Hà Nội: Công trình vi phạm quanh hồ Đồng Đò bịt cả đường phòng cháy chữa cháy

HÀ AN - NAM ANH 19/09/2022 09:30

Bất chấp sự quản lý của chính quyền địa phương, nhiều căn biệt thự nghỉ dưỡng, homestay, nhà cao tầng… không phép, đua nhau mọc lên quanh khu vực hồ Đồng Đò thuộc thôn Minh Tân (xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội).

Một loạt những căn biệt thự vi phạm rộng cả nghìn mét vuông vẫn tồn tại, mở cửa kinh doanh.

Dân cư sống trong rừng phòng hộ

Được biết, hồ Đồng Đò rộng cả trăm hecta, nằm lọt thỏm giữa khu vực rừng phòng hộ với ngút ngàn thông xanh. Ngoài giá trị chứa nước, tiêu úng, hồ Đồng Đò còn giữ nhiệm vụ quan trọng trong việc điều tiết nước tưới tiêu cho cả vùng.

Quan trọng là vậy và chỉ cách trụ sở UBND xã Minh Trí vài cây số, lại có đường nhựa, ô tô xe máy dễ đi vô cùng, thuận tiện cho việc kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng, vậy mà hồ Đồng Đò đang ngày đêm bị người dân xâm phạm, ngang nhiên xây dựng lấn chiếm khu lòng hồ một cách không thương tiếc.

Khoảng thời gian cuối tháng 7, đầu tháng 8/2022, chúng tôi liên tục có những buổi khảo sát thực tế, ghi nhận tình trạng xây dựng trái phép trên đất rừng, đất lòng hồ Đồng Đò. Và điều đáng nói, là hàng loạt công trình vi phạm cũ chưa được xử lý triệt để, nhưng nhiều trường hợp vi phạm mới lại tiếp tục xuất hiện.

Con đường nhựa liên thôn dài hàng cây số luôn phủ đỏ bụi đất, cả chục chiếc máy xúc, xe tải chuyên chở vật liệu xây dựng,… luôn hoạt động hết công suất. Thoạt nhìn, khu Đồng Đò không khác gì công trường xây dựng.

Quan sát thực tế cho thấy, ngoài những công trình nghỉ dưỡng đồ sộ bằng bê tông cốt thép, thì gần như toàn bộ diện tích đất bám lấy mép nước hồ Đồng Đò không còn khoảng trống. Tất cả đều được kẻ thẳng, san lấp, phân lô bằng tường gạch kiên cố, hoặc trụ bê tông kéo dài, trên phủ dây thép gai… Phía trên đường nhựa trông xuống được quây kín bằng hàng rào tôn.

Bà Bùi Thị Nguyệt, một người dân sinh sống ở xã Minh Trí khẳng định với chúng tôi: hiện khu vực đất ven lòng hồ Đồng Đò đều đã có chủ, mỗi lô giá lên đến cả chục tỷ đồng. Và chủ nhân của những lô đất này đều là "người thiên hạ" (không phải dân ở huyện Sóc Sơn) đến mua và xây biệt thự nghỉ dưỡng, homestay kinh doanh.

Ngang nhiên xây dựng công trình kiên cố lấn chiếm lòng hồ Đồng Đò.

Không chỉ bà Nguyệt, mà còn có ông Kiên, ông Thuận… họ đều là những người dân bản địa đã dẫn chúng tôi mục sở thị hàng loạt căn biệt thự nghỉ dưỡng nằm giữa cánh rừng thông, xanh thẫm của đất rừng, đất lòng hồ. Những người dân này còn tiết lộ, những công trình xây dựng trái phép, hầu hết là người vùng khác tìm đến mua đất, rồi lo lót thủ tục để xây dựng nhà ở, biệt thự.

Về thực trạng trên, trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Đinh Văn Bảo – Chủ tịch UBND xã Minh Trí cho hay: Những năm 1988 của thế kỷ trước, chủ trương của Nhà nước di dân đi vùng kinh tế mới, khai khẩn đất hoang, trồng rừng, do vậy khu vực đất rừng thôn Minh Tân với hồ Đồng Đò mới được hình thành từ đó. Sau này, vùng đất Đồng Đò thôn Minh Tân có thêm các hộ dân tách ra, dựng cửa làm nhà, họ vốn là con, là cháu của những hộ dân thời đó di dân đi vùng kinh tế mới. Hiện tại, khu vực này cũng mới được đưa vào quy hoạch rừng phòng hộ.

Vẫn theo ông Bảo, hiện trong khu Đồng Đò có trên dưới 200 hộ dân sinh sống. Nhưng không có hộ dân nào được cấp giấy tờ sổ đỏ theo quyền sử dụng đất trước 15/10/1993. Tuy nhiên, do các trường hợp xây dựng công trình vi phạm quá lớn, vượt thẩm quyền cấp xã, nên chính quyền đã tiến hành lập biên bản vi phạm trật tự xây dựng, làm tờ trình gửi lên UBND huyện Sóc Sơn.

Công trình vi phạm bịt cả đường phòng cháy chữa cháy

Một trong những phương án ngăn ngừa phòng cháy chữa cháy rừng phòng hộ Sóc Sơn được chính quyền các cấp áp dụng, đó là làm những con đường chạy rừng. Đường phòng cháy, chữa cháy này được kết nối thuận tiện với hồ nước lớn, những điểm chứa nước. Trong đó hồ Đồng Đò là một điểm đến trung tâm.

Vậy nhưng, ở thời điểm hiện tại, quanh khu vực hồ Đồng Đò có nhiều công trình kiên cố, từ biệt thự, homestay, cho tới những khu nghỉ dưỡng quy mô lớn. Các công trình mọc lên rất nhiều, từng mét đất bị người dân chiếm dụng chia nhau kinh doanh dịch vụ như cho thuê đồ bơi, dịch vụ chèo thuyền kayak… Theo ông Chuốt, ông Kiên (những người dân xã Minh Trí) thực trạng trên khiến những chiếc xe cứu hỏa muốn tiếp cận hồ Đồng Đò hút nước thông qua đường phòng cháy chữa cháy là vô cùng khó.

Hàng loạt những công trình kiên cố như này bịt lối dẫn xuống hồ Đồng Đò.

Vẫn theo những người dân sinh ra và lớn lên ở xã Minh Trí này, không chỉ xảy ra tình trạng bịt đường phòng cháy chữa cháy rừng phòng hộ, mà trường hợp còn ngang nhiên chiếm dụng phần diện tích đất đồi thông thuộc rừng phòng hộ để cho du khách thập phương dựng lều, cắm trại, nghỉ dưỡng qua đêm.

“Cây và cành lá thông rất dễ bắt lửa, nên trường hợp du khách thập phương dựng lều, cắm trại rồi đốt lửa nấu ăn… thì rất dễ xảy ra hỏa hoạn, khi đó hậu quả là khó lường. Việc làm này diễn ra công khai và đã đâu, nhưng cho tới nay vẫn không hề thấy chính quyền UBND xã Minh Trí, cũng như phòng ban chức năng của UBND huyện Sóc Sơn vào cuộc chỉ dạo dứt điểm”, ông Chuốt bức xúc.

Ẩn họa khôn lường!

Trong khi đó theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều chủ biệt thự, homestay, villa… xây dựng trái phép còn đua nhau cập nhật thông trên mạng xã hội về du lịch nghỉ dưỡng, qua đó quảng bá, ví von khu hồ Đồng Đò là Đà Lạt thu nhỏ ở Hà Nội, một khu du lịch sinh thái hết sức tự nhiên.

Trên mạng xã hội nhiều bài quảng cáo nêu nội dung về “Kinh nghiệm du lịch hồ Đồng Đò 1 Đà Lạt ở Hà Nội” có đoạn “Hồ Đồng Đò chủ yếu tập trung các đại gia nên họ xây nhiều villa với homestay cực đẹp. Tại đây có rất nhiều villa, Homestay đẹp như HTM hotel (50 phòng), Dong Do Lake, Dong Do Quan, New Sun, GISY Lake, Island House, Lavita, An Viên, Lam Viên, Lakeside, Nha Ven Ho, Shoji Home, Mon Lake, 03 địa điểm cắm trại miễn phí ven hồ”.

