Nhiều người vay gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng để mua nhà thu nhập thấp đang hốt hoảng khi được biết thông tin, từ ngày 1/6/2016, những người mua nhà thu nhập thấp khi vay gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ sẽ phải trả lãi suất áp dụng theo thị trường do khách hàng và ngân hàng tự thỏa thuận.
Nhiều người vay gói 30.000 tỷ hoang mang
khi sẽ phải trả mức lãi suất theo lãi suất của thị trường sau ngày 1/6.
Tin “sét đánh”
Đó là cảm giác của chị Nguyễn Phương Lan, một người mua nhà ở thu nhập thấp được vay gói hỗ trợ 30.000 tỷ tại Gia Lâm (Hà Nội) khi nghe thông tin kể trên. Chị Lan cho biết, hai vợ chồng phải chạy lên chạy xuống mãi mới có đủ điều kiện để vay gói 30.000 tỷ, tưởng sắp mua được một căn nhà đúng như mơ ước bấy lâu nay với chi phí không quá cao, lãi suất thấp mà với mức lương của hai vợ chồng có thể cáng được, ai dè, thông tin mới nghe được khiến hai vợ chồng chị như nghe “sét đánh ngang tai”. Theo hợp đồng ký kết với chủ đầu tư, phải đến tháng 6/2017, gia đình chị Phương Lan mới được nhận nhà. Như vậy, với quy định từ tháng 6-2016, người vay gói 30.000 tỷ phải trả mức lãi suất theo mức thị trường có nghĩa, chỉ còn cách bóp mồm bóp miệng, nhịn ăn mà lo giải lãi. “Khi ký hợp đồng với chủ đầu tư, tôi không hề biết có quy định này. Lúc nghe tư vấn của chủ đầu tư để mua nhà, họ nói mua căn hộ của dự án sẽ được vay gói 30.000 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi cố định 5%/năm trong suốt 15 năm. Vậy là đặt bút ký ngay. Ai dè…” - chị Lan than thở.
Không rơi vào tình trạng bi đát như chị Phương Lan, nhưng anh Trần Trung Kiên, ở khu chung cư Linh Đàm (Hà Nội) cũng khá bất ngờ khi nghe về thông tin nói trên. Anh Kiên cho biết, anh vay được gói 30.000 tỷ từ năm 2014 để mua nhà thì năm 2015 nhận được nhà nên may mắn không bị áp dụng mức lãi suất theo mức thị trường như quy định của Ngân hàng nhà nước.
Tuy nhiên, theo phản ảnh của anh Kiên, anh cũng như hầu hết những khách hàng khác khi vay gói 30.000 tỷ đều không hề biết trong hợp đồng có quy định nói trên. “Bản hợp đồng dày tới cả chục trang, khi nghe nhân viên bán hàng tư vấn là vay gói này chỉ phải trả lãi 5% và đây là mức lãi suất ưu đãi cố định trong suốt thời gian vay nên tôi ưng luôn. Đâu có ai biết là sẽ có mức thay đổi lãi suất kể từ thời điểm tháng 6 tới trở đi” – anh Kiên cho hay.
Căn bệnh “mập mờ, thiếu minh bạch”
Thực tế, quy định nói trên không phải mới phát sinh. Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, quy định này đã được đưa ra tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013. Cụ thể, “Việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở của ngân hàng đối với khách hàng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN kết thúc khi NHNN giải ngân hết số tiền tái cấp vốn nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (1/6/2013)”. Và như vậy, phần dư nợ vay được giải ngân từ ngày 1/6/2016 trở về trước sẽ được áp dụng lãi suất vay vốn ưu đãi của gói 30.000 tỷ đồng, phần dư nợ vay giải ngân sau ngày 1/6/2015 áp dụng lãi suất vay thương mại thông thường do khách hàng và ngân hàng cho vay tự thỏa thuận. Điều đó cũng có nghĩa hết thời hạn ngày 1/6/2016 thì mức vay ưu đãi này cũng sẽ hết.
Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết chiều ngày 10/3, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, gói 30.000 tỷ đồng là đề xuất của Bộ Xây dựng trong việc đưa ra những ưu đãi cho người mua nhà thu nhập thấp, có nghĩa Bộ chỉ xây dựng chính sách còn khi tiền đã được đưa vào túi của ngân hàng thì quyết định việc giải ngân thế nào, quy định mức lãi suất ra sao… là do phía ngân hàng thực hiện.
Chia sẻ về vấn đề đang gây nóng dư luận đối với gói 30.000 tỷ, TS. Cấn Văn Lực- Cố vấn cao cấp cho Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV lý giải: “Nguyên do là ở người dân đã rất sơ suất khi không xem xét kỹ hợp đồng, còn phía chủ đầu tư thì cũng mập mờ không nói rõ khi tư vấn cho khách hàng. Quy định đã có ngay từ đầu, không phải là mới nảy sinh. Đáng lẽ, người dân khi mua nhà cần phải đọc thật kỹ, hỏi thật kỹ về hợp đồng” - TS Cấn Văn Lực nhìn nhận. Theo ông Lực, đây là “căn bệnh chung” mà nhiều người dân vẫn mắc phải trong nhiều lĩnh vực, và cần phải coi đó là bài học kinh nghiệm để tránh những hệ lụy có thể xảy ra chỉ vì quá chủ quan, thiếu sự cẩn thận khi giao dịch với các chủ đầu tư. Về phía chủ đầu tư, cũng thiếu sự minh bạch, đáng lẽ phải nói rõ các quy định trong hợp đồng nhưng hầu như không chủ đầu tư nào làm thế.
Chỉ người dân là thiệt
Bởi vậy, theo TS Cấn Văn Lực, việc kéo dài hoặc giải ngân hết gói 30.000 tỷ đồng không quy định thời gian kết thúc là điều không thể. Vì nếu kéo dài cho những hợp đồng chưa giải ngân rất có thể xảy ra tình trạng lật lại hồ sơ, dễ phát sinh nhiều tiêu cực. “Cách duy nhất hiện nay đối với các khách hàng là họ cần đàm phán với ngân hàng và chủ đầu tư để được hưởng một mức lãi suất hợp lý” - TS Lực chia sẻ.
Nói về gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng thời gian qua, TS Lực cho rằng, thực sự gói này đã góp phần phục hồi lại thị trường bất động sản, giúp cho nhiều người nghèo có cơ hội mua được nhà, đó là những điểm tích cực. Tuy nhiên, cũng đã đến lúc dừng và không nên kéo dài thêm nữa. Nếu có thể, nhà quản lý nên mở ra một gói hỗ trợ khác tương tự như gói này để giúp cho nhiều người nghèo có thể mua được nhà trong thời gian tới, vì nhu cầu về nhà ở hiện vẫn đang rất lớn. “Tuy nhiên, tôi cho rằng, gói 30.000 tỷ mới làm lần đầu nên còn mắc nhiều sai sót bất cập, nếu nhà quản lý đưa ra gói mới thì cần tránh được những thiếu sót đã từng nảy sinh từ gói này để đạt được những thành công hơn, hiệu quả hơn”- ông Lực đề xuất.
Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, kiểu cho vay mua bất động sản với lãi suất không cố định không khác gì đánh đố người vay. “Lúc đầu đánh tiếng là lãi suất thấp, rồi về sau thả nổi, chính sách cho người thu nhập thấp mà như vậy là không hợp tình hợp lý, và suy cho cùng gánh nặng lại đổ hết lên đầu dân”- một chuyên gia kinh tế bày tỏ.
Trong dư luận xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù một phần do người dân sơ suất không đọc kỹ hợp đồng, song rõ ràng ở đây một lần nữa cho thấy sự mập mờ của thị trường, thiếu minh bạch của chủ đầu tư và cả các ngân hàng thực hiện cũng không rõ ràng. Và cuối cùng chỉ có người dân là chịu thiệt thòi nhất.