Đó là cảm nhận chung của những người có mặt, tham quan cuộc trưng bày “Những kỷ vật đi cùng năm tháng” tại Bảo tàng tỉnh Nam Định sáng ngày 19/12.
Những kỷ vật gợi nhớ một thời đạn bom.
Đây là hoạt động trưng bày chuyên đề do Sở VH-TT&DL tỉnh Nam Định, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 29 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân...
Theo đó, gần 500 tài liệu, hiện vật đã được Bảo tàng tỉnh Nam Định trưng bày theo hai nhóm chủ đề chính, gồm trưng bày các kỷ vật kháng chiến (giai đoạn 1945-1975) và trưng bày bộ sưu tập những kỷ vật, hiện vật thời bao cấp (giai đoạn 1976-1986).
Các kỷ vật kháng chiến được trưng bày theo 4 nhóm: kỷ vật quân đội trang bị cho bộ đội; kỷ vật là đồ dùng cá nhân do người lính sáng tạo để phục vụ cuộc sống, sinh hoạt; nhóm kỷ vật là chiến lợi phẩm và nhóm kỷ vật người lính được tặng thưởng.
Nguồn kỷ vật trưng bày chủ yếu được lựa chọn từ 1.400 kỷ vật chiến tranh do ông Vũ Đình Lưu, cựu chiến binh, trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Thành Cổ (Quảng Trị), chủ nhân Bảo tàng kỷ vật chiến tranh hiến tặng Bảo tàng tỉnh Nam Định năm 2017. Ngoài ra là các hiện vật trong bộ sưu tập hiện vật kháng chiến, một số hiện vật của Bảo tàng tỉnh Nam Định, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Học sinh tham quan những kỷ vật chiến tranh.
Tham quan những kỷ vật chiến tranh, người xem được tận mắt thấy những chứng tích của lịch sử. Đó, đơn giản chỉ là những bộ quân phục đã bạc màu, đôi dép cao su đã mòn gót, cuốn nhật ký ám khói lửa chiến trường, những lá thư đã phai màu mực...
Tuy vậy, mỗi kỷ vật đều gắn liền với một câu chuyện cụ thể, giúp người xem hiểu thêm về thực tế cuộc sống nơi chiến trường, sự gian khổ, hy sinh những người lính đã trải qua trong các cuộc chiến tranh vệ quốc; thấy được sự sáng tạo, tinh thần lạc quan, tình yêu gia đình, yêu quê hương đất nước, tình cảm đồng chí, đồng đội, lý tưởng, trách nhiệm của người thanh niên trước vận mệnh của Tổ quốc.
Trong khi đó, bộ sưu tập những kỷ vật, hiện vật thời bao cấp, được các nhà làm công tác bảo tàng trưng bày theo lối sắp đặt, sử dụng đồng thời các hiện vật gốc kết hợp với tài liệu khoa học bổ trợ, tập trung tái hiện không gian thực hiện chế độ phân phối của nhà nước và không gian sinh hoạt của một gia đình trong căn hộ tập thể... giúp nhiều người xem nhớ lại một thời kỳ khó khăn, thiếu thốn sau chiến tranh, thời kỳ nền kinh tế được sản xuất theo kế hoạch, các nhu cầu cơ bản của cuọc sống được thực hiện theo chế độ phân phối.
Cuộc sống thời bao cấp khó khăn, thiếu thốn.
Dịp này, Bảo tàng tỉnh Nam Định cũng dành không gian để trưng bày tôn vinh Bảo tàng kỷ vật chiến tranh, tôn vinh cá nhân ông Vũ Đình Lưu người đã có công sưu tầm, lưu giữ 1.400 kỷ vật chiến tranh và năm 2017 đã hiến tặng lại cho Bảo tàng tỉnh Nam Định.
Theo ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định, các chủ đề, không gian trưng bày cùng hướng đến mục đích giúp người xem, nhất là thế hệ trẻ hiểu thêm về một thời hào hùng, bi tráng của dân tộc Việt Nam; sự gian lao, mất mát, hy sinh nhưng cũng đầy nghị lực, tinh thần lạc quan của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến và thời kỳ đầu hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước...
Tại phiên khai mạc, công tác tổ chức trưng bày của Bảo tàng tỉnh Nam Định được cả giới chuyên môn và người xem ghi nhận, đánh giá cao vì sự chuẩn bị công phu, sự đổi mới, nhất là việc Bảo tàng đã kết hợp hiện vật gốc với thiết kế đồ họa, xử lý linh hoạt trong trưng bày giữa hiện vật đơn lẻ, nhóm hiện vật vàmô phỏng không gian để trưng bày theo phương pháp sắp đặt, giúp người xem liên tưởng nhanh đến các sự vật...