Các cửa hàng xăng dầu Petrolimex trên địa bàn TP Hà Nội sẽ tăng cường bán hàng 24/24h đến hết ngày 13/11/2022.
Ngày 8/11, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã có thông báo về công tác phục vụ bán hàng tại hệ thống cửa hàng xăng dầu của Petrolimex trên địa bàn Hà Nội từ ngày 8/11/2022 đến ngày 13/11/2022.
Theo Petrolimex, tại khu vực Hà Nội xuất hiện tình trạng người dân dồn về các cửa hàng xăng dầu của đơn vị với số lượng tăng đột biến, từ 35% đến gần 40% so với tháng 10.
Do đó, Petrolimex quyết định 96 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TP Hà Nội sẽ tăng cường bán hàng 24/24h đến hết ngày 13/11/2022.
Ngoài ra, Petrolimex cũng khuyến nghị khách hàng lựa chọn lộ trình giao thông, thời gian mua hàng, vị trí cửa hàng xăng dầu phù hợp để được phục vụ tốt nhất.
Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng 2022 cho thấy, sản lượng kinh doanh của Petrolimex đạt 10.177.633 m3, tấn bằng 83% kế hoạch và 108,1% cùng kỳ; trong đó, bán nội địa là 7.565.411 m3/tấn bằng 86,3% kế hoạch và bằng 120,1% cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận kinh doanh xăng dầu giai đoạn này lại lỗ 793 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 1.853 tỷ đồng.
Để bảo đảm nguồn hàng cho quý IV/2022, Petrolimex đã chủ động tạo nguồn cho thị trường nội địa dự kiến khoảng gần 3 triệu m3/tấn tương ứng khoảng 140% so với phân giao tối thiểu của Bộ Công Thương tại Văn bản số 6733/BCT-TTTN ngày 28/10/2022.
Trước những diễn biến của thị trường xăng dầu trong nước, các Đội Quản lý thị trường (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP.
Theo báo cáo, tính đến ngày 7/11, trong tổng số 493 cửa hàng xăng, dầu, có 6 cửa hàng ngừng bán hàng (do giấy chứng nhận đủ điều kiện hết hạn, đang chờ cấp lại; 5 cửa hàng đã được Sở Công Thương chấp thuận); 22 cửa hàng hết xăng dầu cục bộ và đều đã liên hệ với thương nhân đầu mối và cấp trở lại khi có nguồn. Không có cửa hàng nào vi phạm quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công Thương cũng có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương và các nhà máy lọc dầu cùng vào cuộc để đảm bảo nguồn cung ứng.
Cụ thể, Bộ Công Thương đề nghị Bộ GTVT, Bộ Công an, chính quyền các địa phương có phương án phân luồng, tạo điều kiện để các phương tiện vận chuyển xăng dầu được lưu thông, tiếp cận, cung ứng nguồn hàng kịp thời cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm.
Cơ quan quản lý cũng đề nghị 2 nhà máy lọc hóa dầu duy trì hoạt động sản xuất ổn định của nhà máy lọc dầu, tăng công suất ở mức tối đa có thể.