Chính trị

Hà Nội chính thức vận hành các nền tảng, ứng dụng của Đề án 06

Thái Nhung 28/06/2024 14:34

Sáng 28/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội Nghị sơ kết 6 tháng đầu năm về thực hiện Đề án 06; đánh giá kết quả thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID, công bố vận hành các nền tảng, ứng dụng của Đề án 06 do UBND TP Hà Nội tổ chức.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô Hà Nội, ghi nhận và đánh giá cao UBND TP Hà Nội, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan đã phối hợp chuẩn bị và tổ chức chu đáo hội nghị; hoan nghênh TP Hà Nội đã công bố vận hành một số nền tảng ứng dụng Đề án 06 trên địa bàn Hà Nội...

chinh.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của thành phố Hà Nội trong triển khai Đề án 06 thời gian qua - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dự hội nghị còn có Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; đại diện lãnh đạo các Bộ Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp; Lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội và các sở, ban, ngành thành phố…

Tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian

Thủ đô Hà Nội là địa phương được Chính phủ, Tổ công tác triển khai Quyết định 06/QĐ-CP ngày 06/01/2022 về Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) giao thực hiện thí điểm một số nội dung nhiệm vụ làm cơ sở đánh giá trước khi nhân rộng.

Sau thời gian nghiên cứu, triển khai thí điểm, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện Đề án 06. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 6,5 triệu công dân Thủ đô đã có CCCD, được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư; hơn 5,2 triệu công dân có tài khoản định danh mức độ 2; 19/30 quận, huyện, thị xã thực hiện cập nhật số hóa hồ sơ dữ liệu hộ tịch điện tử…

thu-tuong-de-an-06-1-57503664140234291985210.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu trải nghiệm các ứng dụng phòng họp thông minh của thành phố Hà Nội. Ảnh: VGP

Hà Nội đã tham mưu, báo cáo trình HĐND thành phố xem xét việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho người dân khi thực hiện qua VneID; Ước tính chi phí cắt giảm của các cơ quan nhà nước khi giảm thiểu được các yếu tố phục vụ tại trụ sở như: điện, nước, không gian, cơ sở vật chất: giấy, in, nhân lực, thời gian lao động - ước giảm khoảng hơn 10 tỷ đồng/năm. Hiện nay, bình quân một ngày có bình 1.000 hồ sơ Lý lịch tư pháp nộp qua VneID...

Đồng bộ dữ liệu về thuế với CSDLQG về dân cư; hoàn thiện chính sách, triển khai các giải pháp đăng ký, kê khai và nộp thuế điện tử, giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, tập trung kết nối liên thông, chia sẻ thông tin với các ngành…; triển khai thí điểm xây dựng Hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử; Kết nối, chia sẻ dữ liệu sức khỏe người dân với ứng dụng “Công dân Thủ đô số”…

Ngoài ra TP Hà Nội còn đạt được một số kết quả đáng chú ý khác như: Số người đăng ký nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân đạt 93,29%; tổng số bãi/điểm đỗ xe đang triển khai giải pháp thí điểm thanh toán dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố là 64 điểm thuộc 9/30 quận, huyện…Ước tính việc tiết kiệm (do thất thu) cho người dân khoảng 10,2 tỷ đồng/năm và giảm chi ngân sách cho các doanh nghiệp trông giữ phương tiện khoảng hơn 4,2 tỷ/năm/64 điểm trông giữ.

Mong muốn đề án được nhân rộng

Những kết quả đó cho thấy TP Hà Nội đã cơ bản đạt được các tiêu chí đặt ra: giảm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong thực hiện các yêu cầu thủ tục hành chính, dịch vụ công và các tiện ích xã hội…

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trên cơ sở rút kinh nghiệm của TP Hà Nội, Bộ Y tế cũng triển khai tích cực trên các địa phương còn lại trên toàn quốc, để gắn chuyển đổi số với Đề án 06 trong lĩnh vực y tế, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện Bộ Y tế đang xây dựng đề án cụ thể phát triển hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho chuyển đổi số…

lan.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cảm ơn TP. Hà Nội đã chọn lĩnh vực y tế là một trong những lĩnh vực tập trung triển khai ngay từ đầu cho Đề án 06 - Ảnh: VGP

"Một trong những bài học chúng tôi thấy Hà Nội đã triển khai thành công đó là sự chỉ đạo rất quyết liệt của các vị lãnh đạo UBND TP Hà Nội, sự cố gắng của các cơ quan, ban, ngành, sự hỗ trợ đặc biệt của Bộ Công an, các bộ, ban, ngành để triển khai nhiệm vụ này. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn đề án được nhân rộng trên toàn quốc và phục vụ tốt hơn cho công tác của ngành y tế" - Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nói.

Đánh giá cao những kết quả mà Hà Nội đã đạt được trong thời gian qua, Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng việc thực hiện Đề án 06 đã tác động tích cực trên mọi mặt đời sống xã hội của TP Hà Nội, từng bước, thay đổi tư duy trong công tác quản lý; thay đổi thói quen, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức; cắt giảm các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí của người dân và doanh nghiệp…

quang.jpg
Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP

Bộ trưởng Bộ Công an cũng đề xuất các bộ ngành, thành viên tổ công tác tiếp tục cùng với TP. Hà Nội triển khai Đề án 06 nói chung và 19 mô hình nói riêng; thường xuyên giao ban để kịp thời tháo gỡ công việc, những vướng mắc trong quá trình triển khai… Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với TP Hà Nội, UBND các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Đề án 06, mang lại lợi ích thiết thực, hiệu quả, lâu dài cho đất nước, người dân và doanh nghiệp, phù hợp với tình hình địa bàn, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ thời gian, gắn với 5 nhóm pháp lý, hạ tầng, an ninh, an toàn dữ liệu, nguồn lực.

thanh.jpg
Ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố phát biểu ý kiến đáp từ và bế mạc Hội nghị - Ảnh: VGP

Thay mặt lãnh đạo TP Hà Nội phát biểu, ông Trần Sỹ Thanh Chủ tịch UBND TP xin lĩnh hội, tiếp thu đầy đủ ý kiến phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và trân trọng cảm ơn những tình cảm tốt đẹp, sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, toàn diện của Thủ tướng Chính phủ dành cho Thủ đô Hà Nội trong thời gian vừa qua.

Chủ tịch UBND Hà Nội cũng cảm ơn sự đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn của Tổ công tác 06 của Chính phủ, của Bộ Công an, các bộ, ban, ngành Trung ương, các tập đoàn, các Tổng công ty là đối tác của thành phố Hà Nội.

"Hà Nội sẽ cam kết hành động một cách quyết liệt, đặt mục tiêu lợi ích của quảng đại quần chúng nhân dân, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Tại hội nghị, UBND TP Hà Nội đã công bố vận hành một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06 trên địa bàn thành phố bao gồm: Công dân Thủ đô số (iHanoi) - Chạm để kết nối; Hồ sơ sức khỏe điện tử trên VneID; Hệ thống Phòng họp thông minh, không giấy (i-Cabinet).

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức kích hoạt vận hành một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06 trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: Kinhtedothi.vn
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức kích hoạt vận hành một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06 trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: Kinhtedothi.vn

Đây là sự kiện có ý nghĩa đánh dấu bước tiên phong của Thủ đô trong tiến trình chuyển đổi số, tạo phong cách làm việc mới khoa học, hiệu quả, xây dựng thành phố xanh, thông minh, hiện đại, phát triển bao trùm và bền vững với quyết tâm xây dựng "Chính quyền số - Chính quyền phục vụ", "Doanh nghiệp số - Doanh nghiệp cống hiến", " Xã hội số - Xã hội niềm tin" với "tầm nhìn mới, tư duy mới toàn cầu", "Tư duy Thủ đô và hành động của Hà Nội".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội chính thức vận hành các nền tảng, ứng dụng của Đề án 06