Người dân sống trong cụm chung cư Văn phòng Quốc hội (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) phải sống trong nỗi bất an, lo sợ và bức xúc trước những dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng tồn tại dai dẳng của toà nhà.
Ám ảnh chất lượng công trình
Cụm chung cư Văn phòng Quốc hội, ô đất CT2, phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có chủ đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7, được nghiệm thu hoàn thành công trình năm 2018.
Tuy nhiên sau 4 năm đi vào sử dụng, chất lượng công trình có nhiều dấu hiệu xuống cấp. Mặc cho cư dân nhiều lần kêu cứu, các vị trí hư hỏng này đã không được xử lý triệt để, có nguy cơ làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
Đồng thời, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng xây dựng cũng đã yêu cầu chủ đầu tư: “Theo dõi xử lý triệt để các vết nứt dầm, sàn tầng 1, tổ chức thực hiện quan trắc và đánh giá tình trạng vết nứt dầm sàn và sự làm việc của công trình trong quá trình sử dụng để kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình”.
Thế nhưng sau gần 5 năm, những vấn đề tồn tại của toà nhà này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Trong các biên bản hiện trường thấm ngấm tại hầm để xe và sân thượng của Ban quản trị toà nhà cũng thể hiện rất rõ những bất cập của chất lượng công trình, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của cư dân. Cụ thể, các vết nứt trên cổ trần sân thượng của toà CT2C2, nước thấm ngấm qua các kẽ nứt chảy xuống cửa sổ các căn hộ tầng 19 và 20. Còn tại sân thượng toà nhà CT2C1, cứ hễ trời mưa là nước ngấm xuống hành lang tầng 21, thậm chí ngấm vào cả nền nhà một số căn hộ.
Tại hầm để xe, hiện tượng thấm ngấm nước cũng được xác định ở nhiều vị trí như lối xuống hầm, lối vào thang máy hầm toà nhà CT2C1, CT2C2,…
Đặc biệt, trong những đợt mưa lớn, tình trạng thấm dột này càng trở nên nghiêm trọng hơn. Xuất hiện hiện tượng sủi bọt bê tông tại các khe hở thuộc toà nhà CT2C2, đe doạ trực tiếp đến tuổi thọ của công trình cũng như tài sản, tính mạng của người dân.
Bức xúc vì luôn nơm nớp nỗi lo
Được biết, cư dân đã nhiều lần gửi đơn thư đề nghị, yêu cầu chủ đầu tư cho các nhà thầu kiểm tra, sửa chữa và khắc phục các tồn tại này. Tuy nhiên đến nay, các biện pháp sửa chữa và thi công đều được tiến hành chậm chạp, không phù hợp, các vị trí thấm dột vẫn chưa được xử lí triệt để. Cư dân tại Chung cư Văn phòng Quốc hội vẫn hàng ngày sống trong cảnh nơm nớp lo sợ, bất an và bức xúc.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng (cư dân toà CT2C2) cho biết “Các tồn tại bất cập của công trình đã được kết luận trong thông báo kết quả nghiệm thu của Cục Giám định Nhà nước về chất lượng xây dựng. Thế nhưng nhiều năm nay, các vết nứt dầm sàn, thấm dột, rãnh nứt,… này chỉ được xử lí một cách đối phó, không triệt để. Cứ khi nào mưa to là nơm nớp lo sợ. Thiếu trách nhiệm hơn, Ban quản trị của toà nhà là những người được bầu lên để bảo vệ quyền lợi của cư dân cũng không có tinh thần trách nhiệm để phối hợp cùng cư dân giải quyết”.
Còn ông Mai Thế Thi (toà CT2B) cũng chia sẻ: “Hiện tượng thấm dột tại toà nhà xảy ra rất nhiều. Các hộ dân chịu ảnh hưởng cũng gửi đơn nhiều lần đến các đơn vị liên quan yêu cầu sửa chữa. Thế nhưng đến nay nhiều hộ vẫn chưa được kiểm tra, xử lí. Trong khi đó, nhiều hộ dù đã được xử lí nhưng đâu lại vào đấy. Chưa kể những phần thấm dột chung như tầng hầm đã tồn tại từ khi bàn giao đến nay vẫn từng ngày xuống cấp. Cứ mưa lớn là nước chảy thành từng dòng làm cư dân hoang mang…”
Căn hộ của ông Nguyễn Xuân Trường (toà CT2B) cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc thấm dột. Theo ông Trường, khu vực nhà vệ sinh và tường nhà do thấm nước lâu ngày bong thành từng mảng, lúc nào cũng trong tình trạng ẩm ướt. Dù đã nhiều lần có đơn kiến nghị, cũng được đơn vị thi công trên dưới chục lần hứa hẹn nhiều lần sẽ xử lí nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có đơn vị nào đến kiểm tra, sửa chữa.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online, đại diện lãnh đạo phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) cho biết, phía lãnh đạo phường đã nhận được phản ánh và đơn thư của người dân thuộc chung cư Văn phòng Quốc hội. Hiện tại, UBND phường Xuân Phương đang tích cực làm việc với các đơn vị liên quan, yêu cầu trong vòng 10 ngày phải cung các cấp hồ sơ tài liệu liên quan đến quá trình bảo trì, bảo dưỡng công trình.
Liên quan đến công tác bảo dưỡng, chủ đầu tư sẽ phải quản lí việc bảo dưỡng của các đơn vị thi công, còn đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm. Chính quyền địa phương đã nắm bắt tình hình và sẽ có báo cáo cụ thể, đại diện lãnh đạo phường Xuân Phương cho biết thêm.