Ngày 11/5, UBND TP Hà Nội ra công văn tạm dừng, giải tỏa chợ tạm, chợ cóc để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên đến nay, hoạt động chợ tạm, chợ cóc vẫn tấp nập người mua, kẻ bán bất chấp lệnh cấm của thành phố.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngày 30/5 tại một số khu chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như: Chợ Hoa Bằng (Cầu Giấy), chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), chợ Mỹ Đình (Nam Từ Liêm) hoạt động mua bán diễn ra khá tấp nập. Về cơ bản, nhiều tiểu thương và người mua hàng đã chấp hành đúng quy định đeo khẩu trang để phòng, chống dịch Covid-19.
Chị N.T.M., một tiểu thương cho biết: “Những người bán cũng lo lắng về dịch bệnh, nhưng mà cũng vì kế sinh nhai thôi. Mình nghỉ bán rồi cả nhà lấy gì mà ăn… Vì thế mọi người cũng biết nâng cao ý thức, đeo khẩu trang đầy đủ để hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm, mong tình hình dịch bệnh sớm qua đi để còn về lại với những ngày bình thường”.
Chị Hiền (Cầu Giấy) chia sẻ: “Chị cũng hạn chế tối đa việc phải ra ngoài, hôm nay đồ ăn hết nên mới phải đi chợ thôi. Ra đường bây giờ lúc nào cũng phải đeo khẩu trang đầy đủ, quần áo đi từ chợ về nhà là chị cho vào máy giặt luôn, phải bảo vệ an toàn cho bản thân và gia đình trong lúc dịch bệnh căng thẳng như thế này”.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nhiều người dân lơ là không đeo khẩu trang, hoặc đeo khẩu trang không đúng cách. Do hạn chế về diện tích, người bán và người mua không thể đảm bảo đúng quy định đứng giãn cách ít nhất 2 m. Nhiều người bán hàng còn tranh thủ cởi bỏ khẩu trang xuống dưới cằm để trò chuyện với khách hàng hoặc những người bán xung quanh.
Trước đó, vào ngày 11/5, Hà Nội đã có văn bản yêu cầu giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm vỉa hè. Tuy nhiên, hoạt động chợ tạm, chợ cóc vẫn diễn ra bất chấp lệnh cấm của thành phố. Nhiều tiểu thương tụ tập họp chợ, ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè, nối nhau cả hàng dài. Hoạt động vừa bán vừa canh, lực lượng chức năng vừa “khuất bóng”, các tiểu thương lại “nhộn nhịp” bày hàng trở lại. Việc tụ tập buôn bán lấn chiếm vỉa hè không chỉ làm gây mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Đáng nói, tại các khu chợ, phía bên ngoài cổng không có các chốt kiểm soát dịch, hay bố trí người trực nhắc nhở người dân khi vào chợ. Nước rửa tay cũng không được bố trí sẵn, không có điểm đo thân nhiệt; Và nhiều biển chỉ dẫn cũng còn khá “hạn chế”.
Chợ dân sinh là khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh nhất hiện nay. Nơi đây tập trung đông người bán đến từ nhiều nơi, các yếu tố về vệ sinh cũng không được đảm bảo, khoảng cách giữa người bán và người mua rất gần nhau... Vì vậy, các lực lượng chức năng cần vào cuộc, thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời xử lý nghiêm các trường vi phạm, nhất là trong thời điểm số ca nhiễm Covid-19 ngày càng tăng cao như hiện nay.
Người dân cũng nên hạn chế đi ra ngoài, chỉ nên mua những đồ thiết yếu phục vụ nhu cầu hàng ngày. Khi đi chợ, cần tránh tiếp xúc quá gần với người bán, thực hiện đầy đủ quy định 5k của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Dưới đây là hình ảnh phóng viên ghi nhận tại một số chợ cóc, chợ tạm ở Hà Nội ngày 30/5: