Trước thời điểm Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) về thanh tra việc thực hiện các khuyến nghị liên quan đến việc khai thác hải sản bất hợp pháp, chính quyền tỉnh Nam Định - một trong 28 tỉnh thành ven biển - chỉ đạo thực hiện nhiều “biện pháp mạnh” nhằm ngăn chặn việc vi phạm…
Ngày 4/10, Văn phòng UBND tỉnh Nam Định phát đi văn bản thông báo, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng liên quan đến việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Thông báo được phát đi sau cuộc họp Ban chỉ đạo của tỉnh về nội dung này, tổ chức ngày hôm trước, 3/10.
Cuộc họp diễn ra không lâu sau cuộc họp thứ sáu Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, tổ chức ngày 26/9/2022, do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì và trước thời điểm Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) về Nam Định, một trong 28 tỉnh thành ven biển của Việt Nam thanh tra việc thực hiện các khuyến nghị trước đó của Ủy ban này, liên quan đến việc khai thác hải sản bất hợp pháp, làm cơ sở để gỡ “thẻ vàng” cho Việt Nam.
Xử lý vi phạm chưa nghiêm, còn làm “đối phó”
Tại cuộc họp, đại diện các Sở, ngành và UBND tỉnh Nam Định nhìn nhận sau một thời gian tập trung thực hiện các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định theo khuyến nghị của EC, hoạt động khai thác thủy sản theo các khuyến nghị trên ở Nam Định đã có những chuyển biến tích cực. Ngư dân đã cơ bản chấp hành nghiêm các quy định về cấp phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; từng bước chấp hành các quy định về khai báo cập và rời cảng, ghi, nộp nhật ký khai thác; không có hiện tượng tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý…
Tuy nhiên, theo đánh giá của chính quyền tỉnh Nam Định, bên cạnh kết quả, công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Trong đó, việc ngăn chặn và xử lý vi phạm của tàu cá của các cơ quan chức năng liên quan ở địa phương chưa nghiêm, hình thức xử phạt vi phạm hành chính mang tính cảnh cáo chưa đủ sức răn đe; sự phối hợp giữa các lực lượng chưa chặt chẽ và đồng bộ; sự vào cuộc của chính quyền địa phương có nơi chưa thực sự quyết liệt, còn làm đối phó;...
“Còn xảy ra hiện tượng một số tàu cá vi phạm vẫn được ra khơi hoạt động khai thác thủy sản”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định nêu thực tế. Ông Trần Anh Dũng cũng chỉ ra rằng cho đến nay, số tàu cá thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) chưa đạt 100%; vẫn còn xảy ra hiện tượng một số tàu cá mất tín hiệu tại một số thời điểm nhất định…
Trước đó, ở thời điểm tháng 7/2021, dù UBND tỉnh và ngành chức năng đã ban hành tới 29 văn bản chỉ đạo triển khai công tác chống khai thác IUU, tuy nhiên việc chỉ đạo triển khai thực hiện ở các địa phương trong tỉnh đến thời điểm đó được đánh giá chưa quyết liệt; tình trạng tàu cá vi phạm pháp luật về khai thác thủy sản, đặc biệt là vi phạm quy định về chống khai thác IUU vẫn còn diễn ra khá phổ biến.
Một số chủ tàu, thuyền trưởng mặc dù đã được tuyên truyền nhưng vẫn cố tình vi phạm pháp luật về khai thác thủy sản.
Tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình chưa đạt theo lộ trình quy định; việc duy trì vận hành thiết bị giám sát hành trình của một số chủ tàu, thuyền trưởng còn nhiều hạn chế, nhiều tàu còn tùy tiện tắt thiết bị giám sát hành trình.
Công tác khai thác, vận hành xử lý tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài trên hệ thống giám sát tàu cá còn chậm trễ.
Việc cấp giấy phép khai thác thủy sản, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm tàu cá, nhập thông tin tàu cá lên hệ thống Vnfishbase chưa đạt 100%.
Đa số tàu cá hoạt động vùng khơi không vào cảng cá chỉ định do Bộ NN&PTNT công bố để bốc dỡ thủy sản.
Địa bàn tỉnh chỉ có 2 cảng cá, trong khi xuất hiện nhiều bến cá tự phát dẫn đến khó khăn trong kiểm soát tàu xuất, nhập bến.
Trong khi đó, công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm chủ yếu dựa vào lực lượng Bộ đội Biên phòng. Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động chưa hiệu quả, chưa xử lý được trường hợp tàu cá vi phạm do cán bộ của Văn phòng đại diện làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, nguồn kinh phí hạn hẹp. Lực lượng Biên phòng phối hợp tại Văn phòng đại diện tại Cảng cá Ninh Cơ chưa thường xuyên…
Tháng cao điểm xử lý vi phạm
Để giải quyết các tồn tại, hạn chế trên, trước khi Đoàn thanh tra của EC về làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo các sở ngành, địa phương liên quan của tỉnh thực hiện nhiều biện pháp cả trước mắt và lâu dài.
Trong đó, ngoài các công việc chuẩn bị cho cuộc làm việc với Đoàn thanh tra của EC, Sở NN&PTNT tỉnh chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các đoàn đi kiểm tra trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; chủ trì tham mưu thành lập lực lượng kiểm ngư địa phương theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và Thủ tướng Chính phủ; bố trí tàu Kiểm ngư phối hợp với tàu của Bộ đội Biên phòng thường xuyên neo đậu tại các cửa sông để ngăn chặn các tàu vi phạm không cho ra khơi.
Đối với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo từ nay đến hết tháng 10/2022, tập trung cao điểm để chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT đưa tàu neo đậu chốt chặn 24/24h tại các cửa sông trên địa bàn tỉnh để kiểm tra, ngăn chặn, phát hiện các lỗi vi phạm về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; kiểm soát chặt chẽ việc xuất nhập bến của tàu cá, kiên quyết không cho ra khơi những tàu không đảm bảo đủ điều kiện theo quy định.
Đối với chính quyền các huyện nằm ven biển và có các cửa sông lớn như Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Trực Ninh, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu phải chỉ đạo khẩn trương rà soát các tàu cá mất kết nối trên địa bàn, hỗ trợ ngư dân liên hệ nộp cước phí, sửa chữa, bảo hành và yêu cầu các chủ tàu cá phải có tín hiệu trở lại, xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế tại địa phương và triển khai nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới. Chỉ đạo rà soát lại số tàu chưa lắp thiết bị giám sát hành trình, lập danh sách từng trường hợp, xác định nguyên nhân, vị trí tàu cá neo đậu.
“Khi đoàn thanh tra EC yêu cầu, phải phối hợp đưa đoàn kiểm tra xuống vị trí tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình”, thông báo nhấn mạnh.
“Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND phụ trách khối cấp huyện chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn”, thông báo dẫn lời Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh.
Trong thông báo, lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định cũng đề nghị Ban thường vụ, Bí thư cấp ủy các huyện, các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo hệ thống chính trị vào cuộc để xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tại địa phương.