GS.TS.KTS Doãn Minh Khôi: Khó chấp nhận 2 nhà hát trong một không gian chật hẹp

QUỲNH HOA (thực hiện) 12/07/2023 09:16

Hà Nội hiện có 20 nhà hát, chưa kể các rạp hát và các trung tâm văn hóa - nghệ thuật có chức năng hoạt động như nhà hát. Vậy chừng ấy địa điểm biểu diễn nghệ thuật đã là đủ phục vụ công chúng Thủ đô, hay cần xây dựng thêm nhà hát mới? GS.TS.KTS Doãn Minh Khôi - Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị (Trường ĐH Xây dựng Hà Nội) đã chia sẻ góc nhìn của mình.

PV: Thưa ông, hiện nay Hà Nội có cần xây dựng thêm những nhà hát mới?

GS.TS. KTS Doãn Minh Khôi.

GS.TS.KTS DOÃN MINH KHÔI: Hà Nội xây dựng thêm những nhà hát là một điều rất đáng khuyến khích. Việc xây dựng thêm các nhà hát với các trang bị hiện đại về hệ thống âm thanh, ánh sáng tiên tiến, sẽ góp phần đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật trong nước, thu hút khán thính giả lui tới nhà hát thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật.

Cùng với đó, nếu chúng ta xây dựng được những nhà hát có quy mô, tầm cỡ thì chắc chắn đó sẽ là nơi thu hút các đoàn nghệ thuật từ các quốc gia khác trên thế giới đến biểu diễn, giao lưu và cũng để các đoàn nghệ thuật Việt Nam có cơ hội được học hỏi, cọ xát trên “sân nhà”.

Song, chúng ta đều biết, chi phí đầu tư xây dựng một nhà hát đạt chất lượng chuẩn quốc tế là rất tốn kém. Ngay tại Việt Nam, ta có thể rút ra bài học từ những công trình có quy mô hoành tráng trên bản thiết kế, nhưng khi tiến hành thi công lại để dở dang, gây mất thẩm mỹ. Sau khi nhà hát hoàn thành và đi vào hoạt động, nhà quản lý cần chú ý lấy nguồn phí ở đâu để bảo trì, sửa chữa định kỳ hệ thống thiết bị phục vụ cho các buổi biểu diễn. Vì vậy, khi xây dựng cần phải cân nhắc đến nguồn tài chính. Không thể xây dựng ở giữa Thủ đô một nhà hát có chất lượng chưa đạt chuẩn với chi phí tiết kiệm, bởi điều này sẽ làm ảnh hưởng đến bộ mặt của đô thị.

Bên cạnh đó, nhà quản lý phải đảm bảo được nhà hát mới xây dựng phải được tổ chức biểu diễn, chào đón khán giả tới xem thường xuyên, tránh tình trạng xây lên mà không sử dụng hết công năng, gây lãng phí quỹ đất, cũng như ngân sách chi cho một công trình hoành tráng như vậy.

Vậy theo ông, bên cạnh cân nhắc nguồn tài chính, cần lưu tâm điều gì trong quy hoạch xây dựng các nhà hát mới?

- Khi đã có đủ khả năng tài chính để xây dựng nhà hát, nhà quản lý, nhà đầu tư cần lưu tâm đến vị trí xây dựng nhà hát. Mật độ dân cư cũng là yếu tố cần cân nhắc khi lựa chọn vị trí xây dựng nhà hát. Nhà hát cần cho các khu vực có đông dân cư nhưng việc xây dựng nhà hát phải căn cứ vào cấu trúc quy hoạch các khu dân cư để không làm phá vỡ cấu trúc hình thái nhất là tại những khu vực dân cư đã định hình.

Bất cứ nhà hát nào trên thế giới cũng cần chú ý đến những yếu tố cảnh quan như: Quảng trường phía trước, trục đô thị dẫn hướng… Nhà hát mới được xây dựng ở đâu cũng cần xem xét các yếu tố cần thiết đó. Gần đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất xây dựng Nhà hát Các dân tộc Việt Nam ở đằng sau Nhà hát Lớn Hà Nội, tôi cho rằng dự án này cần được xem xét lại.

Đặt tên là “Nhà hát Các dân tộc Việt Nam” thì chắc hẳn nhà hát ấy cần phải có không gian lớn để quảng bá được nét đẹp của một quốc gia đa dạng về các dân tộc như chúng ta. Nhà hát được xây dựng trong một vị trí chật chội như vậy sẽ không chỉ làm ảnh hưởng đến tổ chức công năng của chính bản thân nó, đồng thời, còn làm ảnh hưởng tới cảnh quan của Nhà hát Lớn, một công trình đã trở thành biểu tượng văn hóa của Hà Nội văn minh và thanh lịch. Khó có thể chấp nhận hai nhà hát chấp chới với nhau trong một không gian chật hẹp. Người ta có thể tận dụng để xây một công trình công cộng khác, nhưng tuyệt nhiên không thể là một nhà hát.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    GS.TS.KTS Doãn Minh Khôi: Khó chấp nhận 2 nhà hát trong một không gian chật hẹp