNG vào sử dụng còn để phù hợp với cam kết của Chính phủ tại COP26 về xu hướng sử dụng nhiên liệu giảm phát thải.

Trong Quy hoạch điện VIII, sẽ có 15 dự án nhà máy nhiệt điện LNG phân bố trên cả nước. Chỉ tính đến năm 2030, để đáp ứng khí cho 13 dự án nhiệt điện LNG với tổng công suất 22.400MW, mỗi năm cần kho chứa đạt khoảng 15 - 18 triệu tấn. Tuy nhiên, hiện Việt Nam mới chỉ có duy nhất 1 dự án kho chứa LNG tại Thị Vải với công suất 1 triệu tấn/năm.

Ông Nguyễn Văn Phụng - Chuyên gia cao cấp về Thuế và Quản trị doanh nghiệp cho rằng, việc phát triển điện khí LNG ở Việt Nam đang gặp rất nhiều thách thức, đơn cử, chưa có cam kết bao tiêu sản lượng khí hàng năm, cam kết về hệ thống truyền tải và đấu nối điện của dự án...

Thực tế hiện nay đã chỉ ra giá thành sản xuất điện từ khí LNG chắc chắn cao hơn nhiều so với điện được sản xuất ra từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên than, nắng, gió, thủy điện. Do vậy, rất cần phải có một khung giá điện cho nguồn điện này được xây dựng trên phương pháp khoa học, có tham khảo thực tiễn kinh nghiệm ở một số quốc gia đã và đang áp dụng thực hiện tốt. Theo đó, khung giá, mức giá cụ thể cần được xây dựng trên các yếu tố cấu thành giá điện khí LNG (như chi phí đầu tư nhà máy điện, chi phí vận hành tiêu chuẩn, giá LNG tại một thời điểm xác định là cơ sở), hệ số điều chỉnh theo thị trường khi có biến động giá LNG.

Giới chuyên gia cũng chỉ rõ thách thức trong phát triển điện khí là nguồn cung và giá, do hoàn toàn phụ thuộc nhập khẩu. Việt Nam chưa chủ động được nguồn cấp LNG. Do vậy, giá nhiên liệu khí hóa lỏng biến động thất thường và chiếm tỷ lệ từ 70 - 80% giá thành điện năng sản xuất, nên việc xây dựng cơ chế giá phù hợp để thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu, nhưng không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện là thách thức rất lớn với Việt Nam.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính phân tích, thực tế Việt Nam đang thiếu một quy hoạch bài bản cho phát triển điện khí, kể cả khí hóa lỏng lẫn khí tự nhiên. Việc không có quy hoạch rõ ràng thì đầu tư phát triển sẽ không có hiệu quả. Chưa kể cơ sở hạ tầng là một trong những vấn đề quan trọng để phát triển điện khí, đòi hỏi rất cao và phải đạt chuẩn mực quốc tế. Trong đó bao gồm có các cảng biển nước sâu để cho các tàu lớn theo tiêu chuẩn quốc tế và kho cảng để lưu trữ và phân phối cũng như các nhà máy tái khí.

Còn 7 năm để “chạy nước rút”

Đến năm 2030, chỉ còn 7 năm để các dự án khí hóa lỏng triển khai và đi vào vận hành. Nếu không nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc, việc triển khai các dự án khí hóa lỏng sẽ gặp trở ngại lớn, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Dầu khí Việt Nam Nguyễn Hùng Dũng cho rằng, doanh nghiệp (DN) bao giờ cũng hướng tới lợi ích và mong muốn thị trường phải được phát triển lành mạnh, đảm bảo tính công bằng.

“Phát triển thị trường khí cần quy hoạch tổng thể, có chiến lược dài để các DN chủ động, không phải chạy theo. Điện khí là xu hướng tất yếu. Do đó, khi có cơ chế, chính sách sẽ đảm bảo cho các nhà đầu tư yên tâm” - ông Dũng đề nghị.

Ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, quan điểm phát triển trung tâm nhập khí, chuyển khí, trước mắt chọn 1 - 2 DN làm, tiến hành kiểm toán, cổ phần hóa theo cơ chế thị trường để minh bạch. Việt Nam cần chuyển đổi nhận thức xã hội đối với thị trường bán lẻ điện.

Theo ông Kiên, hiện vẫn đang đồng nhất Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) với ngành năng lượng. Khi xảy ra vấn đề về điện, dư luận chỉ tập trung vào trách nhiệm của EVN, trong khi đây là trách nhiệm là của cả ngành năng lượng về nguồn cung. Về giải pháp căn cơ, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện các kế hoạch đảm bảo an ninh năng lượng theo nghị quyết của Quốc hội.

Bên cạnh đó, để khuyến khích, thúc đẩy đầu tư phát triển thị trường điện khí LNG, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu điều chỉnh một số quy định về áp thuế, phí cũng như các ưu đãi về thuế theo hướng sau: Đề xuất thuế nhập khẩu LNG chuyển xuống áp dụng mức thuế suất thấp nhất trong Biểu khung thuế nhập khẩu là 0%; thuế Giá trị gia tăng giữ nguyên 10%; Thuế thu nhập DN cần có chính sách ưu đãi, giảm thuế… có thời hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ nút thắt phát triển điện khí