Dân tộc

Hà Giang: Phát huy vai trò người có uy tín trong tuyên truyền giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Dương Ngọc Đức 02/11/2023 10:00

Những năm qua, Hà Giang đã phát huy vai trò của người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động. Bên cạnh việc thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đội ngũ người có uy tín còn tích cực tham gia tuyên truyền, vận động hiệu quả cho Thanh thiếu niên chấp hành tốt Luật Hôn nhân và gia đình, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và dần chấm dứt hôn nhân cận huyết thống.

image.daidoanket.vn-images-upload-hangnt-11022023-_tao-hon-anh-1.jpg

Những năm trước đây, hầu hết các thôn, bản thuộc các huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Hà Giang diễn ra khá phổ biến nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS thì cho đến nay nhiều địa phương đã chấm dứt không còn hôn nhân cận huyết thống và giảm đáng kể nạn tảo hôn. Điều đó, minh chứng bên cạnh sự vào cuộc rất tính cực của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị, thì còn có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ người có uy tín ở các thôn bản.

Theo đánh giá của Ban Dân vận Tỉnh uỷ Hà Giang, Đồng Văn là huyện có đông đồng bào DTTS sinh sống, chiếm trên 97%. Trong đó dân tộc Mông chiếm 87%. Hơn hai năm qua, địa phương này là điển hình trong phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đến nay tại các xã, thị trấn đã chấm dứt, không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống và đã có sự chuyển biến rất tích cực giảm thiểu nạn tảo hôn. Đặc biệt kể từ khi Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Giang ban hành Chỉ thị số 09 và Nghị quyết chuyên đề số 27 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Nếu như ở giai đoạn 2018-2021, trên địa bàn huyện xảy ra 738 vụ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, thì đến giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn huyện đã giảm xuống còn 237 vụ. Để có được kết quả đáng mừng này, là nhờ sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ những người có uy tín trên địa bàn huyện.

Tiêu biểu như bà Giàng Thị Giàng (sinh năm 1952), người có uy tín tại thôn Lũng B, xã Sà Phìn, hay ông Lầu Dũng Pó (sinh năm 1966), thôn Há Đề, xã Sính Lủng, ông Sùng Mí Pó (sinh năm 1977), thôn Trừ Lủng, xã Sàng Tủng và nhiều người khác trên địa bàn.

Chúng tôi đến thôn Lũng Hòa B, đây là thôn biên giới, thuộc xã Sà Phìn, thôn đều là đồng bào dân tộc Mông, may mắn gặp được bà Giàng Thị Giàng, dân tộc Mông. Bà Giàng cho hay: Trước đây tảo hôn ở đây diễn ra khá phổ biến, thậm chí thanh niên ở địa phương này còn bắt chước theo nhau phong trào đi “ bắt vợ” hay còn gọi “tục kéo vợ”. Nhưng mấy năm trở lại đây tình trạng hôn nhân cận huyết thống đã không còn xảy ra, còn nạn tảo hôn đã giảm hẳn. Vì vậy, khi được bầu làm người có uy tín, bà coi trọng công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho mỗi người dân về hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Trước hết bà Giàng lấy gia đình, dòng họ của mình làm gương trước, sau đó đi vận động, tuyên truyền đến từng hộ gia đình, không bỏ sót một gia đình nào. Bà chủ động phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội ở thôn như Hội Phụ nữ, Thanh niên, Hội người Cao tuổi để cùng tham gia tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức linh động, phù hợp với nhận thức của từng đối tượng. Ban đầu đi tuyên truyền, vận động cũng không ít bà con phản đối, không nghe theo, thậm chí có trường hợp còn xua đuổi và ghét cả gia đình nhà bà. Cũng có lúc bà Giàng cũng nản chí. Song với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, bà Giàng vẫn kiên trì vận động, dần dần người dân cũng nghe và hiểu nhận thức được và ủng hộ. Cũng vì sự nhiệt tình ấy của bà Giàng, mà bà con nơi đây vẫn hay gọi bà với các tên trìu mến người nhạc trưởng của bản.

Theo Bí thư Đảng uỷ xã Sà Phìn - Nguyễn Văn Hãnh, giai đoạn năm 2018 - 2021, trên địa bàn xã có 26 vụ tảo hôn, riêng trong năm 2018 là năm có số vụ tảo hôn cao nhất có 11 cặp, nhưng từ cuối năm 2021 đến nay tình trạng này đã không còn. Để đẩy lùi hủ tục, Đảng bộ xã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ, trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân.

