Trong lịch sử, rất nhiều quốc gia thường lựa chọn phát triển các đô thị dọc theo các dòng sông. Việc lựa chọn này có nhiều ưu điểm như thuận lợi cho việc giao thương, giao thông đường thủy... trong đó có cả việc phòng thủ quân sự. Ngày nay, việc quy hoạch Thủ đô Hà Nội bên các dòng sông không chỉ mang tới vẻ đẹp đô thị mà còn góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Nhóm phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã gặp gỡ và ghi lại ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này.
TS.KTS Đặng Việt Dũng - Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội):
Quy hoạch để đánh thức các dòng sông
Paris (Pháp) phát triển cho đến đầu thế kỷ 20 vẫn trên cơ sở lấy sông Seine làm trục thành phố. Trung tâm Paris, thế kỷ 17, đầu thế kỷ 19 và hiện nay cũng chạy dọc sông Seine. Hay thành phố London (Anh) cũng lấy sông Thames là trục cảnh quan và trục bố cục của đô thị... Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà các nền văn minh lớn trên thế giới thường gắn với các con sông như văn minh sông Hằng, sông Hoàng Hà, sông Nin, Lưỡng Hà… hay ở Việt Nam chúng ta là văn minh sông Hồng. Các di sản văn hóa cũng thường được thấy dọc những con sông, trở thành những chứng nhân lịch sử cho mỗi cộng đồng và cả dân tộc.
Trải qua quá trình hình thành và phát triển không thể phủ nhận Hà Nội đã được tạo lập khi lấy các dòng sông làm trục cảnh quan đô thị. Và gần nhất, Hà Nội đã lập quy hoạch lấy trục cảnh quan chính là sông Hồng dựa trên các bài học phát triển thành công của nhiều quốc gia trên thế giới như Seul (Hàn Quốc) với 2 bờ sông Hàn, hay trước đó là Paris, London... Thực tế cho thấy, việc phát triển không gian đô thị hiện nay khi gắn kết với các dòng sông đang mang đến nhiều lợi ích, khơi mở nhiều tiềm năng để khai thác. Và với Hà Nội việc sở hữu các dòng sông là những tài sản, di sản vô giá.
Hiện nay nhiều dòng sông tại Hà Nội có thể khai thác được cảnh quan hai bên bờ đối với kiến trúc đô thị, phát triển du lịch, thậm chí là những chiến lược lâu dài về quỹ đất. Bởi khi việc khai thác các dòng sông vô hình chung đã tái hiện quá trình lịch sử, văn hóa của đô thị, thành phố đó.
Đơn cử như việc khai thác, phát triển du lịch trên dòng sông Hồng thời gian qua. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan việc khai thác du lịch trên sông Hồng những vẫn chưa đạt được những kết quả tích cực.
Bên cạnh đó, Hà Nội còn có sông Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Đà, sông Đáy, sông Đuống, sông Tích... có rất nhiều tiềm năng trong phát triển văn hóa, du lịch nhưng chưa được “đánh thức”.
Nguyên nhân, việc khai thác các dòng sông tại Hà Nội chưa được hiệu quả là hiện nay có những xung đột, mâu thuẫn giữa cảnh quan tự nhiên và vấn đề phát triển đô thị.
Câu chuyện khai thác tài nguyên, ô nhiễm môi trường các dòng sông đang là bài toán đấy thách thức lớn cho Hà Nội. Trải qua thời gian, chịu áp lực của sự gia tăng dân số cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, các dòng sông ở Hà Nội thực sự đang bị “bức tử” theo đúng nghĩa đen của nó.
