Kinh tế

Gỡ rào cản cho doanh nghiệp

DUY KHANG 02/06/2024 07:53

Số liệu từ Tổng cục Thống kê công bố cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2024 có gần 86.400 doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường, tăng 12,2 % so với cùng kỳ; số DN tham gia vào thị trường thấp hơn so với số DN rút lui khỏi thị trường. DN mở rộng quy mô sản xuất chỉ đạt 27% thấp nhất so với nhiều năm trước khiến mục tiêu phát triển 1,5 triệu DN đến năm 2025 sẽ rất khó đạt được.

skdn305.jpg
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều điểm nghẽn về thủ tục hành chính, chi phí tăng... Ảnh: Quang Vinh.

Những con số nói trên cho thấy, dường như hoạt động của cộng đồng DN vẫn chưa hết khó khăn, họ vẫn phải đối diện với không ít điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh, cho dù thời gian qua các bộ ngành, địa phương đã và đang tìm cách tháo gỡ.

Thừa nhận về việc các điều kiện kinh doanh đã và đang tiếp tục được gỡ bỏ, tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, khi tiếp xúc với DN, họ vẫn than thở rất nhiều về những thủ tục rườm rà mà họ phải đối diện trên thương trường. Theo ông Hiếu, chính môi trường kinh doanh bất lợi đặt nhiều DN vào tình thế rất khó khăn.

Trên nghị trường Quốc hội, câu chuyện về môi trường kinh doanh đã và đang tác động đến sức khỏe của cộng đồng DN cũng được các đại biểu Quốc hội đưa ra bàn luận.

Đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, nhất là DN tư nhân thời gian qua và ngay cả hiện tại còn nhiều khó khăn, nhất là khả năng hấp thụ vốn. Trong năm 2023, số DN rút lui khỏi thị trường tăng 20,5% so với năm 2022. Từ đầu năm 2024, tình hình sản xuất kinh doanh mặc dù có tốt hơn, đơn hàng từ các hợp đồng của nước ngoài có tăng nên chỉ số mua hàng (PMI) của DN tăng đạt trên 50 điểm.

“DN tư nhân có vai trò quan trọng, là xương sống của nền kinh tế nên chất lượng, hiệu quả hoạt động của DN khu vực này ảnh hưởng lớn đến huy động nguồn lực xã hội, tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm và giải quyết an sinh xã hội” - bà Lan đánh giá, đồng thời nêu quan điểm, trong bối cảnh DN tư nhân quy mô vừa và nhỏ chiếm đa số nhưng năng lực quản trị, tiềm lực phát triển, sức cạnh tranh, ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức kinh doanh còn hạn chế... đó là những yếu tố khiến cho chất lượng hoạt động DN thấp.

Bên cạnh đó nhiều cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư, thuế, đất đai còn vướng mắc, bất cập dẫn đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng và các chính sách hỗ trợ DN còn khó khăn.

“Ngoài ra, vẫn còn có tâm lý sợ sai sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức nên việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách còn chậm như công tác phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, thời gian thực hiện quy trình, thủ tục hành chính kéo dài do việc lấy ý kiến của nhiều cơ quan, tổ chức liên quan làm gia tăng chi phí, thời gian cho DN” – bà Lan nói.

Phản ánh từ thực tế của các DN cho thấy, họ đã và đang gặp phải nhiều rào cản pháp lý. Những rào cản phát sinh từ các quy định của pháp luật đang làm gia tăng chi phí sản xuất và tiêu hao nguồn lực DN.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng thẳng thắn chỉ ra 6 nguyên nhân khiến “sức khỏe” DN bị suy yếu, trong đó có nguyên nhân từ rào cản pháp lý. Ông Tuấn cho rằng, chất lượng các quy định pháp luật ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và sự hấp dẫn của môi trường đầu tư.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng nhấn mạnh đến việc hoàn thuế Giá trị gia tăng (VAT) thời gian qua có rào cản trong việc bắt buộc truy xuất nguồn gốc đầu vào. Theo ông Tuấn, để thực hiện trong bối cảnh xảy ra nhiều DN gian lận trong thủ tục hoàn thuế, ngành Thuế phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính, dẫn tới làm chậm hoàn thuế tiền của DN.

Không chỉ vậy, nhiều DN cũng chia sẻ, có rất nhiều chi phí chồng lấn nhau khiến nhiều ngành hàng Việt Nam khó cạnh tranh (như phải thực hiện Luật Bảo vệ môi trường thông qua thực hiện trách nhiệm mở rộng với nhà sản xuất trong tái chế… ). Hay “một mặt chúng ta dành nhiều sức để có được việc giảm VAT 2%, nhưng mặt khác Bộ Tài chính lại đang bổ sung rất nhiều ngành hàng vào diện chịu thuế. Đây là chính sách không hợp lý” - ông Đậu Anh Tuấn nêu quan điểm.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù nhà quản lý đã hết sức nỗ lực gỡ các rào cản thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho hoạt động của cộng đồng DN, song vẫn cần tiếp tục và đẩy nhanh việc gỡ những điểm nghẽn, bất cập về chính sách phát triển kinh tế tư nhân, giảm thời gian cũng như những chi phí không chính thức trong thực hiện các thủ tục hành chính cho DN.

Cung cấp thông tin, hỗ trợ pháp lý kỹ thuật, kỹ năng quản trị và tiếp cận vốn tín dụng, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa cho DN tạo thuận lợi cho phát triển.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần có các giải pháp tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hỗ trợ DN khắc phục tình trạng thiếu lao động. Nghiên cứu xây dựng chính sách tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của các DN, nhất là DN mới thành lập và DN nhỏ và vừa, tháo gỡ các vướng mắc về đất đai, nhất là vấn đề xác định giá đất cụ thể...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ rào cản cho doanh nghiệp