Hà Nam: Cho vay 300 triệu đồng, ‘cắt lãi’ tháng đầu 49 triệu đồng

Duy Hưng 07/10/2023 23:31

Tiền lãi thanh niên ở Hà Nam tính và thu của người vay tiền tương đương 219%/ năm, phạm vào tội “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Ngày 7/10, thông tin từ Công an huyện Thanh Liêm (Hà Nam) cho biết Công an huyện vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Dương Quốc Tú, 24 tuổi, trú thôn Bồng Lạng, xã Thanh Nghị của huyện, về tội “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, quy định tại khoản 1 Điều 201 Bộ luật Hình sự.

Dương Quốc Tú tại cơ quan Công an.

Tú khai, đầu tháng 9/2023, qua các mối quan hệ, Tú biết anh S. và chị N. (cùng trú ở huyện Thanh Liêm) đang cần gấp một số tiền lớn để làm ăn. Tú móc nối với hai người này, thiết lập việc cho vay tiền, dưới hình thức thế chấp ôtô; thỏa thuận lãi suất 6.000 đồng/triệu/1ngày.

Tài liệu, chứng cứ thu thập của cảnh sát địa phương thể hiện ngày 18/9, Tú cho anh S., chị N. vay số tiền 300 triệu đồng, với mức lãi suất như trên, tương đương 219%/ năm. Đáng nói là sau khi cho vay tiền Tú cắt lãi luôn tiền lãi tháng đầu tiên là 49 triệu đồng, thu lợi bất chính số tiền này.

Điều 201 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” như sau: “1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. 2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.

Tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” là một trong những tội phạm xâm phạm đến các quan hệ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng mà Nhà nước quy định phải có sự bảo vệ bằng pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng. Tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” là tội phạm có cấu thành vật chất, bao gồm các dấu hiệu sau:

Khách thể của tội phạm: Tội phạm này xâm phạm trật tự quản lý tín dụng của Nhà nước và lợi ích vật chất của người đi vay.

Mặt khách quan của tội phạm: Hành vi khách quan của tội này được hiểu là hành vi trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự.

Hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự chỉ cấu thành tội phạm nếu thuộc một trong các trường hợp: Thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên; Hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này; Hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Chủ thể của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự phải thỏa mãn cả hai điều kiện là đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn mong muốn thực thực hiện hành vi đó. Động cơ và mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu định tội của tội này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nam: Cho vay 300 triệu đồng, ‘cắt lãi’ tháng đầu 49 triệu đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO