Đến thời điểm này, nhiều địa phương đã thông tin về kỳ thi tuyển sinh lớp 10 với một số điều chỉnh nhằm giảm áp lực cho học sinh. Trong khi đó, tại Hà Nội, học sinh, phụ huynh đang sốt ruột chờ đợi Sở GDĐT thông tin về môn thi thứ 4.
Hiện, một số địa phương đã bắt đầu công bố kế hoạch tổ chức thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2023 - 2024. Ghi nhận cho thấy, hầu hết các địa phương đều chọn phương án thi 3 môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh thay vì 4 môn như các năm học trước.
Đơn cử như TP Hải Phòng, UBND thành phố vừa có văn bản đồng ý với đề nghị của Sở GDĐT về phương thức tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023 – 2024.
Theo đó, học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập sẽ làm 3 bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.
Tương tự mùa tuyển sinh vào lớp 10 năm 2022, nhiều địa phương tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 cũng chỉ thi 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.
Trong khi đó, tại Hà Nội, từ năm 2019, kỳ thi tuyển vào lớp 10 THPT công lập sẽ có 4 môn thi, gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn thứ 4 được chọn ngẫu nhiên trong các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hai năm học 2020-2021 và 2021-2022, TP Hà Nội đã bỏ môn thi thứ 4.
Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội luôn được ví căng thẳng hơn cả thi đại học. Sức nóng của kỳ thi không chỉ bởi tỉ lệ “chọi” cao mà còn bởi áp lực chờ đợi Sở GDĐT công bố môn thi thứ 4.
Môn thi thứ 4 được Sở GDĐT Hà Nội công bố vào thời điểm tháng 3 hằng năm, cách thời gian kỳ thi diễn ra không nhiều nên năm nào cũng vậy, vào thời điểm này, học sinh và phụ huynh đều rất lo lắng, hồi hộp mong sớm có quyết định của Sở GDĐT để chủ động ôn tập đạt kết quả tốt hơn.
Năm nay cũng không ngoại lệ, thậm chí hiện đang có rất nhiều phụ huynh lên tiếng đề xuất bỏ môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập để giảm áp lực cho học sinh.
Chị Nguyễn Quỳnh Nga, phụ huynh có con đang học lớp 9 Trường THCS Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, chị và gia đình đang mong ngóng từng ngày thông tin của Sở GDĐT về môn thi thứ 4. Lo lắng này tương tự như áp lực cách đây 2 năm trước khi mà con trai lớn của chị cũng thi vào lớp 10 công lập.
Chị Nga đặt câu hỏi: “Không biết học sinh lớp 9 năm nay và các năm sau sẽ phải rơi vào tình trạng chờ đợi môn thi thứ 4 kéo dài tới bao giờ. Tôi mong Sở GDĐT sớm có quyết định cụ thể để giảm áp lực cho các con”.
Với mục tiêu đỗ Trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội), sau Tết Nguyên đán, em Lê Bích Thuỷ, học sinh lớp 9 Trường THCS Minh Khai tập trung toàn bộ thời gian vào việc ôn tập và bổ sung kiến thức ba môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Riêng mông thi thứ 4, Thuỷ đang rất lo lắng, sốt ruột chờ đợi bởi thời gian từ nay tới khi kỳ thi diễn ra không còn nhiều.
Năm 2022, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Hà Nội tổ chức thi vào lớp 10 với 3 môn thi. So sánh điểm chuẩn của năm trước, Thuỷ nhận xét, kết quả không có nhiều biến động so với các năm trước thi 4 môn, chất lượng kỳ thi vẫn được đánh giá cao.
Do đó, Thuỷ cho hay: “Em và các bạn đều chung mong muốn bỏ môn thi thứ 4, vừa giảm áp lực thi cử, vừa đảm bảo chất lượng đầu vào”.
Không chỉ có học sinh, phụ huynh, nhiều giáo viên cũng mong muốn Sở GDĐT Hà Nội bỏ môn thi thứ 4 để giảm áp lực cho học sinh hoặc nên công bố sớm môn thi để học sinh có kế hoạch ôn tập.
Thi 4 môn không còn phù hợp với thực tế hiện nay
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nêu quan điểm: “Định hướng giáo dục bậc THPT đang thay đổi theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc thi 4 môn không còn phù hợp với thực tế hiện nay, đúng hơn là lạc hậu”.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, nhiều học sinh định hướng chọn theo học khối xã hội khi lên cấp 3, nhưng khi thi vào lớp 10 thì môn thi thứ 4 lại thuộc khối tự nhiên. Điều này khiến học sinh vất vả ôn thi, tốn thời gian, điểm không cao như kỳ vọng, thậm chí có thể trượt lớp 10 vì điểm môn thứ 4 thấp. Trong khi, lên lớp 10 theo chương trình mới thì các em không học môn tự chọn khối tự nhiên đó.
Mặt khác, yêu cầu của kỳ thi là kiểm tra năng lực thực sự của thí sinh, khả năng tư duy, không phải kiểm tra số lượng kiến thức. Vì vậy, khi ra đề, các địa phương chú trọng đưa ra bài toán xem năng lực tư duy của học sinh đến đâu, để các em tự đưa ra phương án giải quyết, tự học, tự suy ngẫm.
Năm trước, hầu hết các địa phương đều thi vào lớp 10 bằng 3 môn, điểm chuẩn vẫn cao và chất lượng học sinh vẫn được đảm bảo, không có sự sụt giảm sau 1 năm học. Từ minh chứng đó, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng năm nay, các địa phương nên tiếp tục duy trì thi 3 môn để giảm áp lực cho học sinh.