Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Gục ngã vì 'đạn bọc đường'

Bắc Phong 11/03/2024 10:05

Trong ngày 7/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 9 bị can ở 2 tỉnh, đều với tội danh “nhận hối lộ”, quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự. Trong số đó có Bí thư, Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc; Chủ tịch, cựu Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi. Các bị can được cho là cùng liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn. Vụ việc một lần nữa đã cho thấy sự cực kỳ nguy hiểm của “viên đạn bọc đường”.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ đối với sai phạm của các bị can đã khởi tố trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn. Đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ các sai phạm khác của tập đoàn này tại các địa phương và các đơn vị liên quan, áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kêu gọi các đối tượng có liên quan trong vụ án này khẩn trương đầu thú, tố giác tội phạm và khắc phục hậu quả để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.

Vậy, Tập đoàn Phúc Sơn làm sao lại có khả năng khiến nhiều cán bộ cao cấp ở địa phương “nhúng chàm” đến vậy? Được biết, Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn hoạt động từ năm 2004, trong lĩnh vực bất động sản và xây lắp, chỉ với quy mô cấp huyện (trụ sở chính tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Tuy nhiên, từ năm 2015, công ty này “bùng nổ” khi nhận được nhiều công trình từ Bắc đến Nam: 21 dự án, với tổng mức đầu tư trên 40.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, cũng từ năm 2015, Tập đoàn này bất ngờ tăng vốn điều lệ lên cao gấp hơn 12 lần, từ 129,7 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng sau 2 đợt tăng vốn. Theo đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 14/2/2017 của Phúc Sơn, vốn điều lệ của công ty đã tăng lên 2.000 tỷ đồng. Cao nhất, có giai đoạn vốn điều lệ của tập đoàn này lên đến 4.000 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp năng lực vừa phải nhưng lại trúng thầu các dự án tại nhiều tỉnh thành, trong khi các doanh nghiệp “khủng” khác thất bại, là điều đáng ngờ.

Sau thời gian điều tra, ngày 26/2/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn cùng 5 đồng phạm về tội “vi phạm về quy định kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Cũng thật lạ là trong số các nhân sự chủ chốt của tập đoàn này, một nữ Phó tổng giám đốc mới chỉ học hết lớp 4.

Nhìn vào quá trình hoạt động của Tập đoàn Phúc Sơn có thể thấy nổi lên sự cấu kết, bảo kê của quan chức địa phương nơi có dự án. Những “viên đạn bọc đường” của Phúc Sơn đã “hạ gục” nhiều cán bộ thoái hóa, biến chất, tham lam và liều lĩnh. Theo quy định tại khoản 1 Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015, tội nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc trung gian nhận để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Hình phạt đối với tội nhận hối lộ là rất nghiêm khắc, gồm 3 khung, trong đó khung 3: Phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên.

Ở vị trí công tác của minh, những kẻ tiếp tay, móc ngoặc, bảo kê để được đút lót, hối lộ đều hiểu rõ quy định của pháp luật, nhưng vẫn nhắm mắt làm trái để trục lợi. Trong số đó, có những kẻ tự tin cho rằng vụ việc sẽ không bao giờ bị lộ. Nhưng sự đời, “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, bất cứ sự khuất tất, sai phạm nào dù có được che chắn kỹ lưỡng đến đâu rồi cũng sẽ bị vạch trần.

Thiếu tu dưỡng, làm việc công nhưng chỉ nhăm nhăm vun vén để “vinh thân phì gia”, chẳng chóng thì chầy những đối tượng đó sẽ bị “viên đạn bọc đường” xuyên thủng. Điều đó cho thấy công tác kiểm tra, giám sát cần phải được đẩy mạnh hơn nữa để ngăn chặn sai phạm. Cùng với việc áp dụng những bản án nghiêm khắc thì việc thu hồi triệt để các khoản thu lợi bất chính mà đối tượng phạm tội có được do thực hiện tội phạm là rất cần thiết, làm cho đối tượng phạm tội không còn điều kiện kinh tế để tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội; đồng thời còn góp phần răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm. Vì khi đó, mục đích của tham nhũng sẽ không còn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gục ngã vì 'đạn bọc đường'