Về thông tin kể trên, một lãnh đạo xã Minh Trí đề nghị được giấu tên cho hay, những khu lưu trú đón khách kể trên đều là công trình vi phạm trật tự xây dựng. Song không hiểu vì lý do gì mà những công trình này vẫn có thể hoàn thiện và tồn tại và mở cửa đón khách.

Một điều đáng ngạc nhiên khác, đây đều là những công trình vi phạm với mức độ xây dựng quá lớn, vượt thẩm quyền cấp xã, nhưng phía Công ty Điện lực Sóc Sơn vẫn có thể hoàn tất hồ sơ, ký hợp đồng cấp điện.

Các công trình vi phạm xâm lấn đất lòng hồ Đồng Đò vẫn được cấp điện để khai thác dịch vụ du lịch.

Trước thực trạng này, khi làm việc với UBND xã Minh Trí, chúng tôi có nêu câu hỏi “Quá trình vận hành khai thác dịch vụ du lịch, trong trường hợp các khu lưu trú này để xảy ra những tình huống xấu, gây thiệt hại về người và của, thì trách nhiệm của lãnh đạo xã Minh Trí ở đâu?", ông Đinh Văn Bảo – Chủ tịch UBND xã Minh Trí cho biết, xã thường xuyên cắt cử lực lượng tuyên truyền nhắc nhở du khách thập phương khi lui tới khu vực hồ Đồng Đò, cũng như nắm tình hình. Và sự việc sau đó được tổng hợp báo báo gửi lên UBND huyện Sóc Sơn.

Liên quan tới thực trạng nhiều công trình vi phạm với mức độ xây dựng quá lớn, không đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, nhưng vẫn được cấp điện sinh hoạt, điện kinh doanh, sản xuất… Ông Vũ Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Điện lực Sóc Sơn cho hay, thủ tục cấp điện, hợp đồng mua bán bao gồm những giấy tờ sau: giấy đề nghị mua điện; bản sao một trong các giấy tờ có liên quan đến địa điểm mua điện, như hộ khẩu thường trú hoặc sổ tạm trú, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc quyết định phân nhà hoặc hợp đồng mua bán nhà, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trên đất đã có nhà ở), hợp đồng thuê nhà.

Trường hợp không có một trong các giấy tờ liên quan đến địa điểm mua điện thì giấy đề nghị mua điện có xác nhận của UBND phường, xã tại nơi đề nghị mua điện.

Và ông Giám đốc Công ty Điện lực Sóc Sơn cũng thẳng thắn thừa nhận, với thủ tục như trên, thì nhiều hộ ở khu vực hồ Đồng Đò có vấn đề về giấy tờ trong khâu hợp đồng mua bán điện. Nhưng theo ông Tuấn Anh, thời điểm ông về nhận công tác ở Công ty Điện lực Sóc Sơn vào đầu năm 2022. Từ đó cho tới nay, ông không ký bất kỳ một hợp đồng mua bán điện nào.

Liên quan tới vụ việc trên, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Phạm Văn Minh – Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho hay, vấn đề liên quan tới rừng thì phóng viên phải đi hỏi ngành rừng, việc cung cấp điện phải hỏi ngành điện. Và sau đó ông Minh cúp máy với lý do “tiếp đoàn khách của thành phố về”.

Ở một hướng khác, để có thông tin cho bài viết, PV Báo Đại Đoàn Kết liên hệ làm việc với phòng ban chuyên môn, cũng như lãnh đạo huyện Sóc Sơn phụ trách chuyên môn, thông qua ông Nguyễn Hữu Thông - Phó chánh văn phòng UBND huyện Sóc Sơn.

Tiếp nhận giấy giới thiệu từ PV, ông Thông cho hay, sẽ sớm liên hệ lại Báo Đại Đoàn Kết để cung cấp thông tin. Tuy nhiên, cho tới nay, đã gần 2 tháng trôi qua, song Báo Đại Đoàn Kết vẫn chưa hề nhận được hồi đáp, cũng như bất kỳ thông tin nào, như lời ông Thông đã nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội: Công trình vi phạm quanh hồ Đồng Đò bịt cả đường phòng cháy chữa cháy