Chiều 12/9 trước khi bế mạc kỳ họp thứ 9, HĐND TP Hà Nội đã thông qua các nghị quyết quan trọng theo thẩm quyền.
Bổ sung biên chế hơn 2300 giáo viên cho năm học 2022-2023
Với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết về điều chỉnh tổng biên chế hành chính sự nghiệp năm 2022 và phân bổ biên chế giáo viên năm học 2022-2023 trên địa bàn thành phố.
Theo Tờ trình của UBND thành phố, năm học 2021-2022, tổng số viên chức ngành giáo dục của thành phố Hà Nội còn thiếu so với định mức cần do Bộ Giáo dục và đào tạo quy định là 7.134 biên chế. Năm học 2022-2023, do thành lập trường mới, tăng lớp, tăng học sinh, số viên chức ngành giáo dục còn thiếu so với định mức là 3.131. Như vậy năm học 2022-2023, thành phố thiếu 10.265 biên chế viên chức, trong đó số giáo viên thiếu của bậc tiểu học là 3.436 người, bậc THCS là 3.135 người, bậc THTP là 1.311 người. Tổng số viên chức giáo viên được bổ sung là 2.361 biên chế, gồm: Giáo viên tiểu học là 600 người, giáo viên THCS là 1.309, giáo viên THPT là 452.
Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế, HĐND thành phố cũng đồng tình điều chỉnh tổng biên chế sự nghiệp thành phố Hà Nội năm 2022. Cụ thể, tổng biên chế là 116.420, trong đó bao gồm: Số biên chế viên chức theo Nghị quyết số 32/NQ-HDND ngày 10-12-2021 của HĐND thành phố gồm 114.059 biên chế; bổ sung 2.361 biên chế theo Quyết định số 72-QĐ/TƯ ngày 18-7-2022 của Bộ Chính trị và Công văn số 3887/BNV-TCBC ngày 12-8-2022 của Bộ Nội vụ; giao bổ sung 2.361 biên chế giáo viên năm học 2022-2023 cho Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND quận, huyện, thị xã. Trong đó, giáo viên THPT 452 biên chế; giáo viên THCS 1.309 biên chế; giáo viên tiểu học 600 biên chế. Biên chế được giao bổ sung thực hiện từ tháng 9-2022.
Chi hơn 1.100 tỷ đồng hỗ trợ học phí năm học 2022-2023
Với 100% đại biểu có mặt tán thành thông qua Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ học phí đối với một số đối tượng trẻ em mầm non và học sinh phổ thông của TP Hà Nội năm học 2022-2023.
Theo đó, HĐND TP quyết định, học phí học sinh phải đóng thực tế năm học 2022-2023 giữ nguyên như mức học phí phải đóng năm học 2021-2022. Theo HĐND TP Hà Nội, việc áp dụng học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ là việc bắt buộc thực hiện theo lộ trình nhằm từng bước nâng cao chất lượng công tác giáo dục đào tạo. Tại thời điểm này TP Hà Nội quy định mức học phí theo mức sàn (là mức thấp nhất) của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.
Đặc biệt, sau 2 năm đại dịch đời sống người dân vẫn còn khó khăn, thành phố sẽ dùng ngân sách để bù đắp phần chênh lệch tăng so với năm học trước và tiếp tục hỗ trợ 50% học phí cho cả năm học 2022-2023 như mức hỗ trợ năm học 2021-2022. Dự kiến tổng mức ngân sách thành phố hỗ trợ năm học 2022-2023 hơn 1.133 tỷ đồng.
Ngoài chính sách trên, UBND TP Hà Nội sẽ có cơ chế hỗ trợ học phí đối với một số đối tượng trẻ em mầm non và học sinh phổ thông của TP Hà Nội năm học 2022-2023. Trẻ em mầm non và học sinh phổ thông đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông của TP Hà Nội trên địa bàn các xã miền núi sẽ được hỗ trợ 100% mức thu học phí năm học 2022-2023.
Trẻ em mầm non và học sinh phổ thông thuộc đối tượng được giảm 70% học phí theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 81 của Chính phủ và 50% học phí theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định số 8 đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông của thành phố Hà Nội; học viên thuộc đối tượng được giảm 70% học phí theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 81; đối tượng được 50% học phí theo quy định tại Nghị định số 81 đang theo học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông của TP Hà Nội: được hỗ trợ bằng 100% phần học phí còn lại phải đóng theo mức thu học phí năm học 2022-2023.
Các đối tượng được giảm 70% học phí gồm: trẻ em học mẫu giáo và học sinh là người dân tộc thiểu số (ngoài đối tượng dân tộc thiểu số rất ít người) ở thôn bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Các đối tượng được giảm 50% học phí gồm: Trẻ em học mẫu giáo và học sinh là con cán bộ, công chức, viên chức, công nhân mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên; Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc diện hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Bổ sung 30.000 tỷ đồng cho kế hoạch đầu tư công trung hạn
Với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP Hà Nội đã thống nhất thông qua mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền một số lĩnh vực kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian tới như Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội do UBND thành phố trình.
HĐND thành phố giao UBND TP Hà Nội tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, bảo đảm đạt được các mục tiêu về phân cấp theo Nghị quyết HĐND thành phố. Theo đó, HĐND, UBND cấp huyện thực hiện phân cấp quản lý nhà nước cho cấp xã theo mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ, giải pháp phân cấp trong quản lý nhà nước theo đúng quy định.
