Ngày 16/5, tại Hà Nội, Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người tổ chức cuộc họp bàn về các nội dung chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Tại cuộc họp, các chuyên gia giáo dục đã có những nhận xét, góp ý thẳng thắn cho chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến.
Ảnh minh họa.
Băn khoăn tính khả thi
Đại diện Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người chia sẻ: Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nhìn chung đã bám sát tinh thần Nghị quyết trung ương Đảng, đã chuyển hướng nặng về kiến thức sang truyền thụ kỹ năng. Thứ hai là đã có định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ những năm cuối cấp khá rõ.
Qua các ý kiến góp ý từ các thành viên, Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người băn khoăn nhất là tính khả thi khi thực hiện chương trình. Bởi điều kiện để triển khai là rất khó.
Theo Hiệp hội, lực lượng quan trọng hàng đầu là đội ngũ giáo viên, nhưng phần này nói rất ít và việc tập huấn chưa có điều kiện thực hiện. Thứ hai là đội ngũ cán bộ quản lý, trừ đội ngũ soạn chương trình có thể nắm rõ nội dung ra, thì đội ngũ các “sĩ quan” đầu trường ở các địa phương, các giáo viên thì lại nắm chưa chắc.
GS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục, phát triển tiềm năng con người nêu ý kiến: Về phần nêu các phẩm chất, năng lực của học sinh trong chương trình mới đưa ra có vẻ chưa đầy đủ phẩm chất của một con người.
Các phẩm chất nêu ra là “Yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm” còn quá chung chung, gây khó khăn cho gia đình góp sức cùng nhà trường làm nên các phẩm chất đó.
Ví dụ như cụm từ “chăm học, chăm làm” có vẻ không đúng lắm, còn theo khẩu hiệu. GS Kỳ Anh cho rằng nên thay đổi là yêu học tập, hay say sưa học tập. Bởi vì học sinh có thích học, yêu học tập mới sáng tạo được. Yêu học tập cũng có nghĩa để cho đứa trẻ học có mục đích, do đứa trẻ tự quyết định…
Các chuyên gia tại hội thảo cũng đồng tình và đề xuất nên bổ sung thêm những cụm từ phù hợp, dễ hiểu để Ban soạn thảo cân nhắc. Theo Hiệp hội, nội dung phẩm chất năng lực cần được thiết kế sao cho dễ nhớ, dễ làm và đo được.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục, Chủ tịch Hội tâm lý học HN cũng nêu quan điểm: Cần làm rõ quyền và trách nhiệm của người học, người dạy, người làm quản lý và các bên tham gia.
Trong chương trình mới hiện nay còn quá sơ sài.Thứ hai, hình thức đánh giá phải như thế nào để khuyến khích học tập, giúp học sinh phát triển lên chứ không phải đánh giá theo kiểu người trên đánh giá người dưới…
Việc đánh giá này vừa là quyền vừa là trách nhiệm, vì thế hình thức đánh giá cũng phải thay đổi, theo những phẩm chất năng lực nào, ví dụ mỗi kỳ có nhận xét về các mặt như có tinh thần giúp đỡ bạn hay không…
Vẫn cứng nhắc
Tiếp tục góp ý kiến cho Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD&ĐT, bà Tô Kim Liên - Giám đốc Trung tâm giáo dục và phát triển, có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển, quản trị giáo dục chia sẻ: Băn khoăn lớn nhất trong dự thảo chương trình mới là không ghi rõ lộ trình thực hiện. Nếu có rõ hơn lộ trình bắt đầu từ năm 2018 sẽ thực hiện ở đâu, lớp nào… và ưu tiên thay đổi cái gì trước thì sẽ dễ hiểu hơn, yên tâm hơn. “Rõ ràng thay đổi theo chương trình mới phải thay đổi giáo viên. Nhưng trong chương trình mới không thấy nói đến lộ trình này” - bà Liên nói.
Bà cũng chia sẻ thêm rằng: Quan điểm xây dựng chương trình theo hướng “mở” nhưng trong chương trình thì không thấy “mở” lắm, vẫn thấy theo hướng cũ, ra chương trình cứng nhắc. Trong khi ở các nước rất rõ ràng.
Quan trọng nữa là đưa vào chương trình thời lượng học trải nghiệm sáng tạo rất nhiều, nhưng lại đề cập nó như một môn học riêng biệt. Nếu là trải nghiệm sáng tạo thì môn học nào cũng cần. Chương trình mới có mở rộng để các nhà trường, giáo viên tự quyết định cho hoạt động này không? Nếu chương trình không đề cập rõ ràng thì sẽ thành hoạt động mà các nhà trường vẫn làm, đó là đưa học sinh đi tham quan cho đủ tiết…
Qua các ý kiến thảo luận, Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người nhất trí sẽ gửi lên Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể một bản kiến nghị.
Trong đó nhấn mạnh: Trải nhiệm sáng tạo không nên là một môn học. Mà trải nghiệm sáng tạo cần lồng ghép với tất cả các môn. Ví dụ môn Giáo dục công dân, tưởng là không cần trải nghiệm sáng tạo nhưng lại là môn rất cần. Môn Lịch sử, Mỹ thuật cũng vậy, cũng cần những giờ trải nghiệm thực tế. Nghĩa là, trải nghiệm sáng tạo chỉ nên là một phương thức giáo dục.
Đặc biệt, trong chương trình mới hiện nay còn thiếu điều rất quan trọng, đó là thiếu giáo dục ngôn ngữ cho người khuyết tật. Bởi theo Hiệp hội, muốn giáo dục phát triển bền vững thì phải có ba yếu tố: Chất lượng, hoà nhập và bình đẳng...