Hà Nội của Công Quốc Hà

HOÀNG THU PHỐ 14/10/2022 11:16

Phố Hàm Long, tôi không ngờ lại có một quán cà phê treo toàn tranh của họa sĩ Công Quốc Hà. Quán nhỏ, vắt vẻo trên tầng 2, nhưng tranh to, tranh nhỏ của Công Quốc Hà hiện diện trên các bức tường. Bước qua khoảng nhộn nhạo ồn ào của mấy quán ăn dưới tầng 1, ngồi trên chiếc ghế mây nhỏ, ngắm những bức tranh của Công Quốc Hà, thấy lắng dịu lại một Hà Nội bình yên, trong trẻo…

Họa sĩ Công Quốc Hà trong quán cà phê ở Hà Nội. Ảnh: Hoàng Thu Phố.

1.Tôi thích tranh Công Quốc Hà từ giai đoạn trước, đó là những năm cuối thế kỷ 20. Khi đó, Công Quốc Hà còn ở Hà Nội. Khi đó, Công Quốc Hà còn làm sơn mài truyền thống. Và cũng khi đó, anh hay cộng tác vẽ minh họa cho một số tờ báo văn chương. Nhiều tranh sơn mài của anh được một số tạp chí dùng làm tranh bìa. Đó là những bức tranh thiếu nữ của Hà Nội, làm bằng chất liệu sơn mài truyền thống. Những gương mặt Á đông bước vào và dừng lại trong khuôn tranh bằng sự tài hoa của Công Quốc Hà, và người xem nhận ra sự lấp lánh của bạc, màu trắng của vỏ trứng trên nền thẫm của then đen, đỏ son xanh lục… Xem tranh rồi nhớ, và thích Công Quốc Hà từ hồi đó. Thế rồi bẵng đi một thời gian, mới biết anh đã sang Thụy Điển sinh sống.

Nhờ mạng xã hội, theo dõi trang cá nhân của Công Quốc Hà và chợt nhận ra, cùng với sự thay đổi về không gian sáng tác thì tranh của anh cũng đã chuyển qua một giai đoạn mới. Vẫn là thiếu nữ và những góc phố Hà Nội đấy thôi, nhưng tươi tắn hơn bởi ở xứ người, Công Quốc Hà đã ít dùng chất liệu sơn mài truyền thống mà chuyển qua sơn mài Nhật Bản. Bảng màu của sơn mài Nhật rực rỡ hơn, lại có khi họa sĩ kết hợp giữa chất liệu sơn mài và acrylic, khiến tranh anh có thể phù hợp với nhiều không gian hiện đại, và cũng hợp với thị hiếu thẩm mỹ của nhiều người hơn.

Tháng trước, khi thấy họa sĩ Công Quốc Hà về Hà Nội, tôi nhắn tin cho anh. Tôi đã đắn đo khá nhiều trước khi gửi tin nhắn đi, bởi thấy lịch di chuyển của anh trong chuyến về Việt Nam lần này khá dày đặc. Vừa thấy triển lãm ở Hà Nội đã thấy anh vào TPHCM. Rồi những hình ảnh cập nhật trên trang cá nhân, với nhiều địa điểm trong nước, nhiều mối bang giao cũ - mới chằng chịt, thì thấy thật khó để có “khe hở” nào cho một cuộc hẹn với người chưa quen. Thế nhưng, vì thích những bức tranh của anh, tôi vẫn ấn nút gửi tin nhắn đi. Và rất nhanh sau đó, Công Quốc Hà hồi âm, hẹn tôi cuối giờ chiều ở tầng 2 ngôi nhà trên phố Hàm Long (Hà Nội)…

Thiếu nữ.

2.Trong không gian ngập tràn những bức tranh đủ mọi kích cỡ và chất liệu (sơn mài, sơn dầu, cắt giấy…) của mình, họa sĩ Công Quốc Hà quả quyết rằng, chất liệu chưa bao giờ là điều quan trọng nhất đối với anh. Chất liệu không tạo nên cái đẹp. Với anh, mỗi chất liệu đều có ưu điểm, vấn đề là người họa sĩ có thích hay không. Thích rồi thì có biết khai thác đúng và trúng cho mỗi bức tranh, mỗi thời đoạn sáng tác hay không mà thôi. Gần đây, những tác phẩm của Công Quốc Hà đã kết hợp giữa chất liệu sơn mài và acrylic tạo nên hiệu ứng nghệ thuật mởi mẻ, hiện đại và khác lạ hơn.

Công Quốc Hà nói rằng, sau 10 năm sống ở nước ngoài, anh được trải nghiệm rất nhiều và sự trải nghiệm đó va đập vào tâm trạng, cảm xúc sáng tạo. Những “va đập” ấy đã khiến anh nhìn lại bản thân mình và quyết tìm một lối mới. Tự làm mới mình không phải là điều dễ. Nhưng Công Quốc Hà đã có những cú rẽ ngoạn mục khiến đồng nghiệp và công chúng ghi nhận.

