6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu rau quả ước đạt 2 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng những tháng còn lại của năm sẽ khó khăn hơn do những diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới.
Tiêu chuẩn ngày càng khắt khe khiến sản phẩm xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù luôn tăng trưởng tốt trong những năm qua, kể cả 6 tháng đầu năm 2018, tuy nhiên, xuất khẩu nông lâm thủy sản được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới bởi sức ảnh hưởng lớn của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Bên cạnh đó, việc Ủy ban châu Âu chưa xóa án “thẻ vàng” cũng là một rào cản.
Rau củ quả chững lại
Con số thống kê cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành nông nghiệp đạt mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Đó cũng là điều dễ nhận thấy bởi thời gian qua, xuất khẩu nông sản luôn đứng top đầu, đặc biệt ngành rau củ quả đã luôn đạt những con số xuất khẩu ấn tượng trong nhiều năm gần đây.
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu rau quả ước đạt 2 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý, các thị trường xuất khẩu chính đều có kim ngạch tăng khá. Trong đó, dẫn đầu là thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2017; tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch đạt 50,9 triệu USD, tăng 14,6%. Tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, kim ngạch xuất khẩu rau quả lần lượt tăng 8%, 15,4% và 26%.
Nhìn vào những thị trường mà ngành rau quả hướng đến có thể thấy kim ngạch xuất khẩu vẫn đang đà đi lên. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang gây ra những tác động mạnh mẽ đến các nền kinh tế trên thế giới và Việt Nam cũng chịu những ảnh hưởng nhất định, mà theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, những tác động tiêu cực vẫn nhiều hơn.
Nhìn vào thị trường được coi là chủ lực của ngành nông sản xuất khẩu, trong đó có ngành rau củ quả, có thể thấy, thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn là hai thị trường lớn nhất của Việt Nam. Do đó, việc hai quốc gia này có xung đột thương mại sẽ không thể không tác động đến hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang hai nước này, trong đó chủ yếu là các sản phẩm nông sản xuất khẩu.
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, trước những áp lực về việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc, các sản phẩm nông sản của Trung Quốc sẽ phải tìm thị trường thay thế.
Với nguồn cung lớn, giá rẻ, rau quả Trung Quốc sẽ tiếp tục gây áp lực cạnh tranh rất lớn đối với nông sản Việt Nam. Ở chiều ngược lại, để đáp trả “đòn tấn công” của Mỹ, Trung Quốc đánh thuế bổ sung 25% đối với các nông sản xuất khẩu của Mỹ như trái cây và các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm… Và để tránh “đòn”, các sản phẩm nông sản nói trên của Mỹ có thể sẽ tràn vào Việt Nam nhiều hơn.
Con số thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy: Chỉ riêng trong tháng 5, nhập khẩu thịt từ Mỹ chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các thị trường nhập khẩu thịt vào Việt Nam, với khoảng 37%, tương đương gần 11.000 tấn, trị giá hơn 13 triệu USD. Con số này tăng gần 50% về lượng so với tháng 4.
Tuy gặp khó khăn nhưng nông sản Việt Nam vẫn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới.
Đối diện nhiều rào cản
Nhận định về tình hình tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, mặc dù kim ngạch không giảm nhưng tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đang giảm dần qua các tháng.
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông thủy sản đang gặp một số trở ngại tại các thị trường lớn, đó là những tác động thấy rõ của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Thêm vào đó, theo ông Lộc, chiếc “thẻ vàng” của EU đối với lĩnh vực thủy sản của Việt Nam với tần suất kiểm tra 100% các lô hàng xuất sang thị trường này cũng đang gây rào cản lớn cho ngành hàng thủy sản.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận, sẽ có những khó khăn không nhỏ cho xuất khẩu của Việt Nam khi xung đột thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp tục kéo dài. Theo dự báo của lãnh đạo Bộ Công thương, trong các tháng cuối năm, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.
Nổi bật là việc các nước tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ, quy định tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe khiến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn trên các thị trường nhập khẩu.
Việc cảnh báo thẻ vàng của EU đối với thủy sản, mức thuế chống bán phá giá Hoa Kỳ áp dụng đối với cá tra; chương trình thanh tra cá da trơn của Hoa Kỳ, EC siết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, áp dụng các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp (IUU) và sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp (FLEGT) cũng có những vấn đề đặt ra. Nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc; tình trạng truyền thông bôi nhọ sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tại một số nước (cá tra ở EU, hạt điều ở Ấn Độ…).
Có thể thấy rõ có quá nhiều rào cản, khó khăn vẫn đang ở phía trước đối với lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nhóm ngành hàng nông thủy sản, vì đây là nhóm ngành hàng chủ lực. Bởi vậy, theo khuyến cáo của Bộ Công thương, các DN cần phải rất nỗ lực trong việc nắm bắt thông tin thị trường, nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu để có thể vượt qua được những quy định, quy chuẩn khắt khe từ phía đối tác. Riêng với ngành thủy sản, hơn bao giờ hết, nỗ lực xóa thẻ vàng cần tiếp tục được đẩy mạnh vì thời gian từ nay đến ngày 1/1/2019 không còn xa.