Giá vàng đang từ đỉnh 92,4 triệu đồng/lượng vào ngày 10/5 thì sau hơn 1 tháng đã xuống dưới 78 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên tình trạng đổ xô đi mua vàng, xếp hàng chờ mua vàng vẫn diễn ra.
Giá vàng dần vào quỹ đạo
Theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu vàng toàn cầu năm 2023 (không bao gồm thị trường phi tập trung OTC) giảm xuống còn 4.448,4 tấn, giảm 5,3% so với năm 2022. Tuy nhiên, khi gộp cả nhu cầu từ thị trường mua bán vàng không qua sàn giao dịch tập trung (OTC) và các nguồn khác, tổng nhu cầu về vàng đã tăng lên mức kỷ lục hàng năm mới là 4.899,8 tấn, cao hơn năm 2022 khoảng 3,1%.
Trước biến động rất mạnh của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng tăng như vũ bão, khoảng cách giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới thường xuyên ở mức 15 -20 triệu đồng/lượng. Nhiều biện pháp ổn định thị trường vàng liên tục được đưa ra và Ngân hàng nước (NHNN) buộc phải sử dụng lại biện pháp đấu thầu vàng sau 11 năm.
Từ ngày 19/4 đến 23/5/2024 NHNN đã tổ chức 9 phiên đấu thầu bán vàng miếng ra thị trường với tổng khối lượng 48.500 lượng. Việc NHNN tổ chức các phiên đấu thầu vàng nhằm giải pháp tăng nguồn cung để trung hòa nhu cầu thị trường, từ đó “hạ nhiệt” giá vàng. Tuy nhiên, rất lạ, càng đấu thầu vàng giá vàng càng cao, khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới được kéo xa.
Vì thế, thị trường vàng tiếp tục cần được đưa ra giải pháp. Và ngày 3/6, NHNN chính thức dừng đấu thầu vàng, thực hiện bán vàng cho 4 ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn nhà nước và Công ty SJC để người dân có thể trực tiếp mua vàng. Giá vàng lập tức hạ nhiệt và dần sát với giá vàng thế giới.
Nhận xét về tình hình thị trường vàng, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Think Future Consultancy cho hay, chỉ 5 ngày sau khi NHNN công bố bán vàng qua 4 NHTM nhà nước nhưng chênh lệch giá vàng đã giảm từ 26% xuống 12%. Mức 12% có thể coi là mức chấp nhận được và không nhất thiết phải can thiệp hay bình ổn.
Theo ông Linh, chênh lệch giá vàng SJC so với các loại vàng khác đã luôn tồn tại, ngay cả trước khi đấu thầu vàng năm 2013. Hiện nhiều khách hàng rất mong ngóng để được mua với giá thấp hơn giá bán của các cửa hàng vàng, qua đó giúp cầu giảm, làm giảm chênh lệch và mang lại lợi ích cho những người đang thực sự có nhu cầu.
Hơn nữa, vị chuyên gia này cũng đánh giá cao về “sự khéo léo” của NHNN khi ấn định giá bán ra cho các ngân hàng và Công ty SJC, từ đó giúp giá bán tối thiểu từ 4 NHTM nhà nước và SJC sẽ xấp xỉ.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khi báo cáo Quốc hội về giải quyết những vấn đề nóng mà ĐBQH quan tâm, đã cho biết thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tập trung nghiên cứu, chủ động phản ứng chính sách kịp thời, triển khai quyết liệt các giải pháp bình ổn thị trường vàng, bảo đảm sử dụng các công cụ điều hành của nhà nước hiệu quả, hiệu lực, kịp thời. Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24 của Chính phủ phù hợp với bối cảnh tình hình mới, bảo đảm thị trường vàng phát triển ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế.
“Trị bệnh” tăng nóng
Tại Nghị quyết số 82 ngày 5/6/2024 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với NHNN tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng.
“Trị bệnh” giá vàng tăng nóng, theo nhìn nhận của giới chuyên gia, các biện pháp hành chính trở nên đặc biệt quan trọng để đảm bảo sự minh bạch và ngăn chặn thao túng giá. Thanh tra thị trường vàng, yêu cầu sử dụng hóa đơn, điều tra hành vi thao túng... sẽ không tốn dự trữ ngoại hối mà lại có thể mang tới hiệu quả cao tức thì. Ngoài việc sử dụng các biện pháp hành chính, công cụ tiền tệ như lãi suất cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các loại bong bóng tài sản, bao gồm cả vàng.
Ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, việc yêu cầu tất cả các cơ sở kinh doanh vàng phải thực hiện xuất hóa đơn điện tử theo đúng quy định không chỉ làm minh bạch cho nền kinh tế, đồng thời giúp cho cơ quan thuế và cơ quan nhà nước quản lý được các giao dịch vàng, từ đó giúp hoạch định chính sách vĩ mô. Đồng thời tránh tình trạng trốn thuế, không xuất hóa đơn, tạo sự bất bình đẳng trong nghĩa vụ thuế.
Giới chuyên gia cho rằng trong thời gian tới, cơ quan quản lý thuế cần tiếp tục đề xuất tham mưu với Chính phủ các chủ trương, chính sách và biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quản lý thu thuế đối với các cá nhân đầu tư vàng kiếm lời. Có thể nghiên cứu áp dụng cơ chế thu hộ đối với các cơ sở kinh doanh vàng khi mua vàng của người dân tại cửa hàng.
Bên cạnh giải pháp trên, việc triệt để áp dụng quy định về xuất hóa đơn điện tử khi giao dịch vàng (kể cả vàng miếng và vàng trang sức) sẽ giúp cơ quan thuế kiểm soát được tình trạng ẩn thuế, lậu thuế của các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Mặt khác, đây cũng là cơ sở để cơ quan thuế xác định mức thuế thu nhập đối với cá nhân đầu tư vàng một cách minh bạch và công bằng. Khi đó, việc triển khai thu thuế đối với hoạt động đầu tư vàng mới khả thi.
Tuy nhiên, giá vàng vẫn có thể biến động tăng hoặc giảm vào những phiên sau, do còn dựa vào giá vàng thế giới, nên việc mua vào hay bán ra cần có sự cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng.
Diễn biến giá vàng sẽ ra sao?
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giá vàng trong thời gian tới có thể tiếp tục giảm, nhưng liệu có duy trì ở mức thấp hay không thì còn phải đợi thêm diễn biến trên thị trường vàng quốc tế và khả năng cung cấp vàng ra thị trường của NHNN.
Trong khi đó, theo TS Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng thì phân tích, giá vàng trong nước thời gian qua tăng mạnh chủ yếu do 2 nguyên nhân: Một là, do giá vàng thế giới tăng; hai là, do chênh lệch cung - cầu. Trên thế giới, tình hình địa chính trị vẫn hết sức phức tạp, năm nay lại là năm bầu cử Tổng thống Mỹ, đồng nghĩa với nhiều yếu tố khó dự đoán, nên giá vàng có thể sẽ còn neo cao đến hết năm nay, sau đó sẽ chững lại.
Với thị trường trong nước, Việt Nam là một nền sản xuất nông nghiệp mới chuyển đổi, tâm lý tích trữ vàng vẫn còn khá nặng nề, nhất là với thế hệ 8x trở về trước. Với giới trẻ dưới 30 tuổi, thì nhu cầu đầu tư nhà đất nổi trội hơn nhu cầu tích lũy vàng. Nói cách khác, thế hệ “mê vàng” sẽ giảm dần, do đó cầu về vàng dần dần sẽ giảm.
Ngoài ra, nhìn về dài hạn, cầu vàng không thể mãi tăng, vì thị trường bất động sản rồi cũng sẽ phục hồi, người dân cuối cùng vẫn sẽ nhận thấy gửi tiết kiệm ngân hàng là một trong những kênh đầu tư an toàn, hiệu quả.
TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, Chính phủ và NHNN đang đi đúng hướng trong bình ổn thị trường vàng, song cần các giải pháp quyết liệt, rốt ráo hơn nữa. Theo chuyên gia này, các giải pháp hiện nay vẫn chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, cần tăng cung hợp lý cho thị trường vàng, cho phép doanh nghiệp đủ điều kiện được nhập khẩu vàng.