Không chỉ những dòng sông, hệ thống mặt nước là ao, hồ, kênh rạch của Hà Nội cũng cần phải gìn giữ. Cảnh quan chính là “cái hồn” của đô thị, làm cho mỗi đô thị trở nên đặc biệt và có dấu ấn. Nếu như chúng ta đến Seoul (Hàn Quốc), ngoài các điểm thăm quan nổi tiếng như bảo tàng, công trình kiến trúc… đó là cảnh quan hai bên bờ dòng sông Hàn. Praha (Cộng hòa Czech) nổi tiếng với 18 cây cầu bắc ngang con sông Vltava, hai bên bờ là những nhà thờ mái vòm cổ kính, những ngọn tháp mạ vàng trên đỉnh, tòa lâu đài hàng nghìn năm tuổi mang phong cách La Mã, Gothic…
Bài toán phát triển “nóng” của Hà Nội đã được rất nhiều các nhà khoa học, nhà chuyên môn đặt ra câu hỏi và đang đi tìm câu trả lời thấu đáo. Để phát triển di sản các dòng sông tại Hà Nội hiện nay là việc có giữ được bản sắc vốn có hay không? Tất cả là nhờ việc gìn giữ các giá trị văn hóa, lịch sử, đặc biệt là quỹ mặt nước của Hà Nội. Một đô thị quy hoạch có tốt đến đâu, phát triển hiện đại đến đâu mà không giữ được bản sắc thì khó phát triển bền vững.
TS Nguyễn Hoàng Điệp - Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ Văn hóa và Khoa học Công nghệ:
Nên thực hiện trước dự án ở sông Tô Lịch
Hà Nội có nhiều dòng sông: sông Hồng, Tô Lịch, Kim Ngưu, Đuống, Nhuệ, Đà, Tích… các dòng sông tạo thành tứ giác nước bao bọc lấy kinh đô. Từ xa xưa, vua Lý Thái Tổ đã tỏ rõ sự “Thượng thông thiên văn, hạ chi địa lý, trung chi nhân sự” đã chọn đất đế đô cho muôn đời con cháu mai sau. Một Thủ đô không bị ảnh hưởng của động đất núi lửa, một Thủ đô trải qua hơn nghìn năm không bị động đất, núi lửa tàn phá, không bị những cơn bão cấp 15, 16 dập vùi. Phải chăng chỉ có một nhà vua có nhãn quan và trí tuệ thiên tài mới thấu thị được các quy luật của tự nhiên để định đô cho ngàn đời năm sau.
Sông Hồng là sông Cái, sông chính. Quy hoạch Thủ đô cũng đã đặt ra việc quy hoạch thành phố hai bên sông với những cây cầu và bãi sông thành các công trình văn hóa rồi. Với sông Nhuệ, nên thực hiện tốt chức năng của nó thành con sông tiêu úng cho thành phố…
Tôi nghĩ cải tạo sông Tô Lịch và biến nó thành một công viên lịch sử văn hóa du lịch là một việc cần thiết. Việc cải tạo dòng sông ô nhiễm, tù đọng đã được viết rất cụ thể trong dự án và trình bày với các cơ quan báo chí năm 2022. Đó là đào các hệ thống tàu điện ngầm, giếng chứa nước dưới lòng sông. Còn bây giờ tôi xin nói về mấy dự án dự kiến mà chúng tôi đang chuẩn bị trình bày với Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội một số hạng mục.
Hạng mục đầu tiên là Cụm tượng “Chín rồng vàng” vươn cao 15m trên diện tích 1.000m2 của dải đất 5.000m2 hiện đang trồng cây xanh trên nền bến Giang Tân cũ. Đây là nơi hợp lưu của dòng sông Tô Lịch và sông Thiên Phù (nay đã bị san lấp) ở đầu đường Hoàng Quốc Việt, giáp Chợ Bưởi. Biểu tượng chín rồng vàng đang ở thế bay lên đúng với nghĩa bóng của nó. Cụm 9 rồng vàng trong đó 8 rồng vàng lên cao nâng đỡ một đĩa tròn đường kính 9m có rồng vàng thứ 9 đứng trên đĩa đang giang cánh bay lên trời xanh vừa phun mưa vừa tỏa ánh sáng bảy sắc cầu vồng và phun nước vang lên bản trường ca giao hưởng ca ngợi vương triều Lý, tồn tại 215 năm.
Hạng mục thứ hai là nhóm tượng đài hai nhà vua: Lý Nam Đế và Lý Thái Tổ. 2 tượng đều cao 15m, đặt tại ngã 5, nơi có diện tích chiếu sáng của đầu đường Hoàng Quốc Việt, đường Bưởi, Lạc Long Quân, cuối đường Hoàng Hoa Thám. Nhóm tượng đài đặt nơi đây có ý nghĩa nơi gặp gỡ kỳ diệu của hai vị vua Tiền Lý và Hậu Lý giao thoa kết tinh. Vào năm 544, Nhà nước Vạn Xuân của Lý Nam Đế ra đời nhà vua đã cho đắp đê từ Chợ Gạo đến cuối đường Hoàng Hoa Thám để chống quân nhà Lương. Hơn năm trăm năm sau không hẹn mà gặp, nhà Hậu Lý, vua Lý Thái Tổ đã dừng thuyền tại Bến Giang Tân nhìn thấy rồng vàng bay lên. Ngày nay, địa danh vùng đất vẫn còn lưu giữ những tên xưa vua đặt như Bái Ân, Nghĩa Đô.
Về quy mô của nhóm tượng đài sẽ được các nhà điêu khắc thiết kế, nhưng ý tưởng của tôi thế này: Hình tượng Lý Nam Đế oai phong lẫm liệt, hình ảnh nhà vua một tay cầm cờ vẫy gọi bách tính muôn dân, một tay cầm gươm vung lên như đang kêu gọi, hiệu triệu muôn dân xông lên chống giặc. Tượng vua Lý Thái Tổ, trên đầu đội mũ bình thiên tay phải cầm chiếu, tay trái khua lên như ôm cả sơn hà xã tắc.
Song song với hai cụm tượng đài trên là ý tưởng đã và đang thực hiện của nhóm họa sĩ Trịnh Quang Vũ và Trương Quốc Lập về bức tranh đoàn thuyền vua Lý Thái Tổ từ kinh đô Hoa Lư về thành Đại La dài 100m, cao 15m bằng gốm sứ. Bức tranh được gắn trên đường Cầu Giấy - Chợ Bưởi. Một bức tranh độc nhất vô nhị chưa từng có để nói về đoàn du thuyền của nhà vua Lý Thái Tổ về định đô tại đất Đại La và đặt tên Thủ đô là Thăng Long. Đây là những cụm công trình nằm trong sự quản lý phát triển văn hóa của Thủ Đô Hà Nội. Nếu một mai công trình thành hiện thực nó sẽ là điểm “check in cho hàng triệu du khách trong nước và Quốc tế”. Nó mở màn cho Hà Nội khôi phục dòng Tô Lịch có vị trí huyệt đạo lớn nhất kinh thành “tả thanh long, hữu bạch hổ”. Một công trình đánh dấu Hà Nội hơn 1.000 năm tuổi.
PGS.TS Dương Văn Sáu - nguyên Trưởng Khoa Du lịch (Trường đại học Văn hóa Hà Nội):
Những dòng sông sẽ tạo ra nét riêng cho du lịch Thủ đô
Với hệ thống sông ngòi, hồ đầm lớn nhỏ, dày đặc nằm trên địa bàn khiến người ta gọi Hà Nội là “Thành phố sông hồ” - một “thành phố nước”. Hệ thống sông hồ trong nội đô Hà Nội không chỉ là dòng chảy của tự nhiên mà còn là dòng chảy của văn hóa - lịch sử trên mảnh đất kinh kỳ. Những dòng sông chứa trong đó cả chiều sâu lịch sử và bề dày của văn hiến Thăng Long.
Trong quan niệm truyền thống phương Đông, nước vốn được coi là cội nguồn của sự sống, sự ra đời và phát triển của muôn loài. Điều đó thể hiện qua câu “Vạn vật khởi ư thủy” - muôn vật đều bắt đầu từ nước. Vì vậy, mảnh đất này là nơi thuận lợi cho muôn vật sinh sôi nảy nở, cho sự phát sinh, phát triển hoàn toàn ứng với tên gọi Thăng Long. Dòng sông Hồng uốn mình chảy qua khu vực Thủ đô, cong cong mang hình dáng giống chiếc tai của một người khổng lồ, do vậy mà nó được gọi là Nhĩ hà (sông hình tai) để rồi từ đó được người dân đọc chệch âm là Nhị Hà. Tên gọi đó tạo nên sự nhuần nhị, đằm sâu như nét văn hóa truyền thống của đất Kinh kỳ, của người Hà Nội đã đi vào câu ca dao cổ:
Nhị Hà quanh Bắc sang Đông,
Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này.