Ở nước ngoài lâu, có khiến cho cảm xúc và mảng đề tài Hà Nội mà anh đeo đuổi bị đứt gãy, bị gián đoạn? Công Quốc Hà bảo rằng, thời đại của công nghệ, khoảng cách cũng không phải là vấn đề. Anh vẫn cập nhật hàng giờ những câu chuyện của Hà Nội, của đất nước Việt Nam. Và từ đó, anh nuôi dưỡng cho mình được một mạch nguồn sâu sắc, bền bỉ…

Lại hỏi, vì sao sau cả chục năm anh mới về nước mà vừa rồi bày triển lãm ở Hà Nội “nhanh gọn” đến “chóng mặt” như vậy? Đến nỗi nhiều người chưa kịp đến xem thì đã thấy phòng tranh đóng cửa. Công Quốc Hà giải thích, là bởi, sống ở nước ngoài, anh nhận ra lâu nay các triển lãm mỹ thuật trong nước thường kéo dài từ 7-10 ngày, thậm chí lâu hơn, là không nên. Các triển lãm tranh ở nước ngoài thường diễn ra chỉ trong vài ba ngày. Công chúng, nhà sưu tập ai muốn đến xem sẽ phải thu xếp đến trong khoảng thời gian đó. Không thì thôi. Những người muốn, chắc chắn sẽ thu xếp được. Chứ không phải cứ mở cửa theo kiểu “à ơi”, lãng phí thời gian và tiền thuê địa điểm.

Bởi thế, khi bày triển lãm “Không gian hội họa Công Quốc Hà” với 18 tác phẩm đặc sắc, ấn tượng được sáng tác trải dài trong khoảng 40 năm, từ 1982 đến 2022, Công Quốc Hà cũng chỉ bày trong vòng 2 ngày tại Hà Nội.

Phố Hà Nội trong tranh của Công Quốc Hà.

3.Họa sĩ Công Quốc Hà sinh năm 1955, tốt nghiệp khoa Sơn mài Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Anh tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên trong phố cổ Hà Nội. Tôi tin, với bất kì một ai, nơi mình sinh trưởng thành cũng sẽ gắn bó suốt quãng đời mình. Với một người nghệ sĩ đã rời xa quê hương, thì nơi chốn ấy, với tất cả tuổi thơ, những kỷ niệm với gia đình, bạn bè, người quen qua bao thăng trầm lại càng được khắc sâu, nâng niu và trân trọng”.

Những diễn ngôn này ta có thể thấy nó tiếp tục hiển lộ bằng ngôn ngữ hội họa khi xem tranh của Công Quốc Hà. Những ngõ phố Hà Nội, mà như Công Quốc Hà nói, “những con phố làm nên nỗi nhớ” hiện ra trong tranh như kể lại những câu chuyện phố và người Hà Nội. Nơi đó, có thể gặp ký ức ngày bé dại, có thể thấy bóng của những gốc hoàng lan, sấu già nghiêng nghiêng trong gió. Hay nhưng vạt nắng thu vàng ươm dát trên những mái nhà biệt thự cũ…

Công Quốc Hà thừa nhận anh rất yêu phố cổ. Bởi so với nhiều quốc gia khác, phố cổ Hà Nội có kiến trúc rất độc đáo. Tuy không đồ sộ nhưng phố cổ Hà Nội mang hơi thở đặc biệt của một nước vùng nhiệt đới. Các ngõ nhỏ, phố nhỏ ấm áp, thơ mộng, những hàng cây, mái ngói... Những con phố Hà Nội mang chứa trong đó một không gian sống động, giúp người ta cảm nhận được đời sống của con người ở đó...

Những con phố làm nên nỗi nhớ trong tranh Công Quốc Hà.

Ký ức về Hà Nội trong con người một người Hà Nội xa xứ như họa sĩ Công Quốc Hà luôn đong đầy và trực chờ để trào dâng mỗi khi có dịp. Như mới đây, khi khai mạc triển lãm “Không gian nghệ thuật Công Quốc Hà” ở 136 phố Hàng Trống, anh bồi hồi nhớ lại: “Năm 1960 - đại gia đình tôi còn ở tại 136 Hàng Trống, lúc ấy là Khách sạn Phú Gia (nay đổi tên thành Apricot Hotel).

Cứ những hôm mưa rào mùa hạ, lũ trẻ gồm 2 anh trai tôi là Hải và Sơn, 3 anh Quỳnh, Hiệp, Doanh con cụ Lý Thái (nhà số 138) quần đùi may ô, chạy ra giữa đường tắm mưa, chạy lên hàng cây sấu chỗ đường đôi trước cửa Kem Bốn Mùa nhặt sấu chín rụng là sung sướng lắm. Hồi đó đường vắng chả có xe cộ như bây giờ nên chạy vô tư giữa đường chả sao.

Còn ngày nắng thì lội ra Hồ Gươm trước cửa nhà, khi đó nước trong và cạn, bờ hồ thoai thoải lội mãi mới ngập bụng, chúng tôi kiếm những viên gạch có 2 lỗ, buộc chỉ có cái phao bằng lông ngỗng để đánh dấu đặt từ tối hôm trước. Sáng sớm hôm sau réo nhau mắt nhắm mắt mở lội ùm ụp ra cúi xuống lấy tay bịt 2 đầu lỗ hòn gạch nhấc lên, ở trong lỗ được 4-5 con tôm,về nhà bỏ vào chai thủy tinh để nuôi”.

Hà Nội trong tâm thức Công Quốc Hà vẫn vẹn nguyên sự sống động. Và Hà Nội trong tranh anh vẫn ẩn tàng, vọng vang những câu chuyện phố, chuyện người. Những câu chuyện mà người họa sĩ thiết lập trong mỗi tác phẩm hội họa của mình nếu trùng với sự rung cảm của nhiều người chắc chắn sẽ được nhiều người yêu thích. Phần lớn tranh của Công Quốc Hà, với sự tài hoa của anh, đã chạm được đến trái tim công chúng và các nhà sưu tập, vì thế, nhiều người đã sẵn sàng sở hữu một bức tranh của anh - dù đó là một số tiền không nhỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội của Công Quốc Hà

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO