Ngày 14/9, tại hội nghị góp ý đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) của các Hội đồng tư vấn và tổ chức thành viên do Ủy ban TW MTTQ Việt Nam tổ chức, hầu hết đại biểu đều khẳng định, Luật Hình sự đã có hơi thở mới, tư tưởng mới và đổi mới nhiều nội dung nhằm đảm bảo quyền con người. Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha chủ trì hội nghị.
Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha phát biểu tại buổi góp ý.
Nên giảm thiểu án phạt tử hình
Các đại biểu dự Hội nghị cho rằng dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã đề xuất những quy định mới nhằm phù hợp với xu thế chung của thế giới, với xu hướng nhân đạo, dân chủ, tiến bộ. Tuy nhiên, cần xem xét thận trọng những quy định này để phù hợp với bối cảnh của đất nước cũng như bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, giữ gìn trật tự xã hội.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam nhận định: Trước hết, cần nhìn nhận gốc của vấn đề này. Trên thế giới có xu hướng chung là giảm, bỏ án tử hình. Việt Nam đã tham gia nhiều Công ước Quốc tế liên quan đến quyền con người và cam kết thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, trong đó, nghĩa vụ bảo vệ quyền con người là một vấn đề lớn của quốc gia. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy việc duy trì án tử hình không làm giảm vấn đề tội phạm.
“Thực tế, nhiều nước bỏ án tử hình mà tình hình tội phạm giảm, một số nước duy trì án tử hình nhưng tội phạm lại không giảm… là những điểm cần hết sức chú ý”, Luật sư Huỳnh nhấn mạnh và khẳng định: Cần phải tăng cường tính chủ động, tích cực của xã hội trong việc giáo dục đạo đức, văn hóa, nhân phẩm con người, đồng thời tổ chức các điều kiện xã hội đề người dân có thể sống, làm việc tốt hơn…
Với tư cách là người tham gia giảng dạy về các vấn đề nhân quyền, Hiến pháp, ông Nguyễn Đăng Dung, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội ủng hộ việc giảm thiểu án tử hình bởi lẽ tử hình mà làm sai thì không biết làm thế nào để hoàn trả tính mạng cho người ta.
“Hiện nay oan sai của chúng ta còn khá nhiều. Vấn đề mấu chốt ở đây là làm thế nào để hồi lại tài sản, hành vi tội phạm mà người đó đã phạm phải. Chúng ta tử hình hàng loạt tội phạm ma túy nhưng tại sao tội phạm vẫn tăng. Vì thế, không phải cứ tử hình thì tội phạm mới giảm” - ông Nguyễn Đăng Dung khẳng định.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa – Xã hội cho rằng: Đối với những người mắc tội tử hình nhưng có thể khắc phục được hậu quả, tích cực hợp tác với Nhà nước, có thể xem xét giảm hình phạt xuống chung thân. Việc sửa đổi này mang tính nhân văn, góp phần thu hồi được tài sản thất thoát của Nhà nước và của nhân dân.
Khẳng định dự thảo Bộ Luật Hình sự đã có “hơi thở mới, tư tưởng mới và đổi mới nhiều nội dung”, tuy nhiên theo ông Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm HĐTV về Dân chủ - Pháp luật, đây là bộ luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân nên cần phải xem xét, rà soát, tổng kết cho đầy đủ hơn. Đặc biệt về tội tử hình cũng cần phải tiếp tục tổng kết một số điểm, có tính thuyết phục hơn.
Cần tăng cường giáo dục phòng ngừa
Góp ý về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên, ông Nguyễn Văn Chương, Phó Ban Pháp luật, Hội Cựu chiến binh Việt Nam cho rằng, Dự thảo Luật cần làm rõ những tội phạm cụ thể mà người chưa thành niên từ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự.
“Quy định này không rõ ràng, minh bạch nên bản thân các em không thể hoặc khó biết được chính xác khi nào hành vi bị coi là tội phạm. Điều này dẫn đến công tác phòng ngừa không đạt hiệu quả” - ông Chương nói.
Theo ông Chương nhiều em phạm tội là do người lớn xúi giục, lôi kéo, mua chuộc, đe dọa. Vì vậy, việc xử lý hình sự đối với trẻ vị thành niên trong những trường hợp này có phần quá nghiêm khắc, ít có tác dụng giáo dục, phòng ngừa, giúp các em nhận ra và sửa chữa lỗi lầm của bản thân.
Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Ban Chính sách pháp luật, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cần có quy định cụ thể để bảo đảm quyền lợi chính đáng và sự công bằng hai bên giữa người phạm tội vị thành niên và nạn nhân vị thành niên.
“Đối với trẻ em phạm tội, cần tăng cường các biện pháp giáo dục phòng ngừa hơn là chính sách xử lý hình sự vì thực tế, việc xử lý hình sự nhiều khi không có tác dụng so với các biện pháp khác trong thực tiễn” - bà Dung khẳng định.
Xây dựng bản báo cáo chất lượng
Sau một ngày làm việc khẩn trương, ngoài 8 vấn đề lớn mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, các đại biểu cũng đã tập trung góp ý nhiều vấn đề khác liên quan đến các điều cụ thể cũng như liên quan đến kỹ thuật lập pháp.
Các hội nghị này được tổ chức nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kế hoạch của Ủy ban TW MTTQ Việt Nam về việc lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Bộ Luật Hình sự sửa đổi. Ủy ban TW MTTQ Việt Nam đã triển khai sâu rộng tới các tổ chức thành viên của Mặt trận và Ủy ban MTTQ các địa phương.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha, hiện nay, các tổ chức thành viên và các địa phương đang tiến hành lấy ý kiến góp ý và nhiều nơi đã gửi về Ban Thường trực Ủy ban TW MTTQ Việt Nam.
“Tại hội nghị này, các đại biểu đã tán thành rất cao việc bổ sung, sửa đổi Luật lần này đã cụ thể hóa sâu sắc các chủ trương, quan điểm của Đảng theo tinh thần Nghị quyết 47, Nghị quyết 49 đồng thời cụ thể hóa những điểm mới cơ bản của Hiến pháp 2013, đặc biệt là quyền con người. Nhiều ý kiến đã được chuẩn bị rất kỹ từ lý luận cho đến thực tiễn liên quan đến chuyên môn của mỗi người, liên quan đến chức năng nhiệm vụ của mỗi tổ chức. Đây là những thông tin quý giá để Mặt trận có bản báo cáo chất lượng nhất gửi tới các cơ quan soạn thảo” - Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha khẳng định.
Không bỏ án tử hình với các tội phạm nguy hiểm Liên quan đến việc hạn chế hình phạt tử hình, ông Nguyễn Minh Đức, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao nhận định việc loại bỏ hình phạt tử hình đối với một số loại tội phạm là cần thiết, nhằm thể chế hóa yêu cầu của Nghị quyết 49-NQ/TW và Hiến pháp năm 2013 “Mọi người có quyền sống”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Đức cũng cho rằng không nên bỏ án phạt tử hình đối với các tội đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh... Đồng tình với ý kiến trên, bà Trần Thị Vân Anh, Vụ Pháp chế, Hội Nông dân Việt Nam cũng đề nghị giữ nguyên án tử hình đối với hành vi phạm tội, tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy quy định tại điều 194 của Bộ Luật hình sự hiện hành, bởi đây là tội phạm nguy hiểm, hậu quả của nó gây tác hại cho sức khỏe, làm suy thoái giống nòi, phẩm giá con người, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia. |