Bên cạnh đó, xã triển khai ký cam kết đến từng thôn, bản và ký cam kết với từng hộ dân, đồng thời phát huy vị trí, vai trò của người có uy tín thường xuyên đến từng hộ dân để phân tích cho bà con hiểu về hệ lụy của tảo hôn, giải thích để họ hiểu kết hôn khi chưa đủ tuổi là vi phạm pháp luật…. Mặt khác đội ngũ cán bộ, đảng viên trong xã phải thực hiện nêu gương trong việc xóa bỏ hủ tục, 100% con em trong độ tuổi đi học phải được đến trường. Đồng thời xã chỉ đạo các đơn vị trường học trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giới, sức khoẻ sinh sản vị thanh niên cho học sinh.

Những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là hạt nhân tích cực, nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cật huyết. Ảnh: Dương Ngọc Đức.

Ông Hãnh cho biết thêm: Từ khi tỉnh Hà Giang có ban hành Chỉ thị 09 và ban hành Nghị quyết số 27 về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, thì mọi người dân tại địa phương nhận thức đã thay đổi, không còn hôn nhân cận huyết thống và nạn tảo hôn đã giảm hẳn. Đặc biệt, hiện nay cũng không còn thách cưới, hay tổ chức cưới linh đình, uống rượu bê tha, gây tốn kém như trước nữa. Kết quả đó nhờ một phần lớn vào công tác tuyên truyền, vận động của đội ngũ người có uy tín trên địa bàn.

Ông Vàng Chá Thào, là người có uy tín của xã Phố Cáo, hiện ông đang là Chủ tịch Hội nghệ nhân dân gian của xã cho biết: Xã Phố Cáo có 18 thôn đều là đồng bào Mông sinh sống. Là một xã biên giới, những năm trước đây nạn tảo hôn diễn ra khá phổ biến, nhưng đến nay đã giảm rõ rệt. Giai đoạn 2018-2021, trên địa bàn xã có 40 trường hợp. Riêng trong năm 2018 và 2019, số vụ nhiều nhất lên đến 26 cặp, thì đến giai đoạn 2022-2023 chỉ còn 6 cặp, riêng 10 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn xã chỉ xảy ra 3 cặp. Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc rất tích cực, chủ động của đội ngũ người có uy tín trên địa bàn xã.

Nói về tục “bắt vợ” của đồng bào dân tộc Mông, Ông Thào chia sẻ: Thực tế về nguồn gốc nó là một nét đẹp, thể hiện sự nâng cao giá trị, phẩm hạnh của người con gái trước khi về ra mắt nhà chồng. Hành động lôi kéo nhẹ ở đây chỉ là mang tính hình thức thể hiện tình yêu đôi lứa giữa nam và nữ đã có tình cảm yêu thương nhau từ trước đó, hành vi này chính là thể hiện lên giá trị, phẩm hạnh, “cái giá” của người con gái khi chuẩn bị lấy chồng. Nhưng có trường hợp lợi dụng, biến tướng cố tình đi “bắt vợ” trong trường hợp nữ không có tình cảm, không có tình yêu, hoặc chưa được tìm hiểu trước đó, lợi dụng nét đẹp văn hóa để “bắt vợ, kéo vợ”, thì đó lại là hủ tục. Đây là hành vi cần phải được lên án nghiêm khắc.

Với sự hiểu biết về phong tục tập quán của người Mông và với sự nhiệt tình, trách nhiệm với thế hệ tương lai, ông luôn tiên trong hoạt động bảo tồn văn hóa dân tộc và cống hiến không ngừng. Năm 2019, ông Thào được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú và được nhận nhiều Bằng khen giấy khen của các cấp, các ngành tặng.

Ông Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Trên địa bàn huyện Đồng Văn, hiện nay có 225 người có uy tín ở 225 thôn bản thuộc 17 thành phần dân tộc, trong những năm qua người có uy tín trên địa bàn huyện là một trong những lực lượng “nòng cốt”, tiên phong ở các địa bàn thôn bản trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong việc đẩy lùi, xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong đó có nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; ngăn chặn kịp thời nhiều trường hợp có ý định tảo hôn. Đội ngũ người có uy tín luôn gương mẫu thực hiện và tích cực tuyên truyền, vận động bà con nhân dân, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho lớp thanh niên trong đồng bào DTTS chấp hành tốt Luật Hôn nhân và gia đình.

Bên cạnh đó, đây còn là lực lượng quan trọng trong việc động viên con cháu tích cực tham gia các phong trào thi đua, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; tích cực xóa bỏ những hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang, trong đời sống sinh hoạt; tham gia xây dựng nông thôn mới, giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc ở vùng biên giới cực Bắc của Hà Giang...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Giang: Phát huy vai trò người có uy tín trong tuyên truyền giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống