Gói thầu sửa chữa Cầu Hiền Lương: Có nguy cơ chậm tiến độ

Bình Minh 21/04/2023 12:57

Từ đầu năm 2023 đến nay, Ban quản lý dự án 4 của Cục đường bộ đã tổ chức đấu thầu và có kết qủa trúng thầu của hàng chục gói thầu. Tuy nhiên, hiện nay gói thầu dự án Sửa chữa cầu Hiền Lương Km735+125, Quốc lộ 1, tỉnh Quảng Trị vừa được công bố đã có nguy cơ chậm tiến độ.

Gói thầu số 2: Thi công xây dựng, dự án Sửa chữa cầu Hiền Lương Km735+125, Quốc lộ 1, tỉnh Quảng Trị được trao cho nhà thầu Liên danh Công ty Cổ phần SBTECH và Công ty TNHH Xây dựng Thống Nhất, giá dự toán của gói thầu là 7.255.493.000 VND, giá trúng thầu 6.884.614.823 VND.

Nhà thầu trượt thầu là Liên danh Công ty Cổ phần Thương Mại, Tư vấn và Xây dựng Vĩnh Hưng - Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tín Thịnh, lý do trượt là nhà thầu xếp hạng thứ 2. Ngày công bố kết quả mở thầu là 5/3/2023, thời gian thực hiện gói thầu là 120 ngày.

Trong hồ sơ mời thầu, bên mời thầu nêu rõ: thay thế toàn bộ gối cầu hiện trạng bằng gối cầu có xuất xứ từ các nước trong nhóm các nước có nền kinh tế phát triển G7. Căn cứ theo quy định tại Khoản 7 Điều 12 Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu có quy định như sau: "Hồ sơ mời thầu không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa".

Chính phủ chưa có ban hành văn bản nào hướng dẫn cụ thể cho trường hợp hàng hoá có xuất xứ từ các nước trong nhóm các nước có nền kinh tế phát triển G7, như vậy rất khó xác định khái niệm xuất xứ tại khoản 7 này là chỉ chính xác một quốc gia hay rộng hơn là giới hạn một khu vực nào đó.

Vậy nên việc bắt buộc nhà thầu thay thế toàn bộ gối cầu hiện trạng bằng gối cầu có xuất xứ từ các nước trong nhóm các nước có nền kinh tế phát triển G7 khiến một số nhà thầu cho rằng đây là tiêu chí làm hạn chế nhà thầu, làm giảm tính cạnh tranh.

Ngoài tiêu chí gối cầu có xuất xứ từ các nước trong nhóm các nước có nền kinh tế phát triển G7 gây tranh cãi thì thời gian 120 ngày thực hiện dự án cũng khiến không ít người hoài nghi về tính khả thi của dự án.

“Việc nhập gối cầu có xuất xứ từ các nước trong nhóm các nước có nền kinh tế phát triển G7 không thể thực hiện ngày một ngày hai, chưa kể thời gian thi công, vậy nên việc gói thầu gói gọn trong 120 ngày tôi cho rằng chưa đánh giá đúng tình hình thực tiễn, khó khả thi, nguy cơ gói thầu bị chậm tiến độ là rất cao. Bên mời thầu cần xem xét lại các yêu cầu của hồ sơ mời thầu hoặc phải có giải pháp khác dự phòng để đảm bảo tiến độ thi công của dự án” - chuyên gia về xuất nhập khẩu Đinh Thanh Loan bày tỏ nhận định.

Liên quan đến sai sót trong Hồ sơ mời thầu, TS. Nguyễn Việt Hùng - nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phân tích với báo chí, những sai sót trong khâu lập HSMT có thể là do cố tình hoặc do nhận thức, trình độ hạn chế của cán bộ lập HSMT. Tuy nhiên, từ lúc HSMT được lập đến khi phát hành là cả một “quy trình” thẩm định, phê duyệt HSMT, nên để xảy ra tình trạng HSMT có nhiều sai sót là trách nhiệm của cả đơn vị thẩm định HSMT, của chủ đầu tư - cấp phê duyệt HSMT.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gói thầu sửa chữa Cầu Hiền Lương: Có nguy cơ chậm tiến độ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO