Kinh tế

Gỡ vướng cho ngành dịch vụ

THANH GIANG 31/07/2024 09:05

Theo nhận định của các chuyên gia, ngành dịch vụ TPHCM đóng góp nhiều cho tổng sản phẩm (GRDP) của thành phố. Tuy nhiên, xét kỹ thì ngành này đang phát triển chưa xứng tầm, thời gian tới cần tháo gỡ những điểm nghẽn hiện tại.

anh-bai-tren(4).jpg
Logistics là một trong những ngành dịch vụ được TPHCM chú trọng phát triển. Ảnh: T.Giang.

Đóng góp nhiều

Cục Thống kê TPHCM phân tích, năm 2010 dịch vụ chiếm 57,5%, đến năm 2023 tăng lên 64,9%. Điều này chứng tỏ, TPHCM có đầy đủ điều kiện cần và đủ để phát triển thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TPHCM khẳng định, với vai trò một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, hàng năm, TPHCM đóng góp gần 25% nguồn thu ngân sách và gần 22% GRDP của quốc gia. Trong sự phát triển, ngành dịch vụ có vị trí quan trọng và tỷ trọng đóng góp cao. Đơn cử, thành phố đang là đầu mối trung chuyển và xuất nhập khẩu hàng hóa lớn của khu vực phía Nam với nhiều mặt hàng có tổng giá trị xuất khẩu lớn. Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm hơn 31% giá trị FDI cả nước trong năm 2023. Số liệu trên cho thấy, các nhà đầu tư tin tưởng vào tiềm năng phát triển của thành phố.

Đánh giá cao vai trò của ngành dịch vụ, UBND TPHCM khẳng định, trong hơn 10 năm qua, ngành dịch vụ luôn có tỷ trọng đóng góp cao trên 60% tổng sản phẩm trên địa bàn. Ngành dịch vụ của thành phố có những bước tiến đột phá, liên tục tăng dần qua từng năm. Chỉ tính riêng 9 ngành dịch vụ chủ yếu ở TPHCM, năm 2023 chiếm 59,6% trong GRDP, chiếm 90% trong khu vực dịch vụ. Mặc dù đánh giá cao vai trò của ngành dịch vụ trong phát triển chung, song TPHCM cũng nhận định ngành dịch vụ phát triển chưa xứng tầm, còn thiếu bền vững.

Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, cần tháo gỡ những bất cập về vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng, kết nối nội đô và các tỉnh – thành xung quanh. Theo ông Dũng, quá trình chuyển dịch sang các ngành dịch vụ có giá trị cao còn chậm so với khu vực. Trong đó, hạ tầng giao thông, logistics, kho bãi chậm phát triển, cạnh tranh của các ngành dịch vụ còn hạn chế.

Để ngành dịch vụ thật sự phát triển hiệu quả, khắc phục những hạn chế hiện tại, thành phố đặt mục tiêu xây dựng TPHCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với những ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại và có giá trị gia tăng cao. Yêu cầu đặt ra, các ngành phải đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế, sử dụng công nghệ hiện đại, lao động có trình độ kỹ thuật cao, phát triển theo hướng xanh hóa chung hiện nay.

Tồn tại cũng không ít

GS Nguyễn Trọng Hoài - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, cần tìm ra những ngành dịch vụ mang tính đột phá, tiềm năng theo xu hướng của khu vực và thế giới. Từ đó, đầu tư các nguồn lực để phát triển những ngành dịch vụ này.

“Trong chiến lược phát triển phải đặt trên nền tảng đổi mới sáng tạo chứ không dừng lại từng ngành riêng lẻ. Nên đưa ngành công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông và đổi mới sáng tạo lên hàng đầu. Đồng thời, phải có cơ chế mang tính đột phá hơn nhằm đẩy mạnh phát triển” - ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM nêu quan điểm.

Nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn ngành dịch vụ của TPHCM phát triển, tuy nhiên cần phải tháo gỡ những điểm nghẽn tồn tại. Đại diện Hiệp hội Logistics TPHCM cho rằng, thành phố là điểm tập kết hàng hóa lớn nhất cả nước với hơn 50% lượng hàng xuất nhập khẩu thông qua. Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối được đầu tư, có đầy đủ các phương thức vận tải đường bộ, đường thủy, đường biển, đường hàng không, đường sắt. Thế nhưng, vẫn còn một số khó khăn trong tăng cường chuỗi dịch vụ logistics cũng như các dịch vụ giá trị gia tăng vì vướng quy hoạch, chất lượng dịch vụ, chính sách...

TS Nguyễn Hoài Nam - Giám đốc Chương trình Luật kinh tế, Trường Đại học Hoa Sen TPHCM nhận định, thời gian qua nhà nước có những cải cách mạnh về điều kiện kinh doanh và môi trường đầu tư thông thoáng. Nhưng xét thực tế vẫn còn tồn tại nhiều quy định bất cập làm gia tăng chi phí sản xuất và tiêu hao nguồn lực của doanh nghiệp ngành dịch vụ. Ông Nam dẫn chứng, trong lĩnh vực xăng dầu, việc thiết kế hệ thống phân phối phụ thuộc lẫn nhau tác động đến thị trường bán lẻ xăng dầu. Hay, quy định doanh nghiệp kinh doanh taxi, vận tải theo hợp đồng phải đạt số lượng xe tối thiểu trong phương án kinh doanh được Sở Giao thông vận tải phê duyệt mới có thể hoạt động.

Theo ông Nam, phải vận dụng cơ chế “một luật sửa nhiều luật” đối với các vướng mắc, điểm nghẽn được làm rõ và phải có quy trình rút gọn để triển khai ngay. Song song đó là hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn hỗ trợ khác từ nhà nước.

Theo kế hoạch dự kiến, TPHCM tập trung phát triển 9 ngành dịch vụ như: tài chính, thương mại, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thông tin và truyền thông, y tế, giáo dục và đào tạo, du lịch, logistics, văn hóa, thể thao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ vướng cho ngành dịch vụ