Trước tình trạng nhiều tài xế chạy xe GrabBike và GrabExpress phản đối việc công ty Grab tăng mức chiết khấu của 2 dịch vụ từ ngày 1/1/2018 lên 23,6% ở địa bàn TP HCM, đại diện Công ty Grab đã có phản hồi chính thức. Cụ thể, theo đơn vị này, mức tăng chiết khấu chỉ áp dụng cho các tài xế có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm bởi đây là thu nhập bắt buộc phải đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định của Nhà nước.
Đây là lần thứ 2 trong khoảng nửa năm, Công ty tăng mức chiết khấu các cuốc xe của tài xế khiến nhiều người cảm thấy không hợp lý và đưa ra một số cách để phản đối.
Trả lời chúng tôi, ông Nguyễn Trung Thành- giám đốc bộ phận GrabBike và GrabExpress cho biết, cho biết từ ngày 1/1, đơn vị thực hiện kê khai, thu hộ và nộp các nghĩa vụ thuế dựa trên tỉ lệ phần trăm trên doanh thu cho các đối tác tài xế GrabBike và GrabExpress.
Cụ thể, mức khấu trừ là 4,5% nghĩa vụ thuế (gồm 3% thuế GTGT và 1,5% thuế thu nhập cá nhân) trên 80% doanh thu tài xế nhận được, tương đương 3,6% tổng số tiền thu được. Ngoài ra, với các khoản phí hỗ trợ từ Grab Việt Nam dành cho đối tác căn cứ theo thành tích số chuyến xe hoặc doanh thu, đơn vị sẽ khấu trừ 1%. Còn đối với các khoản phí hỗ trợ khác không mang tính chất doanh thu, Grab Việt Nam khấu trừ thuế thu nhập cá nhân 10% trong bảng kê thanh toán.
Ông Thành lý giải năm 2016 và năm 2017, Grab Việt Nam nộp hộ và hoàn thành nghĩa vụ thuế cho đối tác tài xế 2 bánh là GrabBike và GrabExpress nhưng bắt đầu từ năm 2018 phải thực hiện theo quy định mới như trên. Đơn vị này cũng cho biết việc kê khai, thu hộ, nộp các nghĩa vụ thuế chỉ áp dụng cho tài xế GrabBike và GrabExpress có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm (tức khoảng 8,3 triệu đồng/tháng).
Theo một số chuyên gia, nghĩa vụ đóng thuế cá nhân với Nhà nước theo mức thu nhập là do từng cá nhân có nghĩa vụ thực hiện. Tuy nhiên, ở một số đơn vị đặc thù, nhằm tạo điều kiện và tránh thất thoát, các công ty, đối tác vẫn có thể thực hiện thay việc thu và nộp cho ngân sách, nếu có sự đồng ý hợp tác của cá nhân bị thu thuế.