Viên chức càng cao mà phạm tội thì hậu quả xảy ra lớn hơn viên chức cấp thấp và dân thường. Do vậy hình phạt phải có tính răn đe riêng và phòng ngừa chung.
Các nhà hoạch định chính sách hình sự thường chia chủ thể tội phạm thành ba loại: Dân thường, quan chức và kẻ thù. Trong lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam, dưới thời kỳ phong kiến, Vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đã có chính sách hình sự rất thành công đối với việc bài trừ vấn nạn quan chức phạm tội.
Với quan điểm: “Quan có đức có tài thì nước thịnh, quan kém tài, kém đức là thềm bậc dẫn đến họa loạn, hoặc trăm quan là nguồn gốc của trị, loạn”, ông không chấp nhận quan điểm: “Quan thì xử theo lễ, còn hình là để cho dân”.
Bộ luật Hồng Đức (BLHĐ) gồm 722 điều, trong đó có 49 điều thuộc về nguyên tắc chung và 673 điều quy định về các tội phạm cụ thể. Trong số 673 điều cụ thể, có đến 172 điều chiếm 25% quy định về các tội phạm của quan lại và các nhà quyền quý. Điều này chứng tỏ Vua Lê Thánh Tông tuy rất tin tưởng, trọng đãi quan lại, nhưng mặt khác ông vẫn coi quan lại là một loại chủ thể cần đặc biệt lưu tâm trong đấu tranh phòng chống tội phạm.
Về mặt kỹ thuật lập pháp, các tội phạm của quan chức và người quyền quý, BLHĐ không gộp chung lại trong một chương: “Các tội phạm về chức vụ với những tội danh như: “làm trái, chính sách, chế độ; tội lạm dụng; lợi dụng chức vụ quyền hạn; lạm quyền; tội thiếu trách nhiệm v.v…”.
Trong BLHĐ các tội của quan chức được quy định trong tất cả các chương, gồm 172 điều, với nội dung rất rõ ràng. Ví dụ, Điều 284 BLHĐ quy định: “Các quan ty làm việc ở ngoài nếu không biết làm việc lợi; trừ việc hại để dân trăm họ phải phiêu bạt đi nơi khác, hộ khẩu bị hao hụt và có trộm cướp tụ họp ở trong hạt thì xử tội bãi chức hay tội đồ; nếu không bắt trộm cướp và không tâu trình thì phải xử tăng tội thêm một bậc. Nếu có phản nghịch ẩn nấp trong hạt mà không tâu hoặc truy bắt, thì bị tội nhẹ hơn tội phản nghịch một bậc”.
Điều 572 BLHĐ quy định: “Những phu thợ đang làm việc, những quân lính đang ở trại hoặc theo quân đội ra đánh giặc, hoặc theo hầu xa giá, hay sai đi việc quan, khi có bệnh tật mà quan chủ ty không xin cấp thuốc thang cứu chữa thì xử phạt 40 roi; nếu vì ốm mà chết thì xử phạt 80 trượng.”
Với kỹ thuật lập pháp cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng, các quan tòa dưới thời Vua Lê Thánh Tông không phải viện dẫn thêm bất cứ điều luật nào khác để ra phán quyết. Với hình thức “luật khung” và “quy định viện dẫn”, các cán bộ tư pháp ngày nay vấp phải tình trạng phải viện dẫn nhiều văn bản luật, nhiều điều luật khác mới có thể có được căn cứ pháp lý để ra phán quyết. Khi có sự xung đột pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo trong các văn bản pháp luật viện dẫn thì việc áp dụng luật càng khó hơn.
Chính sách hình sự đối với quan chức của vua Lê Thánh Tông là một trong những nguyên nhân giúp ông đào tạo, bồi dưỡng được đội ngũ quan lại mẫn cán, có đức, có tài và đưa Vương quốc Đại Việt đến cực thịnh.
Dự thảo Bộ luật hình sự mới được soạn thảo sau khi Hiến pháp 2013 ra đời. Tuy chưa thật trọn vẹn, nhưng việc bảo vệ quyền con người và quyền công dân đã được quan tâm nhiều hơn như việc cân nhắc phạm vi các tội phải áp dụng hình phạt tử hình, về giảm nhẹ hình phạt đối với người phạm tội là người già, phụ nữ có thai, trẻ em chưa đến tuổi trưởng thành. Nhưng chính sách hình sự đối với quan chức, đảng viên phạm tội thì Dự thảo Bộ luật Hình sự chưa phản ảnh được đặc điểm của tình hình mới.
Trong thời chiến tranh, việc mang danh hiệu Đảng viên và viên chức Nhà nước là để cứu nước, cứu dân. Trong thời bình, có quyền, có chức trở thành con đường tiến thân nhanh nhất, sớm thu được lợi lộc nhất. Phương pháp thủ đoạn phạm tội của quan chức theo đó mà diễn ra với muôn hình vạn trạng. Trong tất cả các lĩnh vực hoạt động quản lý xã hội của nhà nước đều có xảy ra các hành vi phạm tội của quan chức. Bộ luật Hình sự sẽ có những quy định như thế nào để đối phó với nạn tham nhũng vặt và làm cách nào để thu hồi tài sản những vụ tham ô lớn.
Đã đến lúc phải đúc kết để tìm ra nguyên nhân, hình thức, thủ đoạn phạm tội trong thời kinh tế thị trường để xác định thật rõ các tội danh. Bộ luật Hình sự không nên dùng “Kẻ nào”để gọi các chủ thể phạm tội. Với viên chức thì chỉ rõ chức vụ của chủ thể mà không gọi là “Kẻ nào”. Ví dụ: Viên chức tư pháp dùng nhục hình đối với bị cáo, hoặc Viên chức ngân hàng thông đồng với bên vay tiền của ngân hàng để nhận lại quả..v.v…”.
Với người dân cũng quy định rõ: “Người chăn nuôi, trồng trọt dùng các chất độc hại đã có lệnh nghiêm cấm sử dụng v.v…”. Về quan điểm, Bộ luật Hình sự mới phải thể hiện rõ quan điểm của Đảng cho rằng “Thoái hóa biến chất” là một trong bốn nguy cơ đối với chế độ.
Viên chức càng cao mà phạm tội thì hậu quả xảy ra lớn hơn viên chức cấp thấp và dân thường. Do vậy hình phạt phải có tính răn đe riêng và phòng ngừa chung. Hy vọng rằng Bộ luật Hình sự mới phải là sự tổng kết xúc tích của quá khứ đấu tranh phòng chống tội phạm ở Việt Nam nói chung và đối với quan chức nói riêng.