Câu ca dao đó đã nói lên sự quanh co, uốn lượn của các dòng sông khi chảy trên đất Hà Nội. Chính sự quanh co, uốn lượn ấy đã làm nên sự lưu thủy và tụ thủy hài hòa, tức là sự chuyển phúc và tụ phúc đối với mảnh đất này.
Du lịch là quá trình kết nối không gian và kết nối thời gian. Những dòng sông, hồ đầm trên địa bàn Thủ đô Hà Nội hoàn toàn có thể trở thành những đường kết nối, đường dẫn của những thủy trình trên đất Thăng Long; đưa du khách ngược dòng lịch sử - xuôi dòng văn hóa trên mảnh đất ngàn năm văn hiến. Như vậy, những dòng sông, hồ đầm trên đất Thủ đô nếu được nghiên cứu, chỉnh trang, xử lý tốt về mặt môi trường, đóng mới các phương tiện vận chuyển nội thủy phù hợp, phát triển các dịch vụ thích hợp... Tất cả những việc đó sẽ giúp cho du lịch Thủ đô khai thác tiềm năng của hệ thống giao thông đường thủy nội địa để tạo ra nét riêng của Du lịch Thủ đô mà không nơi nào có được.
Với Thủ đô Hà Nội, cần tập trung nghiên cứu, đầu tư phát triển thành phố trên hai bên bờ sông Hồng một cách khoa học, hiện đại, gắn chặt với việc gìn giữ và bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên và môi trường sinh thái nhân văn. Việc xây dựng các cây cầu qua sông Hồng phải là những công trình giao thông trọng điểm đồng thời mỗi cây cầu phải trở thành một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật độc đáo, đặc sắc. Quy hoạch ngay khu vực bờ bãi ven sông, kè bờ và nạo vét dòng sông để giao thông đường thủy an toàn, thông suốt.
Sản phẩm du lịch đường sông chính là các chương trình du lịch đường thủy nội địa gắn kết các địa danh văn hóa - lịch sử là các di tích, làng nghề, lễ hội truyền thống ở các địa danh ven hai bờ của các dòng sông. Mô hình du lịch đường sông với những con tàu chở khách mang đặc trưng văn hóa Thăng Long. Quan trọng nhất là xây dựng, chỉnh trang cảnh quan trên sông, ven sông dọc theo các thủy trình nội đô.
Với Thủ đô Hà Nội, cần nghiên cứu phát triển các dịch vụ du lịch trên sông và ven sông. Trước mắt tập trung nghiên cứu, đổi mới việc khai thác Du lịch sông Hồng, sông Đuống với việc xây dựng các cảng sông nội địa phục vụ du khách đường thủy. Đóng mới các phương tiện vận chuyển đường sông với kích thước, tải trọng phù hợp, hình thức mang dấu ấn đặc trưng văn hóa Thăng Long. Xây dựng các điểm đến ven sông với việc tu bổ cảnh quan, phát triển dịch vụ trên sông, ven sông phù hợp gắn với các di tích ven sông, các làng nghề truyền thống. Tu sửa cảnh quan bờ bãi ven sông, nạo vét dòng chảy, cắm các biển báo giao thông… Nghiên cứu đầu tư để xử lý ô nhiễm môi trường nước, xử lý nước thải triệt để. Đầu tư hạ tầng hai bên bờ các dòng sông Tô Lịch, Kim Ngưu bằng việc trồng cây xanh, hoa, các thảm thực vật đặc hữu... biến những dòng sông ô nhiễm trở thành “những con đường xanh”, “những con đường hoa” giữa lòng thành phố.