Tương tự với số phiếu tán thành tuyệt đối, các đại biểu HĐND thành phố cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết về Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022; Cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025; Định hướng Kế hoạch đầu tư công năm 2023 của cấp thành phố. Theo đó, HĐND thành phố phê duyệt điều chỉnh kế hoạch đầu tư công cấp thành phố năm 2022, bao gồm những nội dung sau: Phê duyệt cơ cấu lại nguồn vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 gồm sử dụng 3.000 tỷ đồng nguồn tăng thu ngân sách năm 2021; sử dụng 3.000 tỷ đồng nguồn thưởng vượt thu ngân sách năm 2021; cơ cấu lại nguồn thu cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp địa phương. Sau khi cơ cấu lại nguồn vốn, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2022 không thay đổi là 51.582,952 tỷ đồng.
HĐND thành phố cũng điều chỉnh kế hoạch đầu tư dự án cấp thành phố giảm 1.144.820 triệu đồng, trong đó 39 dự án giảm vốn, 18 dự án tăng vốn. Điều chỉnh giảm kế hoạch vốn ghi thu, ghi chi nguồn tiền sử dụng đất đối ứng cho các dự án BT 770 tỷ đồng của 3 dự án. Phân bổ kế hoạch vốn 166,6 tỷ đồng hỗ trợ ngành dọc lĩnh vực an ninh. Điều chỉnh giảm 2,17 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư dự án thuộc nhiệm vụ chi cấp huyện được ngân sách thành phố hỗ trợ. Bổ sung 500 tỷ đồng vốn ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay giải quyết việc làm để góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Bổ sung 500 tỷ triệu đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Bổ sung 2.256,39 tỷ đồng cho Quỹ Phát triển đất ủy thác qua Quỹ Đầu tư phát triển thành phố để thực hiện ứng vốn giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô.
HĐND thành phố cũng thống nhất chủ trương về việc ứng vốn từ Quỹ phát triển đất ủy thác qua Quỹ Đầu tư phát triển thành phố để các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thuộc dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô. UBND thành phố có trách nhiệm quyết định và tổ chức thực hiện bảo đảm tuân thủ đầy đủ quy định hiện hành.
Đối với ngân sách thành phố hỗ trợ cấp huyện, HĐND thành phố cho phép các huyện, thị xã được sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố hỗ trợ cho từng dự án năm 2022 để chi trả nhiệm vụ của cấp huyện phải bố trí cho dự án đó. Ngân sách cấp huyện vẫn phải bảo đảm nguyên tắc bố trí đủ nguồn vốn đối ứng thuộc trách nhiệm của huyện để hoàn thành dự án.
HĐND thành phố cũng cho phép 2 quận (Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng) sử dụng ngân sách cấp quận để hỗ trợ 5 huyện, thị xã (Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Sơn Tây) thực hiện xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết số 115 ngày 19-6-2020 của Quốc hội với kinh phí 31,9 tỷ đồng cho 5 dự án.
Ngoài ra, HĐND thành phố cũng thống nhất cơ chế chung về chủ trương cho phép sử dụng ngân sách cấp huyện hỗ trợ các dự án ngành dọc lĩnh vực an ninh, quốc phòng, tòa án, viện kiểm sát, thi hành án trên địa bàn.
Về phê duyệt cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 cấp thành phố, HĐND thành phố đồng ý cập nhật Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 đối với các dự án cấp thành phố và dự án ngân sách thành phố hỗ trợ cấp huyện được điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022. Xác định Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn cho 39 dự án mới đã được HĐND thành phố quyết nghị chủ trương đầu tư là 7.668,2 tỷ đồng. Bổ sung kế hoạch vốn trung hạn cho 11 dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được HĐND thành phố phê duyệt điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để hoàn thành dự án với kinh phí 351,2 tỷ đồng. Bổ sung 8.400 tỷ đồng cho Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2055 từ nguồn ngân sách trung ương để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và xác định kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 cho dự án gồm: Ngân sách trung ương là 8.400 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 19.477 tỷ đồng. Bổ sung 30.000 tỷ đồng cho Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 từ nguồn huy động của thành phố (thuộc hạn mức dư nợ vay của thành phố theo Nghị quyết số 115 ngày 19-6-2020 của Quốc hội).
HĐND thành phố cũng cơ bản thống nhất với định hướng, mục tiêu, nguyên tắc lập và bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2023 như UBND thành phố trình. Đề nghị UBND thành phố căn cứ Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 cho thành phố Hà Nội và các văn bản hướng dẫn tiếp theo của các cơ quan Trung ương để hoàn thiện Kế hoạch đầu tư công năm 2023, trình HĐND thành phố xem xét, thông qua tại kỳ họp HĐND thành phố cuối năm 2022.
Về phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội, HĐND thành phố đã thống nhất thông qua chủ trương đầu tư 19 dự án. Trong đó, có 1 dự án nhóm A để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo thẩm quyền; quyết định chủ trương đầu tư 17 dự án; điều chỉnh chủ trương đầu tư 1 dự án.
Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 9, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu, ngay sau kỳ họp, UBND TP Hà Nội, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tập trung tổ chức triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo các nghị quyết của HĐND TP Hà Nội đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực.