Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Gỡ nút thắt tín dụng cho nhà ở xã hội

Bắc Phong 18/03/2024 07:03

Ngày 16/3, phát biểu tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mỗi người, mỗi tổ chức chung tay góp sức tạo phong trào, xu thế phát triển nhà ở xã hội. Phải đặt mình vào địa vị của người khác và đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động.

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý việc nghiên cứu, triển khai gói tín dụng cho người mua nhà ở xã hội (NOXH) với thời gian 10 - 15 năm và lãi suất thấp hơn từ 3-5%.

Cần phải nhắc lại, ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 388 phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất, triển khai gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ đồng cho vay hỗ trợ phát triển NOXH.

Tuy nhiên, tới nay, tín dụng lại là một trong những nút thắt lớn nhất khiến tiến độ triển khai xây dựng NOXH chậm. Báo cáo tiến độ thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án NOXH, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, Ngân hàng Nhà nước cho biết đến nay mới chỉ có 28/63 UBND tỉnh, thành phố gửi văn bản hoặc công bố danh mục dự án tham gia chương trình với 68 dự án. Trong đó, 30 dự án có nhu cầu vay vốn. Các ngân hàng thương mại cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, mới giải ngân được 6 tỷ đồng mua nhà tại 3 dự án.

Vì sao nhu cầu vốn rất cao, ngân hàng “sẵn sàng” nguồn tiền nhưng doanh nghiệp (DN) lẫn người người vay mua nhà ít, hoặc là rất chần chừ?

Thực tế cho thấy, về phía DN tham gia xây dựng NOXH, nhiều dự án không vay được tiền ngân hàng là do gặp vướng mắc về mặt pháp lý, về giải phóng mặt bằng, về thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… Và đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới các ngân hàng thương mại chưa có cơ sở để cấp tín dụng cho chủ đầu tư dự án.

Về phía người mua NOXH. Hiện nay, một số người mua đã vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (theo quy định tại Nghị định 100/2015 của Chính phủ), do lãi suất cho vay ưu đãi hơn. Cùng đó, khách hàng mua nhà ở tại các dự án NOXH thời gian gần đây gặp khó khăn về thu nhập, nên dành ưu tiên cho nhu cầu cuộc sống trước mắt mà chưa xem xét việc mua nhà trong thời điểm này.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính xét về mặt tín dụng vướng khi mà cả DN xây dựng lẫn người thuộc diện được mua NOXH đợi lãi suất cho vay giảm.

Được biết, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được triển khai trong khoảng 10 năm, lãi suất cho vay trong thời gian hỗ trợ thấp hơn từ 1,5-2% so với lãi suất cho bình quân trung dài hạn. Định kỳ 6 tháng, Ngân hàng Nhà nước thông báo lãi suất cho vay trong thời gian hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại.

Kể từ khi triển khai Chương trình đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần điều chỉnh lãi suất cho vay theo hướng giảm dần đối với chủ đầu tư và người mua nhà, lần lượt từ mức 8,5%/năm và 8%/năm (từ 1/4/2023) xuống còn 8,2%/năm và 7,7%/năm (từ 1/7/2023); và tiếp tục giảm xuống 8%/năm và 7,5%/năm kể từ 1/1/2024.

Đây vẫn là mức lãi suất cao, theo các DN tham gia xây dựng NOXH thì họ sẽ không có lãi. Còn với người vay mua nhà, sẽ không thể trả nổi khi “lãi mẹ đẻ lãi con”.

Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng để thúc tiến độ giải ngân gói 120.000 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng 1 triệu căn hộ NOXH, “2 nút thắt” tín dụng cần được tháo gỡ. Một là, tiếp tục giảm thêm khoảng 1/2 lãi suất cho vay (hiện là 7,5%). Hai là, kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi (hiện quy định với chủ đầu tư là 3 năm; với người mua nhà là 5 năm), lên tương ứng 10 năm và 15 năm.

Chậm triển khai dự án 1 triệu căn NOXH ngày nào, người lao động thu nhập thấp và các đối tượng chế độ chính sách thiệt thòi ngày đó, giấc mơ “an cư lạc nghiệp” càng vơi cạn ngày đó. Sự chậm trễ có nhiều nguyên nhân, nhưng tín dụng cần phải coi là chìa khóa của vấn đề. Trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng với gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng cần phải được thể hiện rõ hơn. 1 triệu căn NOXH không chỉ là con số, mà vượt lên trên đó còn là chính sách an sinh xã hội, sự ưu việt của chế độ, để người nghèo cũng “có vé” để bước lên con tàu của sự phát triển.

Nói như Thủ tướng Phạm Minh Chính, thì phải đặt mình vào địa vị của người khác và đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ nút thắt tín dụng cho nhà ở xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO