Dù TPHCM ấn định thời gian thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố từ ngày 1/1/2024 theo Nghị quyết của HĐND thành phố. Thế nhưng, nhiều khu vực quận, huyện đều than khó triển khai khi việc thu phí gặp nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ.
Để chuẩn bị cho kế hoạch thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, UBND quận 1 đã triển khai việc sơn, kẻ vạch (màu vàng, bề rộng 2m) tại một số tuyến đường dự kiến thu phí như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Trãi (phường Bến Thành), Võ Văn Kiệt, Trần Hưng Đạo (phường Cầu Kho)... Không chỉ kẻ vạch, UBND quận 1 cũng tổ chức sửa chữa vỉa hè, đường sá để đáp ứng nhu cầu đi lại, sử dụng của người dân khi triển khai chính thức việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Ngoài quận 1, tại một số quận trung tâm TPHCM (quận 1, quận 3, quận 4, quận 5, quận 10, quận Phú Nhuận,...) được Sở GTVT thành phố dự kiến cho phép thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố cũng đã ra quân kiểm tra các tuyến đường để nhắc nhở hoặc xử lý vi phạm nếu các hàng quán để xe sai quy định. Việc này cũng được đông đảo người dân ủng hộ để có cơ sở cho việc kinh doanh, buôn bán lâu dài trên phần vỉa hè, lòng đường tại khu vực sinh sống.
Dù đã sẵn sàng cho việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, thế nhưng ngay thời điểm này, UBND TPHCM vẫn nhận được phản ánh của nhiều địa phương khi gặp một số vướng mắc về quy định pháp luật liên quan. Vướng mắc này buộc UBND thành phố phải vào cuộc và có văn bản đề nghị các Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Bộ Tài chính hỗ trợ hướng dẫn.
Cụ thể, UBND TPHCM nêu bất cập, hiện nay lòng đường, hè phố thuộc tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong khi, phương thức khai thác sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố của thành phố (đã được HĐND thành phố thông qua bằng 1 Nghị quyết) lại chưa được quy định tại Luật Quản lý tài sản công và Nghị định số 33/2019 của Chính phủ. Bên cạnh đó, đối tượng đề nghị cấp phép khai thác sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố tại TPHCM chủ yếu là cá nhân và hộ gia đình, hộ kinh doanh. Do đó, đơn vị được giao quản lý lòng đường và hè phố có phải lập đề án khai thác trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện cấp phép và thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố hay không cũng chưa được làm rõ (về khía cạnh quy định pháp luật - PV).
Để kịp thời thực hiện việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, UBND TPHCM đề nghị các Bộ GTVT và Bộ Tài chính sớm hướng dẫn về phương thức khai thác và lập đề án khai thác khi thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Theo Nghị quyết số 15/2023 đã được HĐND TPHCM thông qua, TPHCM áp dụng quy định mới về quản lý lòng đường, hè phố từ ngày 1/1/2024, trong đó cho phép một số tuyến đường được sử dụng vỉa hè, lòng đường, với mức đóng phí từ 20.000 - 350.000 đồng/m2 (chia theo nhiều khu vực). Theo kế hoạch, TPHCM dự kiến có 6 trường hợp được sử dụng tạm vỉa hè và đóng phí, bao gồm: Điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; điểm trông, giữ xe có thu tiền dịch vụ trông giữ xe; tổ chức hoạt động văn hóa; điểm giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình...
Theo tính toán của đơn vị xây dựng đề án, dự kiến số phí thu được từ hoạt động này là hơn 1.500 tỷ đồng/năm. Số tiền này sẽ nộp vào ngân sách phục vụ hoạt động thu phí và công tác quản lý, bảo trì, khai thác lòng đường, hè phố. Chính vì vậy, việc tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến Nghị quyết về thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố được cả TPHCM và trung ương đặc biệt quan tâm và tập trung tháo gỡ.