Gỡ rối Luật BHXH: Không chỉ là chuyện trách nhiệm

06/08/2015 10:25

Ngày 6-8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo “Thúc đẩy việc triển khai thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và hoàn thiện pháp luật lao động trong quá trình hội nhập quốc tế”.

Gỡ rối Luật BHXH: Không chỉ là chuyện trách nhiệm

NLĐ được hưởng lợi khi luật BHXH đi vào đời sống

Nhiều rào cản

Luật BHXH (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua từ tháng 11-2014 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016. Với nhiều chính sách mới được sửa đổi, bổ sung, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách mới đến người lao động, người sử dụng lao động và các tầng lớp nhân dân để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật cũng như thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Qua đó, tạo cơ hội mạnh mẽ hơn cho hàng triệu nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức được tiếp cận chính sách bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh cho chính mình và xã hội. Tuy nhiên tại hội thảo nhiều đại biểu cho rằng Luật BHXH mới và một số văn bản dự thảo hướng dẫn vẫn tồn tại nhiều điểm chưa đi vào thực tế cuộc sống.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết Luật BHXH quy định lao động nữ hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu (khoản 3 điều 54). Tuy nhiên, với cách tính lương hưu là cứ 15 năm đóng được hưởng 45%, sau đó mỗi năm cộng thêm 2% thì đến năm thứ 20, đối tượng này chỉ được hưởng tối đa 54%. Như vậy, rất dễ rơi vào tình trạng mức lương hưu thấp hơn mức lương tối thiểu chung. “Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy hiện có 1.748 giáo viên mầm non nghỉ hưu đang hưởng mức lương 228.000 đồng đến dưới 900.000 đồng/tháng” - ông Lợi dẫn chứng.

Thống kê của cơ quan BHXH Việt Nam cũng cho thấy, số người tham gia BHXH bắt buộc mới chiếm khoảng hơn 70% tổng số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH (2006), chiếm khoảng 0,5% tổng số lao động thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện. Đáng lưu ý là phần lớn lao động trong khu vực phi chính thức, nông dân chưa tham gia loại hình BHXH này; tỷ lệ tham gia BHXH còn thấp, mới chiếm khoảng hơn 20% tổng lực lượng lao động. Đối với Bộ luật lao động 2012 cũng cần thiết phải chuẩn bị cho việc tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật lao động để để đáp ứng các yêu cầu, thách thức về phát triển thị trường lao động, hội nhập kinh tế quốc tế.

Đáng chú ý vấn đề nợ đọng BHXH đang trở thành vấn đề nóng không chỉ gây bức xúc xã hội mà chính là nguyên nhân khiến người dân e ngại tham gia BHXH tự nguyện. Ông Lê Thành Nhơn, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, cho biết khi DN bỏ trốn, địa phương phải gánh chịu hậu quả. Dù vậy, địa phương chỉ tạm ứng ngân sách để hỗ trợ người lao động bị nợ lương, còn nợ BHXH thì không hỗ trợ. Do vậy, người lao động rất thiệt thòi. Theo ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, thời gian qua, BHXH TP phối hợp với nhiều cơ quan, ban - ngành làm hết sức mình nhưng vẫn không giải quyết được tình trạng nợ BHXH, đặc biệt là DN nợ BHXH rồi bỏ trốn.

Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

BHXH là chính sách an sinh xã hội được đánh giá quan trọng nhất của quốc gia, tác động tới hàng chục triệu lao động đây là thực tế không thể phủ nhận. Xuất phát từ thực tế này TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng: Với nhiều chính sách mới được sửa đổi, bổ sung nên việc triển khai thi hành Luật này đòi hỏi các ban ngành, cơ quan, tổ chức và chính quyền các địa phương phải tăng cường phổ biến thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách mới đến người lao động, người sử dụng lao động và các tầng lớp nhân dân để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật, thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Đối với Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp cần tổ chức giám sát các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức triển khai thi hành Luật tại các địa phương và trên phạm vi cả nước.

Đồng quan điểm ông Trần Hải Nam – Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho rằng cần sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thi hành Luật BHXH, trong đó xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành cần tiếp tục tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách và lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng thuộc diện điều chỉnh của pháp luật để nâng cao tính khả thi trong tổ chức thực hiện. Một số nội dung chính sách mới thì trong quá trình xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn về nội dung này cần có sự nghiên cứu đánh giá kỹ trong quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ rối Luật BHXH: Không chỉ là chuyện trách nhiệm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO